Huổi Mí, cái tên dường như khá xa lạ với đa số những người sống ở thành thị như tôi. Huổi Mí, ngọn núi “cô đơn” giữa chập trùng núi non Tây Bắc. Huổi Mí, một xã nhỏ có vị trí trên bản đồ nằm chính giữa cái tam giác giao thông miền Tây Bắc: Mường Lay - Điện Biên - Tuần Giáo. Chính vì thế, Huổi Mí là điểm đến khó đi nhất trong các chuyến hành trình từ thiện mà chúng tôi đã đi.
Xếp hàng lên xe
Chụp ảnh lưu niệm cùng chi hội OF Lào Cai tại quảng trường thành phố Lào Cai
Cơ sở vật chất của thầy trò Huổi Mí khá đơn sơ, lán ngủ kê bằng cây tre, vác bọc vải bạt chống gió lạnh
Khu ăn uống tập trung của nhà trường, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo đã nỗ lực rất nhiều đảm bảo cho các em có bữa ăn đảm bảo vệ sinh, chất lượng hơn
Lớp mẫu giáo dựng bằng gỗ trên nền đất, gió thổi lạnh buốt
Những đôi mắt trong sáng, thơ ngây
Vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa, quà tặng cho các em nhỏ vùng cao tới những nơi xa xôi, cách trở về giao thông, những nơi các phương tiện vận chuyển thông thường không thể tiếp cận vốn là “đặc sản” của OTOFUN. Và năm nay cũng không hề ngoại lệ. Sau hành trình kéo dài gần 500km từ Hà Nội, chúng tôi nghỉ chân tập kết tại trung tâm thị xã Mường Lay, nơi có nhà máy Thủy điện Lai Châu vừa mới khánh thành. Ngày mai, đoàn sẽ di chuyển thêm quãng đường hơn 70km để tới Huổi Mí. Quãng đường nghe có vẻ đơn giản so với đoạn đường chúng tôi đã đi nhưng trên thực tế, nó lại là cung đường khủng khiếp nhất mà đoàn từng gặp…
Những cung đường mây nắng tuyệt đẹp
Chạy quanh co bên dòng Nâm Na.
Háo hức và lo lắng là tâm trạng chung của 170 con người đang tất tả chuẩn bị cho chương trình của ngày mai. Đội vận chuyển lo lắng cho số hàng khá nặng không biết có thể tải được vào tới trường Huổi Mí khi các cán bộ huyện Mường Chà thông báo đường vào cực dốc và có khả năng mưa. Đội bác sỹ nội trú háo hức chuẩn bị thuốc men, dụng cụ và kế hoạch khám, phát thuốc cho các em học sinh. Đội ca sỹ, nhạc sỹ, diễn viên múa háo hức chuẩn bị tiết mục. Đội âm thanh ánh sáng lo lắng chuẩn bị máy móc và bạt che mưa. Đội tình nguyện viên khẩn trương đóng gói, chia quà và kiểm kê số lượng… Tất cả đều háo hức chuẩn bị và lo lắng cho sự thành công của chương trình ngày mai. 12h đêm, dù vừa trải qua cả ngày chạy xe mệt mỏi nhưng hầu như chưa ai muốn nghỉ ngơi. Chúng tôi nán lại bên đống lửa giữa sân khách sạn, hát hò, chuyện trò rôm rả, tưởng như đang đợi trời sáng để lên đường…
6h sáng, khi những đám sương mù dày đặc vẫn phủ kín khoảng sân trước khách sạn, tiếng máy xe đã rùng rùng rộn rã, xua tan không gian yên tĩnh của thị xã vùng biên trong sương sớm. Không ai bảo ai, mọi người hối hả lên đường theo lịch trình đã đề ra bởi ai cũng hiểu, con đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn khó lường.
Thành viên Dũng Khọm, phụ trách flycam
Lên đường vào bản
Bàn về cung đường đi Huổi Mí, anh Nakio đã có một vài phân tích khá thú vị về cái gọi là “đường miền núi”: Đường đề cập ở đây là đường vào bản, đường không nằm hệ thống đường bộ tiêu chuẩn, đa phần là đường đất, tốt lắm là có cấp phối. Nôm na là: vách núi được san gạt mở tuyến xong là đưa vào sử dụng ngay. Ai đã từng đi qua những con đường như vậy, nếu để ý sẽ thấy mặt đường toàn nghiêng ra ngoài vực (taluy âm), kể cả khúc cua. Đáng ra mặt đường phải nghiêng vào trong cua thì lại nghiêng ra ngoài cua (phía vực). Nói tóm lại là đường cực “ngu”.
