Xe ô tô tông liên hoàn nhiều xe máy trên phố Phan Bội Châu Piaggio tung ra phiên bản giới hạn Liberty U23 Việt Nam 6 mẫu xe máy nên mua cận Tết Mậu Tuất |
Chắc hẳn, độc giả còn nhớ OTOFUN News từng có tới 2 cơ hội cầm lái Piaggio Medley 125 và 150 ABS trong chuyến đi đến Vườn Quốc gia Ba Vì và Tam Đảo. Hai lần cầm lái đó quả thực rất thú vị và Medley cũng thể hiện tốt trên cung đường đèo, các khúc cua tay áo quanh co, dốc đứng.
Lần này, sức mạnh cùng độ bền bỉ, sự dẻo dai, cứng cáp của Medley một lần nữa lại được thử thách trên một hành trình đầy mới mẻ: Hơn 800 km khám phá xứ Lạng, đến với đỉnh núi Mẫu Sơn và du ngoạn cung đường tuần tra biên giới Lạng Sơn – Bình Liêu.
Đây là cung đường hết sức mới lạ với hầu hết thành viên tham gia chuyến đi. Đa phần cộng đồng đam mê du lịch thường chọn các địa danh vùng Tây Bắc đã quá nổi tiếng như Hà Giang, cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú …v…v… Những địa danh đó đã quá quen thuộc, nhiều người đã tới rồi vậy còn vùng đất Đông Bắc thì sao ? Điều đó thôi thúc "máu" khám phá trong 5 người chúng tôi cùng “nổ máy lên!” đi tìm câu trả lời.
Một góc cung đường tuần tra biên giới. |
Đặc biệt, giữa 4 chàng trai cao lớn xuất hiện bóng hồng duy nhất: bạn Chu Hải Yến – một người từng “kinh” qua nhiều thắng cảnh trên đất nước hình chữ “S” bằng xe máy và có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các bạn trẻ yêu thích “xê dịch”.
Trước khi khởi hành, cả đoàn chúng tôi đã có cơ hội tham quan chuyến tham quan dây chuyền sản xuất Medley. Trước khi tới tay người tiêu dùng, Medley đã phải trải qua nhiêu công đoạn thử nghiệm khác nhau như thử nghiệm hệ thống chống bó cứng phanh, khả năng vận hành, mức độ khí thải.
Cả đoàn chụp ảnh kỉ niệm cùng ông Matteo trước khi lên đường. |
Không những thế, nhóm đã được trực tiếp cầm lái Medley trên đường thử nằm trong khuôn viên nhà máy Piaggio. Ở thời điểm ra mắt người tiêu dùng trong nước vào năm 2016, Medley là mẫu xe tay ga bánh lớn đầu tiên tại Việt Nam được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS và cũng trong buổi tham quan này, ông Matteo – Trưởng phòng Road Test công ty Piaggio đã trình diễn độ an toàn tuyệt vời của Medley khi đi trên đường trơn trượt và so sánh sự khác nhau nhau giữa xe có và không có ABS.
Cũng như bao chuyến đi khác, trước khi lên đường mọi thành viên trong đoàn đều phải lên danh sách cho các đồ dùng cần thiết. Chuyến đi lần này cũng đỡ vất vả hơn vì Medley sở hữu khoang chứa đồ cực kì rộng rãi. Nó có thể để vừa tới 2 mũ bảo hiểm cùng nhiều vật dụng khác. Để có được điều này, các kĩ sư Piaggio đã bố trí bình xăng nằm bên dưới sàn xe thay vì nằm dưới yên như mọi chiếc xe tay ga hiện có trên thị trường Việt Nam – một điểm cộng cho Piaggio Medley!
Hiếm có chiếc xe tay ga bánh lớn nào sở hữu tiện ích hết sức rộng rãi như thế này! |
Medley tạo ấn tượng ngay từ khi ấn nút đề nổ, chiếc xe rung nhẹ, hệ thống đề khởi động bằng từ trường đã loại bỏ tiếng è è khó chịu – thứ âm thanh từng tạo nên đặc trưng riêng cho Piaggio.
