Cụ thể, tổng lượng xe nhập 2017 về Việt Nam đạt hơn 97.200 chiếc, giảm 15.300 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 và giảm 28.300 chiếc so với năm 2015. Mức giảm lượng ước đạt 13,6% và 22,5% so với 2 năm gần nhất.
Không còn hy vọng xe nhập giá rẻ
Mặc dù lượng giảm hàng chục nghìn chiếc như vậy, nhưng tổng kim ngạch xe hơi về Việt Nam chỉ giảm nhẹ, so với năm 2016 giá trị nhập khẩu xe hơi năm 2017 chỉ giảm 100 triệu USD, so với năm 2015 giá trị nhập khẩu xe hơi giảm 700 triệu USD.
Xe nhập khởi đầu cho cuộc chiến giảm giá và lượng nhập ồ ạt nhưng kết thúc năm lại giảm lượng nhập và tăng giá bất thường |
Đáng lưu ý nhất trong nhóm xe nhập khẩu về Việt Nam, mức suy giảm mạnh xảy ra đối với xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Trong năm 2017, thị trường ghi nhận lượng xe con nhập về đạt gần 39.000 chiếc, giảm gần 12.000 chiếc và 12.600 so với cùng kỳ các năm 2016 và 2015.
Mức suy giảm của xe con nhập đã ảnh hưởng đến cơ cấu nhập xe hơi của Việt Nam hiện nay bởi hai năm gần đây xe con thường chiếm trên 45% đến 50% tổng lượng xe nhập về Việt Nam, phần còn lại chia đều cho xe khách, xe chuyên dụng và xe tải. Tuy nhiên, việc suy giảm mạnh lượng xe con nhập trong năm 2017 đã khiến dòng xe du lịch chỉ còn chiếm chưa đầy 40% tổng lượng xe về Việt Nam.
Điều trớ trêu là lượng giảm nhưng giá trị nhập khẩu xe con lại tăng khá mạnh, dẫn đến giá trị xe nhập khẩu trung bình/mỗi chiếc xe hơi nhập về tăng lên hàng trăm triệu đồng.
Theo thống kê của hải quan, năm 2017 kim ngạch nhập xe con đạt 717 triệu USD, giá xe trung bình nhập khẩu trước thuế là 420 triệu đồng/chiếc, tăng hơn 100 triệu đồng so với giá xe trung bình năm 2016 và tăng hơn 180 triệu đồng so với giá xe nhập trung bình năm 2015.
"Lượng giảm, giá tăng" đây là thực tế đang xảy ra đối với thị trường xe hơi Việt Nam khi ngày càng nhiều chính sách thắt chặt hoạt động nhập khẩu ô tô ở Việt Nam. Bên cạnh đó, điều có thể lý giải là do phần lớn các xe giá rẻ được nhập từ Ấn Độ đã được nội địa hóa tại Việt Nam, một số xe giá rẻ khác trước nhập từ Indonesia, Thái Lan nhưng được thay đổi đơn hàng, dòng xe khác nên mức giá cao hơn.
Trên thực tế, từ sau Nghị định 116/2017 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực ngay trong tháng 10/2017, hoạt động nhập khẩu ngay lập tức trùng xuống do hàng loạt rào cản về: Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại; quy định kiểm tra theo từng lô hàng khai báo hải quan... điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp khó nhập xe về Việt Nam hơn.
Mỏi cổ chờ xe nhập miễn thuế
Lời giải thích khác cho việc tăng giá trung bình của xe nhập chính là Hyundai Thành Công giữa năm 2017 đã tuyên bố lắp ráp hàng loạt mẫu Hyudai i10, thay thế cho phiên bản nhập khẩu chủ yếu của Ấn Độ mà trước đó báo chí đã đưa tin chỉ có giá 90 triệu đồng/chiếc khi cập cảng Việt Nam.
Việc tự Thành Công sản xuất, lắp ráp thay vì nhập khẩu ồ ạt từ Ấn Độ cộng với với hàng loạt chính sách hạn chế nhập ồ ạt xe đã khiến lượng xe nhập giảm mạnh và xu hướng giảm giá xe hơi tại Việt Nam không còn như hồi đầu năm.
Theo con số thống kê của hải quan, từ tháng 9/2017, con số nhập xe con dưới 9 chỗ ngồi không còn đạt ngưỡng từ 3.000 - 5.000 chiếc/tháng như trước kia và bắt đầu giảm chỉ còn hơn 800 chiếc vào cuối tháng 10 và hơn 500 chiếc vào tháng 11. Trong tháng 12 - tháng cao điểm nhập khẩu xe bán Tết dương lịch và Nguyên đán 2018, lượng xe con nhập về đạt 3.700 chiếc, song con số này cũng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ tháng 12/2016 (hơn 7.400) xe.
Bắt đầu từ năm 2018, nhiều cơ sở để người tiêu dùng Việt tin vào viễn cảnh giá xe hạ xuống do thuế nhập khẩu xe hơi từ ASEAN được bãi bỏ, thuế nhập khẩu xe hơi từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc được điều chỉnh hạ dần theo cam kết cắt giảm thuế quan tại các HIpệ định FTA song và đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, tính đến hiện nay chưa có xe nào nhập khẩu miễn thuế từ ASEAN nào bày bán tại Việt Nam, giới kinh doanh xe hơi dự đoán nhanh nhất cũng phải sang tháng 3 - tháng 4/2018, xe nhập không thuế mới được bày bán và lăn bánh tại Việt Nam, lúc đó mức giá xe mới được chốt và người tiêu dùng vẫn phải chờ thêm.