Cung đường khắc nghiệt luôn thử thách bản lĩnh của các tay lái OF
Đường đất mới san gạt với mặt đường nghiêng sang phía taluy âm
Nhưng cái sự “ngu” ở đây nó cũng có lý do của nó... Sau khi nói chuyện với một ông bạn chuyên làm "đường miền núi" mới biết, nếu không làm thế thì chỉ cần qua vài trận mưa là mất đường. Nếu làm chuẩn thì chân phía taluy dương phải có rãnh thu nước và đường cống thoát nước ra ngoài vực. Rãnh và cống thì phải đủ to, phải xây kè mà nếu xây như vậy thì chi phí sẽ gấp mấy lần tiền làm đường... Chính thế nên phải chấp nhận cái đường nó “ngu ngu” như thế để thoát nước. Vậy nên nắng ráo thì đi, mưa thì mắc võng đợi khô rồi đi tiếp, đừng có cố quá là thành quá cố vì nếu cố đi thì chắc chắn xe sẽ trôi tự do về phía vực, đặc biệt là tại các góc cua.
Ông anh tôi tuy chỉ phân tích cho vui nhưng thực tế con đường thì chả vui tí nào. Ơn giời, cả chuyến hành trình với 50 chiếc xe đã không xảy ra sự cố lớn nào.
Hết đường đất lại đến đường đá, đá núi mới đổ rất sắc, luôn chầu chực "chém" lốp xe đi qua
Hùng vĩ và thơ mộng
Quay trở lại với hành trình, rời Mường Lay, chúng tôi khởi hành đi QL 6 hướng Tuần Giáo. Con đường nhỏ hơn nhiều so với cái danh xưng quốc lộ, dốc lên rồi lại xuống, đường ngoằn trái rồi ngoằn phải tưởng như vô tận. Có lẽ do các tuyến quốc lộ khác nối Lai Châu, Điện Biên với Tuần Giáo thuận lợi hơn nên con đường 6 huyền thoại ngày nào giờ chỉ còn là tuyến đường liên huyện, hầu như chỉ dành cho xe tải nhỏ chở hàng tới các xã và xe máy của bà con dân tộc. Mặt đường cũng vì thế mà đỡ xuống cấp hơn, tốc độ của đoàn xe cũng cao hơn và hành khách trên xe cũng quặn ruột hơn với sự uốn lượn của con đường.
Quốc Lộ 6 Huyền thoại
... uốn mình theo lưng núi
Sự thuận lợi của đoạn đường nhựa mau chóng kết thúc sau 50km và 1.5 giờ hành trình. Xe vừa qua khỏi khúc ngoặt, tôi đã thấy đồng chí công an huyện Mường Chà đứng đón đầu con đường đất. Đồng chí thông báo với cả đoàn: “Trời không mưa, đường đất dễ đi nhưng xe một cầu thì nên để lại ở ngoài. Vài xe một cầu như Dmax, Everest đành ngậm ngùi san hàng, gửi khách. Tất cả lại hăm hở lên đường, ngay khi leo lên con dốc đầu tiên, tôi đã lập tức nhận ra sai lầm của mình trong việc tham chở thật nhiều hàng nặng nhưng gọn xe. Với hơn 5 tạ hàng chất trên lưng, động cơ dầu 3.0 dường như là không đủ để băng qua các con dốc lên tới 17 - 18 độ. Gài cầu chậm, chiếc xe ì ạch bò lên với tốc độ của người đi bộ. Cũng may là sự “uể oải” ấy không quá nhiều, bù lại cho những đoạn đường dốc là những đoạn đường thoải dài theo triền núi, nơi chúng tôi có thể dừng chân phóng tầm mắt ra xa ngắm muôn trùng núi non trùng điệp nhấp nhô trong mây. Thật hùng vĩ!