Ngày 1: Hà Nội - Mẫu Sơn
Trung tâm Văn hóa Italia (Casa Itailia - 18 Lê Phụng Hiểu) được chọn là điểm khởi hành bắt đầu cho chuyến hành trình 4 ngày 3 đêm hứa hẹn đầy thú vị. Có lẽ, đây là lần đầu tiên các thành viên trong nhóm được đặt chân vào ngôi nhà này. Casa Italia trưng bày toàn bộ những sản phẩm đặc sắc mang dấu ấn đặc trưng văn hóa Ý như xe tay ga Vespa, thương hiệu xe hơi sang trọng Maserati.
Cô gái duy nhất trong nhóm được ưu tiên cầm lái chiếc xe màu trắng. |
Không gian tầng 1 được phủ kín bằng những hình ảnh, hiện vật về chiếc xe tay ga huyền thoại Vespa. Nằm ở vị trí trang trọng là chiếc xe tay ga Vespa 946 Emporio Armani với sắc đen lịch lãm – “946” là cái tên gợi nhớ đến năm 1946, thời điểm chiếc xe vespa đầu tiên ra đời mở ra làn sóng thế hệ xe tay ga “khung thép liền khối”.
Trao đổi, thống nhất lại các công việc trước khi lên đường. |
Đúng 9 giờ sáng, toàn bộ 5 thành viên đã có mặt đông đủ, chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho chuyến đi, nhóm trưởng Lê Văn Hải thông báo lại lần cuối những lưu ý khi đi trên đường, thứ tự xuất phát.
Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ xuất phát theo hướng quốc lộ 1A thẳng tiến thành phố Lạng Sơn, tham quan và hướng đến đỉnh núi Mẫu Sơn – điểm cuối trong ngày đầu tiên của hành trình. Thời tiết cực kỳ ủng hộ, trời tạnh ráo, có đôi chút nắng nhẹ, chiếc xe tay ga dễ dàng chinh phục mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Trên đường trường, động cơ i-Get hoạt động hết sức trơn tru và mượt mà. |
Trên Medley, Piaggio đã tích hợp một cổng sạc USB nên trong suốt thời gian di chuyển, tôi luôn tranh thủ cắm sạc cho điện thoại. Tiện ích "xứng tầm" xe hơi này giúp điện thoại và cục phát sóng Wifi luôn trong trạng thái “dồi dào” năng lượng. Vì muốn kịp đón hoàng hôn trên đỉnh cột cờ núi Phai Vệ lúc 5h chiều nên chúng tôi tranh thủ nạp năng lượng tại một quán ăn ven quốc lộ 1A rồi lại lên đường.
Sau gần 165 km di chuyển từ Hà Nội, chúng tôi đã tới thành phố Lạng Sơn. Xứ Lạng chào đón đoàn xe bằng thời tiết không mấy dễ chịu, trời âm u, đôi lúc có mưa nhỏ. Núi Phai Vệ tọa lạc ở phường Vĩnh Trại, nằm ngay khu vực trung tâm thành phố sừng sững hiện ra trước mắt. Cột cờ Phai Vệ có 4 tuyến đường lên xuống với 535 bậc đá. Nơi đây có cột cờ cao 80 m, niềm tự hào của người dân xứ Lạng.
5 gương mặt, 5 cái tính cùng tụ hội ở cột cờ Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn. |
Phố núi Lạng Sơn giờ đây đang "thay da đổi thịt" từng ngày, diện tích thành phố ngày càng được mở rộng, nhà cao tầng mọc lên san sát.
Dừng chân ở chợ Đông Kinh, đoàn xe trở thành tâm điểm sự chú ý của người dân địa phương khi 5 con người đi cùng một loại xe. Nghỉ ngơi ở thành phố Lạng Sơn, 5 thành viên bắt đầu thẳng tiến đỉnh núi Mẫu Sơn, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía Đông.
Trong đoàn có duy nhất chàng trai sinh năm 1995 Lê Văn Hải (trẻ nhất nhóm) đã từng đặt chân tới Mẫu Sơn nên được giao trọng trách dẫn đường cho cả đoàn. Thật trớ trêu là dù chỉ mới đến Mẫu Sơn cách đây mấy tháng nhưng khả năng nhớ đường của Hải có vẻ đã bị mai một. Kết quả, cả 5 người chúng tôi đi lạc đường tới gần 50 km khiến cho thời gian lên Mẫu Sơn bị lùi lại tới hơn 7 giờ tối.
Mẫu Sơn chào đón 5 con người bằng "đặc sản" sương mù giăng kín đường và gió núi gào thét từng cơn. |
Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng đông-tây, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, giáp với biên giới Việt-Trung.
