Là thành phố đông dân thứ hai ở Nhật Bản và đón một du khách lớn hàng năm, Yokohama thường xuyên phải đối đầu với một vấn đề nan giải là tắc đường. Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, thành phố này đã giảm nhẹ được tình trạng kẹt xe.
Trên một xe bus được quản lý bằng công nghệ GPS ở Yokohama, Nhật Bản. |
Sở hữu hạ tầng giao thông gần như hoàn hảo và nhiều phương tiện giao thông hiện đại, thành phố 3,7 triệu dân Yokohama, nơi có khoảng 25 triệu du khách ghé thăm hàng năm theo số liệu của năm 2012, vẫn không thể “miễn nhiễm” với tắc đường.
Theo số liệu của Cục Đường bộ Yokohama, thành phố này là một trong những đô thị xảy ra tắc đường nhiều nhất và nghiêm trọng nhất ở Nhật. Tốc độ giao thông khi có kẹt xe vào những ngày làm việc trong tuần ở Yokohama là 20 km/h, thấp hơn mức trung bình 34,9 km/h trên toàn quốc, và mức 23 km/h tại những thành phố lớn của Nhật.
Bên cạnh tàu điện ngầm và xe hơi, xe bus cũng là một loại phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến ở Yokohama. Người dân địa phương cho hay, trong khung giờ giờ cao điểm hàng ngày từ 7-9h sáng, khi mọi người đi làm, và vào giờ tan tầm buổi chiều, thành phố có các làn đường ưu tiên dành cho xe bus.
Tuy nhiên, với một lượng phương tiện giao thông lớn cùng xuất hiện trên đường, việc ưu tiên đường cho xe bus chưa đủ để khắc phục nguy cơ xảy ra tắc nghẽn, dồn ứ các phương tiện.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông Yokohama đã áp dụng một hệ thống cải thiện vận hành xe bus, sử dụng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) truyền các dữ liệu theo thời gian thực giữa xe bus và trung tâm điều khiển qua vệ tinh.
Các dữ liệu được chuyển về trung tâm điều khiển gồm có số lượng hành khách lên, xuống xe tại mỗi điểm dừng, thời gian xe đến và rời mỗi điểm dừng, vị trí của xe bus trên đường…
Thông qua phân tích các dữ liệu này, trung tâm điều khiển có thể điều số lượng xe cho phù hợp với từng tuyến và từng thời điểm, tránh tình trạng thừa xe hoặc thiếu xe. Mỗi khi xe bus đến gần đoạn đường xảy ra tắc nghẽn, sẽ có cảnh báo từ trung tâm để tài xế chuyển hướng sang đường khác để tránh tắc nếu có thể.
Hệ thống này cũng thu thập dữ liệu về công việc hàng ngày của các tài xế như số chuyến, thời gian làm việc… để phục vụ cho việc tính lương hàng tháng.
Đối với hành khách, hệ thống cung cấp thông tin về vị trí xe trên hành trình, các điểm dừng… trên màn hình trên xe và trên ứng dụng smartphone.
Đại diện Sở Giao thông Yokohama cho biết thành phố hiện có 800 xe bus được quản lý bằng công nghệ GPS, giúp giảm đáng kể áp lực giao thông trong giờ cao điểm, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, hạn chế những thiệt hại kinh tế - xã hội do tắc đường gây ra.
Thiệt hại do tắc đường là một vấn đề lớn trên toàn cầu, thậm chí ở cả những quốc gia phát triển như Nhật Bản.
Theo một báo cáo vào năm 2013 của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, thiệt hại về thời gian do tắc đường gây ra ở nước này là 5 tỷ giờ mỗi năm, tương đương gần 40 giờ tính trên mỗi công dân. Nếu quy ra tiền, mức thiệt hại này tương đương gần 130 tỷ USD. Một báo cáo năm 2013 của hãng xe Nissan ước tính 11% lượng xăng xe tiêu thụ hàng năm ở Nhật bị thiệt hại do tắc đường.
Cũng trong năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Mỹ công bố một báo cáo nói rằng tắc đường khiến nước Mỹ thiệt hại 124 tỷ USD trong năm đó, và con số này sẽ tăng lên mức 186 tỷ USD vào năm 2030.
Với những giải pháp hiệu quả về giao thông như hệ thống cải thiện vận hành xe bus bằng công nghệ GPS, Yokohama được xem là một hình mẫu cho các thành phố đang phát triển học theo. Nhiều năm trước, Yokohama đặt mục tiêu thời gian đi lại giữa trung tâm và ngoại ô thành phố chỉ trong vòng 30 phút, và đã đạt được mục tiêu này vào năm 2003.
Những kết quả trên là một phần lý do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chọn Yokohama làm nơi đăng cai hội nghị thường niên lần thứ 50 của định chế này vào tuần trước.
Tại hội nghị này, Nhật Bản cho biết sẽ dành 40 triệu USD để hỗ trợ các dự án năng lượng sạch và giao thông cho các nước đang phát triển ở khu vực châu Á. Dự kiến, số tiền này sẽ được giải ngân trong 2 năm.