Chóang ngợp, sợ hãi và say mê là những cảm xúc của các thành viên khi đi trên cung đường hiểm trở này
Những đám mây mù bất chợt phủ mờ đá núi
Quả thực, ở đời cái gì cũng đều rất công bằng, quà tặng của những kẻ dấn thân trên những con đường núi độc đạo là những cảnh thiên nhiên tuyệt mĩ. Cái đẹp làm mê mẩn mọi thành viên của chuyến hành trình, cái đẹp làm cho những nhiếp ảnh gia nghiệp dư OF cảm thấy bất lực khi không thể ghi lại được đầy đủ những gì đang thấy trước mắt, cái đẹp làm cho bạn không thể vội vàng cất bước đi tiếp mà không đứng lặng thả mình vào trong thiên nhiên, “nhấm nháp” cái không khí trong veo của buổi sáng miền sơn cước… Sự bất tiện nho nhỏ của cảnh đẹp bên đường chỉ là việc chúng tôi thường xuyên phải đột ngột dừng xe ngang lưng dốc do các xe đi trước dừng lại chụp ảnh. Xe chở hàng nặng mà dừng ngang lưng dốc thì việc khởi hành lại là một cực hình.
Những con dốc gắt
Chỉ 30 km đường đất “khô ráo” đã khiến chúng tôi mất tới gần 3 giờ để vượt qua. Dốc ngược lên rồi lại ngược xuống, hết đất bụi lại đến đá hộc và bùn lầy, sự mệt mỏi hiện rõ trên mặt các hành khách, nhưng ngược lại, con đường hiểm trở lại là niềm phấn khích đối với các tay lái. Phải chăng, sự trải nghiệm những cung đường đòi hỏi nhiều bản lĩnh lái xe chính là động lực khiến các tay lái OF lên đường!?
Đường lầy...
... và cua tay áo
... Chưa bao giờ làm chùn bước các OFer
Rồi thì điểm trường Huổi Mí cũng đã hiện ra trước mặt. Nhìn từ bên này sườn núi, đã thấy xa xa cờ chăng, bạt dựng và đông đảo những em học sinh đứng đón đoàn kín cả sân trường. Vậy là sau 16 tiếng hành trình, chúng tôi cũng đã tới được Huổi Mí, lòng chợt rộn ràng niềm vui với những món quà chất đầy trên xe.
đi qua trung tâm xã Huổi Mí
điểm trường Huổi Mí đón chào
Huổi Mí đón chúng tôi với tất cả sự mến khách vốn có, với tất cả sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên đón một đoàn khách đông đến thế, nhiều xe ô tô đến thế. Nhiều cháu bé lần đầu tiên nhìn thấy xe bán tải, xe SUV, cứ đứng tròn mắt nhìn và sờ soạng, ngắm nghía từng xe một. Với chúng, xưa nay xe ô tô chỉ là những chiếc xe tải xù xì chở hàng hóa lên thôn bản. Sân trường phổ thông Huổi Mí hôm nay nhộn nhịp và tưng bừng như ngày hội, từng lớp học sinh đứng xúm quanh điểm tập kết hàng, háo hức như trẻ chờ quà lúc mẹ đi chợ về…
Phải nói rằng, sau nhiều năm tổ chức các chương trình từ thiện lớn, công tác chuẩn bị và thực hiện của diễn đàn OTOFUN đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Mọi thành viên trong đoàn đều ý thức được rất rõ vai trò và nhiệm vụ của mình, tất cả đều tự giác bắt tay vào ngay nhiệm vụ. Nhóm điều xe chia tốp của anh Michael Jo chốt điểm trên đường xuống trường, sử dụng bộ đàm phân làn, điều phối xe lên xuống nhịp nhàng. Nhóm bốc dỡ chia người tháo dỡ, người bốc hàng, liên tục và nối tiếp nhau để đảm bảo tốc độ xuống hàng và tránh ùn tắc xe. Nhóm ban tổ chức lập tức nhóm họp với các cán bộ nhà trường về kế hoạch và kịch bản chương trình. Nhóm y tế của diễn đàn bacsinoitru.vn do Dr Chinh phụ trách khẩn trương chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế, bố trí phòng học làm phòng khám lưu động cho các em học sinh Huổi Mí. Các ca sĩ, nghệ sĩ tranh thủ chuẩn bị quần áo và tập lại tiết mục phía sau sân khấu. Tổ âm thanh ánh sáng của anh Mèo Sạch thỉu lúi húi cắm cắm, chỉnh chỉnh loa đài. Chi hội OF Điện Biên tất tả chuẩn bị máy phát điện 11 “kí” mang đi từ nhà để phục vụ cho chương trình ca múa nhạc của đoàn và các thầy cô giáo trong trường. Các thành viên nhóm media của anh Bình X5 chạy quanh sân trường, hăng hái ghi lại những hình ảnh ấn tượng và ý nghĩa nhất… “ Cỗ máy” OTOFUN với gần 170 con người đã hoạt động nhuần nhuyễn như thế đó.