Thời tiết hết sức cực đoan, càng lên cao gió núi càng thổi mạnh khiến việc di chuyển lên đỉnh núi cực kì khó khăn, cùng với đó sương mù dày đặc khiến tầm nhìn hạn chế. Đã có lúc cả đoàn chỉ còn biết men theo hàng rào để "bám" đường. Chiếc áo bảo hộ đi xe máy của tôi trở nên mong manh trước những đợt "quăng quật" của gió núi Mẫu Sơn.
Ai cũng thấm mệt, lạnh cùng cái bụng đói cồn cào. Dưới ánh đèn xe Medley, một vài tấm biển báo, biển hiệu của các cơ sở lưu trú hiện ra lập lờ giữa màn đêm đen kịt. Chỉ đến khi đặt chân tới một nhà nghỉ Xứ hoa đào, chúng tôi mới biết mình đã đến đích sau quãng đường dài thử thách sức mạnh ý chí của cả người và xe.
Núi Mẫu Sơn cũng là mái nhà của cộng đồng người dân tộc Dao. Người dân tộc Dao nổi tiếng với đặc sản rượu Mẫu Sơn, vì muốn có một giấc ngủ sâu, tỉnh táo nên tôi nhường lại cơ hội thưởng thức rượu Mẫu Sơn cho 3 thành viên nam còn lại trong đoàn. Cô bạn Hải Yến thì lúc nào cũng chăm chú vào điện thoại để cập nhật những hình ảnh mới nhất lên Instagram, Facebook.
Ngày 2: Mẫu Sơn - Bình Liêu
Bây giờ chúng tôi mới có dịp nhìn kĩ con đường lên núi đầy gian nan mà tối hôm trước vừa trải qua. |
Ngày thứ hai mở ra với một “biển” mây mênh mông, đôi lúc có sương mù kèm mưa phùn. Đến khoảng 7 giờ sáng trời bắt đâu hửng nắng, không thể để mất cơ hội chúng tôi nhanh chóng ghi lại những bức hình đẹp trước khi sương mù ập đến.
Nếu như tối hôm trước, mọi thứ đều bị sương mù cùng màn đêm đen che phủ thì đến sáng, khung cảnh xung quanh dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Tranh thủ thời gian, chúng tôi lái xe tìm hiểu quanh đỉnh núi Mẫu Sơn.
Dãy núi Mẫu Sơn có độ cao hơn 1.500 m so mực nước biển nên khu vực đỉnh núi Mẫu Sơn luôn có khí hậu ẩm ướt quanh năm nên không lạ khi tường, sàn nhà ở nhà nghỉ đều trong trạng thái "ướt sũng".
Mây "vờn" núi. |
Từ thế kỉ 19, người Pháp đã lựa chọn đỉnh núi này làm du lịch nghỉ dưỡng với nhiều ngôi nhà và biệt thự cổ nằm rải rác. Tuy nhiên, do không được bảo tồn thường xuyên nên các công trình này đang dần bị xuống cấp trầm trọng.
Tranh thủ đón bình minh ngày mới trên đỉnh Mẫu Sơn trước khi xuống núi. |
Tạm biệt Mẫu Sơn, chúng tôi bắt đầu xuống núi, bây giờ cả đoàn mới có cơ hội nhìn tận mắt con đường lên núi.
Từ năm 1925, việc di chuyển lên núi Mẫu Sơn có phần thuận tiện hơn do đã có 16 km đường giao thông nối từ quốc lộ 4A lên đến đỉnh núi. Tuy nhiên theo thời gian, tuyến đường lên đỉnh Mẫu Sơn phần nào đã bị xuống cấp, có một số đoạn bề ngang chỉ vừa cho một xe ô tô, ổ trâu ổ voi thì nhiều vô kể, lên gần đến đỉnh đường có khá hơn chút.
Sau đó, cả đoàn thẳng tiến cửa khẩu Chi Ma rồi tiến vào đường tuần tra biên giới. Đã từng nghe nói nhiều nhưng đây là lần đầu tiên cả 5 thành viên được trải nghiệm trên con đường tuần tra biên giới này nên ai nấy đều háo hức, hồi hộp. Trước khi lăn bánh vào đường độc đáo này, chúng tôi quyết định đổ đầy bình xăng 7 lít, bởi không ai muốn phải dắt bộ giữa vùng núi non heo hút.
