Kiến nghị bỏ phí đăng kiểm, kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí trở lại từ hôm nay 22/9 Có thẻ ePass, xe đi vèo vèo qua các trạm thu phí tự động trên toàn quốc |
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và đơn vị tư vấn là trường Đại học Giao thông Vận tải đã hoàn thiện Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình Uỷ ban nhân dân thành phố vào cuối tháng 10.
Ranh giới thu phí được xác định trong đề án là từ vành đai 3 (cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3); chu vi khu vực thu phí khoảng 51 km, diện tích 150 km2.
Dự kiến 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Một số vị trí dự kiến đặt tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì...
Việc thu phí không áp dụng với các phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm.
Trường Đại học Giao thông Vận tải đề xuất thời gian dự kiến từ 5h đến 21h hàng ngày, chia ra các khung giờ cao điểm và thấp điểm. Mỗi vị trí dự tính sẽ có hệ thống thu phí tự động và hệ thống camera, không có người thu trực tiếp. Ô tô đi qua không phải dừng, tiền phí được trừ trong tài khoản của chủ xe.
Hệ thống thu phí tự động này đáp ứng xe lưu thông tốc độ tối đa 70 km/h. Các chủ phương tiện sẽ phải mở tài khoản để phục vụ thu phí cũng như nộp phạt khi vi phạm giao thông. Ngoài ra, hệ thống thu phí này sẽ đồng bộ với thu phí tự động trên các quốc lộ, cao tốc.
Nội dung đề án cho biết thêm, mức phí thu phương tiện lúc cao điểm khác thấp điểm; phí vé tháng, vé lượt cho các phương tiện khác nhau. Người dân sống gần trạm thu phí, xe ưu tiên được miễn giảm. Xe kinh doanh vận tải có mức phí thấp để không ảnh hưởng chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa. Xe chở khách công cộng có mức phí thấp hơn xe cá nhân...
Lộ trình được tiết lộ sẽ theo từng giai đoạn: hoàn thiện đề án, ban hành mức phí vào năm 2021-2025; từ năm 2025-2030 tổ chức thí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Theo Báo Giao thông, theo kế hoạch sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, thời gian thực hiện, sắp tới đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các bộ phận có liên quan để xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới. Cùng đó sẽ xác định rõ phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hà Nội cho biết, các vị trí đơn vị tư vấn lập ra mới chỉ là những dự thảo, đề xuất. "Sau khi nhận phương án, chúng tôi còn phải rà soát, nghiên cứu và đề xuất thành phố chấp thuận".
Đề án quản lý xe cá nhân có nội dung rằng tới giai đoạn năm 2030 thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, tuy nhiên do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên các nhà quản lý lập luận rằng việc phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Theo đề án, loại phí mới được ban hành mang tính trách nhiệm khi bắt buộc chủ xe phải trả tiền bởi gây ra ùn tắc giao thông. Mục đích thu ngân sách không phải là đích đến mà xác định đây là phí thu phi lợi nhuận và có sức nặng để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp với nhu cầu của mình; đồng thời góp phần hướng người dân dần chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, hình thành văn hóa đi bộ. Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ô tô 600.000, chưa kể tới khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Số lượng phương tiện này thực tế đang tạo áp lực cho giao thông nội đô Hà Nội hiện nay.
Phương Huyền