Khẩn trương dỡ hàng
Lắp đặt âm thanh
Vận hành máy phát điện. Trong chuyến đi này, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ nhiệt tình của chi hội OF Điện Biên, từ ngày khảo sát đến lúc thực hiện chương trình. Họ cũng là những người ra khỏi trường cuối cùng khi trời vừa mưa xong
Tất cả diễn ra trong không khí rộn ràng, hồ hởi, tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc vì bao công sức chuẩn bị đóng góp tiền của và sức người của hàng ngàn thành viên diễn đàn OTOFUN mà trong đó rất nhiều người vì công việc đã không thể có mặt trong ngày hôm nay để chứng kiến những nụ cười, những niềm vui ngập tràn của các em nhỏ Huổi Mí. Ngày mai, các em sẽ xúng xính tới trường trong những bộ đồng phục mới, những chiếc áo ấm, đôi dép lành. Những món quà tuy nhỏ nhưng sẽ là nguồn động lực to lớn với hơn 500 em nhỏ Huổi Mí trên đường tới trường.
Lũ trẻ nô đùa với bóng bay, thứ mà chúng hầu như chưa được chơi bao giờ
Trao cho các em những bộ đồng phục mới, đôi dép mới
Xếp hàng chờ đoàn bác sỹ khám và phát thuốc
Nhiều em không nói được tiếng Kinh, việc thăm khám phải thông qua các thầy giáo phiên dịch
Điều làm tôi ấn tượng nhất là để kịp thời gian khám bệnh đủ cho toàn bộ các em, các bác sỹ đã tình nguyện bỏ bữa cơm trưa và bắt tay vào việc ngay khi vừa đặt chân tới trường, nhiều người vừa xuống xe vẫn còn say là đà vẫn tất tả chuẩn bị dụng cụ và vào việc. Trong sự xúc động trước các OFer áo trắng đang cần mẫn làm việc, tôi đã tình cờ ghi lại được khoảnh khắc tuyệt vời của một nữ bác sĩ trẻ với một em gái dân tộc. Ánh mắt trìu mến của nữ bác sỹ và ánh mắt hạnh phúc của em gái nhỏ, họ gặp nhau trong ánh nắng ấm áp qua khung cửa. Tôi chợt nhận ra rằng, niềm hạnh phúc của những người làm thiện nguyện thật giản dị. Họ có thể vượt qua hàng ngàn cây số, vượt qua muôn vàn khó khăn trở ngại và cả nguy hiểm chỉ để được nhìn thấy những ánh mắt ấy.
Đôi mắt Huổi Mí, đôi mắt ấy đã nói lên tất cả tình yêu chân thành từ các em dành cho những trái tim thiện nguyện
Anh Sonrack, người anh cả luôn dẫn đầu trong mọi công tác tình nguyện của diễn đàn đã nói: “Đường tuy ngắn nhưng không đi thì không đến”. Chúng tôi, những thành viên OTOFUN và những người người bạn tự hào đã đi trên một con đường dài để đến với trẻ em Huổi Mí. Dù đường xa, dù dốc cao, thời tiết thất thường với những món quà chưa phải là lớn nhưng rất thiết thực đối với các em và các thầy cô. Tất cả chúng tôi chỉ có chung một ước muốn nho nhỏ: Các em sẽ vui hơn khi đến trường, ngoan ngoãn hơn, chăm học hơn… Và như admin Nguyễn Mạnh Thắng đã phát biểu tại trường Huổi Mí: “Tri thức và sự thành công của các em ngày mai chính là món quà lớn nhất mà hàng ngàn thành viên diễn đàn OTOFUN muốn được nhận, bởi các em sẽ chính là những chủ nhân tương lai của Huổi Mí, chính các em sẽ là người góp sức xây dựng quê hương ngày một giầu đẹp hơn”.