Tấm hình hiếm hoi đầy đủ 5 thành viên cùng 4 "chiến mã" đứng trước cửa khẩu Chi Ma. |
Chợt nghĩ, nếu chẳng may hỏng xe, hết xăng hoặc tệ hơn là phải qua đêm trên con đường này thì sẽ thế nào nhỉ, hẳn đó là một trải nghiệm hết sức “rùng rợn” không ai muốn!
Con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. |
Hệ thống đường tuần tra biên giới được xây dựng trên địa bàn 25 tỉnh biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Tổng khối lượng theo quy hoạch là: 10.196km, trong đó đường dọc biên được xây dựng trong khu vực vành đai biên giới trong phạm vi 1.000m tính từ đường biên giới Quốc gia trở vào với nền đường rộng 5,5m, mặt đường bê tông xi măng đá 2x4, dày 18cm.
Đến năm 2015, dọc chiều dài biên giới qua 25 tỉnh, ta đã có gần 2.000km đường tuần tra biên giới là đường cấp 6 miền núi, nền đường 5,5m, mặt đường bê tông xi măng 3,5m, cầu cống vĩnh cửu. Đây là công trình trọng điểm có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
"Con đường này đi buồn quá!" anh Thế Hưng - thành viên lớn tuổi nhất nhận xét. Bản thân tôi cũng nhận thế thật, suốt hàng chục kilomet từ cửa khẩu Chi Ma, chúng tôi hầu như không gặp bất cứ chiếc xe đi ngược chiều nào, tắt máy dừng lại ven đường chỉ có tiếng gió, tiếng chim chóc văng vẳng, một cảm giác cô độc đến khó tả.
Dù đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ Hải gặp nhiều con dốc có độ dốc 12 đến 15% nhiều đến thế. |
Những tưởng, sang đến ngày thứ hai, trời sẽ hửng nắng nhưng đáng buồn là tình hình cũng không khả quan là mấy. Sau 4 tiếng vất vả vật lộn trong sương mù, gió lạnh cộng với cơn buồn ngủ kéo đến, xe tôi và xe anh Hưng dừng lại và dựng lều ven đường tuần tra khoảng 1 tiếng đồng hồ. Lúc này, những túi đồ ăn mang theo trong cốp xe bắt đầu tỏ ra hữu hiệu. Trong khi 3 người chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi nhằm xoa dịu cơn buồn ngủ thì Yến cùng Hải vẫn cần mẫn đi tiếp trong thời tiết sương mù dày đặc.
Trong đoàn, chiếc xe Medley của anh Hưng phải chịu tải lớn nhất khi phải chở cùng lúc tới 2 người lớn cùng nhiều đồ đạc, hành lý ước chừng 150 kg. Có thêm Đức nên việc lái xe cũng đỡ vất vả hơn khi có việc vẫn có người đổi lái. "Cặp đôi" này dường như sinh ra là để bù trừ cho nhau vậy, anh Hưng người cao, gầy thì Đức ngược lại, đậm người, da ngăm đen, tóc xoăn kiểu Hàn Quốc. Sau hơn 1 giờ đồng hồ nghỉ ngơi, chúng tôi nhổ trại và tiếp tục lên đường.
Tương tự Liberty, giảm xóc đôi phía sau trên Medley có thể điều chỉnh theo 5 cấp độ, khi đẩy lên cấp 5 cao nhất, sức tải, độ êm của xe được cải thiện rõ rệt, |
Lúc này đã gần 5h chiều, sốt ruột nên cậu bạn trưởng nhóm gọi điện cho chúng tôi để xem tình hình như thế nào và chỉ con đường ngắn nhất đến thị trấn Bình Liêu, nếu không, giữa đất trời mây mù, mưa phùn ba chúng tôi cũng không biết đi đường nào.
Trải qua quãng đường hàng chục cây số không một bóng người, ngôi nhà thậm chí, mạng điện thoại cũng không (mạng Vinaphone bị tê liệt trên đường tuần tra biên giới trong khi Viettel vẫn hoạt động tốt) thì hình ảnh cánh đồng lúa, từng tốp em nhỏ đi học về, cảnh người dân đi lại khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và vui sướng biết bao.
