Dường như thắt dây đai an toàn đã trở thành một thói quen với mỗi người sử dụng ô tô nhưng ít ai biết rằng, trước khi các hệ thống an toàn tân tiến ra đời thì dây đai an toàn là hệ thống an toàn bảo vệ người lái thô sơ nhất được phát minh. Từ một trang bị tùy chọn trở thành trang bị tiêu chuẩn trên xe hơi.
Dây đai an toàn được phát minh với mục đích giữ cho người ngồi bên trong không bị văng ra ngoài hoặc lao lên phía trước khi xe dừng đột ngột. Nói cách khác, dây đai an toàn có nhiệm vụ triệt tiêu lực quán tính. Trong trường hợp xe đang di chuyển ở vận tốc 60km/h, bất thình lình va phải chướng ngại vật. Một điều chắc chắn chiếc rằng, mọi vật ở bên trong sẽ chuyển động với vận tốc riêng của nó và người lái cũng vậy. Ở thời điểm va chạm, nếu chiếc xe đang lao đi với tốc độ 60 km/h thì người lái sẽ có nguy cơ va đập vào vô-lăng (nguyên nhân gây ra cái chết ở phần lớn lái xe), còn ở vận tốc 100 km/h, khả năng những người ngồi ở hàng ghế trước lao vào kính chắn gió là rất cao và nguy cơ tổn thương vùng đầu là không tránh khỏi.
Nils Bohlin "cha đẻ" của dây đai an toàn ba điểm.
Trên xe hơi, ngoài hệ thống dây an toàn, người ta còn chế tạo những vùng hấp thụ năng lượng va chạm. Những vùng này rất "mềm", thường ở phần đầu và sau xe. Khi bị đâm từ phía sau hoặc phía trước, những vùng này sẽ bị co dúm lại thay vì toàn bộ chiếc xe bị dừng lại đột ngột như khi đâm vào một chướng ngại vật. Khu vực này sẽ hấp thụ một phần lực va chạm vào chính phần bị bẹp ở vùng bị va đập. Khoang lái chiếc xe cứng vững hơn và không bị bẹp lại. Trong tình huống chiếc xe chưa dừng lại thì phần đầu xe bị vò nát đó sẽ trở thành vật cản giữa khoang lái và chướng ngại. Tuy nhiên, những vùng bị vò nát ở đầu và sau xe sẽ chỉ bảo vệ bạn khi bạn đang ở trong cabin và cài dây đai an toàn.Tại Mỹ, vào những năm 50 của thế kỉ trước, dây đai an toàn lại là thiết bị tùy chọn ở mỗi xe bán ra nhưng không phải khách hàng nào cũng tin tưởng vào nó.
Nguyên lý làm việc của dây đai an toàn ba điểm.
Volvo PV 54 - chiếc xe đầu tiên được trang bị dây đai an toàn ở hàng ghế trước.
Đến ngày 13/8/1959, hãng xe Thụy Điển - Volvo mới chính thức công bố sản phẩm dây đai an toàn ba điểm được trang bị trên mẫu xe PV54. Sản phẩm này do Nils Bohlin thiết kế gần như khắc phục được hầu hết các điểm yếu ở dây đai an toàn hai điểm, nó trải rộng trên cơ thể người như: ngực, vai, xương chậu và quan trọng nhất là giữ cho người ngồi không bị lao lên phía trước hay bị văng ra ngoài như dây đai an toàn hai điểm. Đến năm 1967, dây đai an toàn được áp dụng cho băng ghế sau, năm 1986 dây đai an toàn ba điểm được lắp đặt cho phần ghế giữa và đến năm 1993 thì nó trở thành trang bị tiêu chuẩn cho tất cả các ghế trên xe hơi. Ngày nay, dây đai an toàn ba điểm đã có một vài thay đổi nhỏ ở bộ căng đai so với dây đai an toàn ba điểm thuở sơ khai. Dựa trên cảm biến va chạm truyền thông tin về, bộ căng đai sẽ tự động siết chặt vào cơ thể người ngồi. Sau này, Mercedes-Benz đã liên kết dây đai an toàn với các hệ thống khác trên xe. Tuy vậy, dây đai an toàn vẫn đóng vai trò trung tâm trong các hệ thống an toàn.
Từ một trang bị tùy chọn, giờ đây dây đai an toàn đã được trang bị đại trà cho các mẫu xe hơi.
Trong quá khứ, hãng Volvo đã phát động rất nhiều chiến dịch truyền thông, quảng cáo trên khắp nước Mỹ về tác dụng của việc cài dây đai an toàn ba điểm khi ngồi trong xe ô tô. Sau này, hầu hết các nhà sản xuất xe hơi đều thiết kế hình ảnh lẫn âm thanh nhắc nhở người lái khi không cài dây an toàn trong quá trình lái xe. Tại châu Âu, đây là yếu tố cơ bản giúp hạn chế các ca tử vong do không cài dây an toàn tới 40%.
Sự khác biệt giữa người có dây đai an toàn và không có dây này.
Không chỉ cứu sống cả triệu mạng sống, dây đai an toàn ba điểm của Nils Bohlin còn là sáng kiến quan trọng nhất của Volvo và gần như quan trọng nhất trong lịch sử của ngành an toàn giao thông. Phát minh này đã được Văn phòng cấp bằng sáng chế và nhãng hiệu của Đức công nhận là một trong tám phát minh quan trọng nhất đối với nhân loại trong giai đoạn 1885 - 1985.