Cộng đồng OTOFUN nhận bằng khen từ Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà ghi nhận những đóng góp to lớn cho thầy và trò xã Huổi Mí
Những tấm áo mới sẽ là động lực đưa các em tới trường
Chương trình văn nghệ của các nghệ sỹ Múa đoàn Thăng Long, thành viên OTOFUN
... quán quân Sao Mai điểm hẹn
Bữa cơm thân mật chia tay thầy trò Huổi Mí
Bữa cơm chia tay tuy vội nhưng ấm áp tình bạn bè, các thầy cô giáo xúc động mời đoàn những li rượu đặc sản trong cái bắt tay thật chặt. Hôm nay, rượu uống không bị “ép”, các thầy cô đã biết ý giữ sức khỏe cho đoàn để hành trình về an toàn hơn…
“Đến bây giờ thì em tin rồi” là câu nói của thầy hiệu trưởng trường trung học cơ sở Huổi Mí thốt lên trong lúc chia tay. Là những người thực hiện chương trình này từ những ngày đi tiền trạm, chúng tôi hiểu được cảm xúc của thầy. Nhớ lần đi tiền trạm cách đây gần 2 tháng, việc giới thiệu và kết nối với địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng chỉ biết tự giới thiệu mình là một cộng đồng mạng có tên gọi OTOFUN, không dám hứa hẹn nhiều về những việc mình sẽ làm và cũng không chắc chắn về khả năng thực hiện nên dù tiếp đón chúng tôi chu đáo, nhưng chúng tôi thấy trong ánh mắt thầy vẫn có chút nghi ngờ và cả cảnh giác. Và rồi sự thành công của chương trình hôm nay đã xóa tan mọi nghi ngờ đó. Không thể diễn tả hết sự vui mừng và cả ngạc nhiên của các thầy cô khi đón cả đoàn đặt chân tới Huổi Mí.
Gần 2 tháng chuẩn bị và thực hiện để có được chương trình OTOFUN vì cộng đồng 2015 thành công như ngày hôm nay, không thể thống kê hết được bao nhiêu cuộc điện thoại, bao nhiêu ngày công, bao nhiêu sức lực và tâm trí của hàng ngàn con người cả trong và ngoài OTOFUN. Những người đã vô tư đóng góp công sức và tiền bạc của mình trong một hành trình không mệt mỏi và giàu ý nghĩa: Sưởi Ấm Bản Cao 2015…
Người đẹp Trương Tùng Lan - một người bạn của OTOFUN cũng hăng hái giúp đỡ mặc áo ấm cho các em nhỏ
…
Sợ mưa, tôi tất tả cùng anh em lên xe ra về. Trời tối, đường xấu, chúng tôi lại dò dẫm trên những con đường ngoằn ngoèo theo sống núi. Xe đi đến đoạn đường cua hình chữ W thì trời đột ngột đổ mưa. Mưa sầm sập, mưa xối xả quật vào kính lái, 3 người trên xe dù đã căng mắt nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì trên đường ngoài những vệt nước trắng xóa. Lái xe Noza lo lắng bảo “Hay là quay lại?”. Cũng có lí bởi khi trời mưa, đường xuống núi trơn như một cái chảo mỡ, việc đổ dốc có thể là tai họa nếu xe mất lái. Nhưng tôi giục “cứ đi tiếp đi” bởi tuy đi tiếp là chấp nhận nguy hiểm nhưng dù sao quãng đường đất còn lại không nhiều, quay lại thì khả năng về tới điểm trường là rất khó khi trời vẫn cứ mưa thế này. Lại dò dẫm thật chậm từng mét một trong tiếng tim đập thình thịch của cả lái lẫn chã, xe trôi từ từ xuống dốc qua các khúc cua tay áo trong sự nín thở. Tới một khúc cua dốc gắt, xe đột ngột mất bám và trôi ngang xuống phía taluy âm, Noza vần lái trong sự bất lực, trước mặt là một hố sạt bên mép vực với điểm giới hạn là một phiến đá trắng. Nếu bánh xe trượt ra ngoài đá, xe sẽ bay thẳng xuống vực, may mắn thay là xe chỉ trượt tới mép trong phiến dá rồi lăn trở lại đường. Hút chết!
Ra tới đường 6, chúng tôi dừng xe bên đường thở dốc, mừng vừa thoát nạn trong gang tấc. Hút điếu thuốc để hoàn hồn, tôi gọi điện cho các xe đi sau thông báo tình hình. Ngoài các xe tự lượng “yếu sức” đã phải bỏ bữa cơm ra trước từ buổi chiều khi trời còn sáng và khô ráo, chỉ có thêm 2 xe nối đuôi xe chúng tôi ra thoát khỏi cung đường đất. 10 xe còn lại bao gồm toàn lãnh đạo đoàn với ban tổ chức, vì mải giao lưu với các thầy cô mà đành ra muộn đã buộc phải dừng chân giữa đường. Cả nhóm ghé vào trường tiểu học Huổi Mí trú tạm qua đêm đợi trời ngừng mưa và sáng sủa hơn để đi tiếp.
“Mưa ! Cả đoàn lo lắng vì dốc cao đường nhỏ trơn trượt. Những tay lái cự phách của Otofun vẫn dẫn đoàn đi. Ngồi trên xe của bạn Trung, tôi thấy chiếc xe trước mặt mình, hai bánh sau đảo như chó vẫy đuôi khi xuống dốc.
Nguy hiểm! Cả đoàn đành dừng lại. Trời tối, rét, cái rét giá của núi cao. Giữa lưng chừng núi. "Bốn phương trời ta về đây chung vui..." tiếng hát cất lên theo nhịp đệm đàn ghita bên đống lửa cháy bập bùng. Không ai phàn nàn , không ai kêu ca. Cứ như thế cho đến gần sáng. Đoàn lại thận trọng xuống núi.” (trích nhật kí hành trình của bác Sông Bạc, thành viên CLB Tình Bạn đi cùng đoàn xe của diễn đàn).
Đốt lửa sưởi trong đêm lạnh khi đoàn bị kẹt lai trên đường
Quăng mình lên giường khách sạn Mường Lay khi đồng hồ đã gần chỉ sang ngày mới, mệt mỏi rã rời nhưng trong lòng tôi vẫn thấy lâng lâng nhẹ nhõm. Nhiệm vụ đã hoàn thành, chuyến đi đã gần hoàn tất, tôi chợt nhoẻn miệng cười khi nhớ về những ánh mắt trong veo của các em nhỏ Huổi Mí, những ánh mắt hạnh phúc thấp thoáng trên núi cao vời vợi, tôi dần chìm vào giấc ngủ, trong đầu vẫn vẳng vẳng câu hát trầm bổng của miền sơn cước.
Ta vui xòe nhé, xinh noọng xinh à
Chình chập chình áo cốm ôm mình thon thon
Vút cong men thơm, khăn piêu rượu cần
Gió trên rừng quấn quít ngọn đồi xanh xanh…
...
Khi tôi hoàn thành câu chuyện này thì BTC của chuyến đi Huổi Mí bỗng nhận được những bức thư của các em học sinh THCS Huổi Mí...
"Có lẽ, đây là cách cảm ơn mà lần đầu tiên chương trình "Sưởi ấm bản cao" của Otofun nhận được. Không công văn, không con dấu, không có chữ ký dấu, không có những câu chữ mang tính xã giao, nhưng nó lại nói lên nhiều điều.
Đáng lẽ, chúng tôi phải cảm ơn các thầy cô và các em mới phải!..." (Trích từ fb của thành viên Sonrack)
Có lẽ với những người làm thiện nguyện như chúng tôi, không có món quà nào ấm áp hơn những bức thư đầy tình cảm này, nó là nguồn động viên quý giá thôi thúc chúng tôi tiếp tục lên đường tren những hành trình Sưởi ấm Bản Cao...
(Ảnh: Tổng hợp OTOFUN).