Bù đắp cho một ngày dài dằng dẵng đầy sự vất vả, mệt mỏi và cơn đói hành hạ nên tối hôm đó, chúng tôi đã có bữa ăn ra trò ở thị trấn Bình Liêu. Cả 5 người chúng tôi đều thực sự mệt mỏi sau 2 ngày di chuyển đều gặp phải sương mù, mưa phùn lạnh buốt.
Ngày 3: Bình Liêu - Cẩm Phả:
Càng lên cao, đường càng khó đi. |
Sau 2 ngày vật lộn với thời tiết ẩm ướt, đến ngày thứ 3, những tia nắng đầu tiên bắt đầu ló rạng. Trời nắng ráo phần nào giúp tâm lý các thành viên trở nên hưng phấn hơn rất nhiều, Yến tỏ ra háo hức được chinh phục “sống lưng khủng long” nổi tiếng.
Thực ra, đây là con đường lên cột mốc biên giới 1305, để lên đến cột mốc này bạn sẽ phải đi bộ mất khoảng 2 giờ đồng hồ nếu thời tiết đẹp. Trước khi lên đường, tôi và Hải tranh thủ ghi lại những bức hình ấn tượng ở Bình Liêu trước khi trở lại cung đường tuần tra biên giới. Hoàn thành bữa sáng nhanh gọn và mua đồ ăn dự trữ, đoàn tiếp tục lên đường. Trời đẹp, quang mây khiến ai nầy đều phấn chấn.
Thật không may! Thời tiết nắng mưa thất thường lại xảy đến, sau khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển trên đường tuần biên, đoàn lại gặp sương mù. Không những thế, trời bắt đầu đổ mưa, con đường đất lên cột mốc 1305 trở nên trơn trượt, dù được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS nhưng chúng tôi không muốn liều lĩnh đành tạm gác "sống lưng khủng long" vào một dịp khác trong sự tiếc nuối của Yến.
Anh Hưng đóng vai "người hùng" trợ giúp Yến trong các tình huống "khó nhằn". |
Trong cái rủi có cái may” lần này, sương mù không quá dày. Trái với cung đường tuần tra biên giới thưa thớt người qua lại ở tỉnh Lạng Sơn, phía Quảng Ninh có nhiều hoạt động của con người hơn.
Một lối lên cột mốc đã được bê tông hóa. |
Công tác xây dựng đường lên cột mốc đang được lực lượng biên phòng đẩy mạnh nên thi thoảng chúng tôi bắt gặp một vài chiến sĩ biên phòng cùng nhóm công nhân đang làm việc tại đây. Chỉ nhiêu đó thôi cũng giúp yên tâm hơn, cảm giác cô đơn, lẻ loi phần nào bị lấn át.
Nghỉ chân trên đường tuần tra biên giới, khu vực thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. |
Càng gần đến những kilomet cuối cùng của đường tuần tra biên giới, thời tiết bắt đầu hửng nắng. Cả đoàn xe trực chỉ quốc lộ 18 thẳng tiến Cẩm Phả - thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Quảng Ninh – rồi ra đến Vân Đồn, nơi có chùa Cái Bầu nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long nổi tiếng.
Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long, nhưng lại nằm ở phía Đông và Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh. Nó gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ trong đó, Cái Bầu là đảo lớn nhất, nơi có ngôi chùa Cái Bầu nổi tiếng (hay còn gọi là Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm), nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long.
Chúng tôi nghỉ chân ở một khách sạn gần đó để để sáng hôm sau dậy sớm đón bình minh trên Bãi Dài và tham quan chùa Cái Bầu trước khi trở về thủ đô.
Ngày 4: Vân Đồn - Hà Nội
Bình minh trên vịnh Bái Tử Long. |
Cả nhóm thống nhất leo núi Bài Thơ trước khi chào tạm biệt đất mỏ. Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi cao gần 200 m, nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, núi Bài Thơ thể hiện sự uy nghi, hùng vĩ của nơi đây.
Một góc thành phố du lịch Hạ Long nhìn từ núi Bài Thơ. |
Đường lên núi được xây bậc thang, có một vài điểm nghỉ cho khách du lịch nhưng lên dần phía trên khách tham quan phải cẩn trọng trong từng bước đi vì nó khá hiểm trở, dốc đứng. Bản thân tôi đã phải rất vất vả mới leo được lên đến đỉnh núi.
Vịnh Hạ Long nhìn từ núi Bài Thơ. |
Cha ông ta có câu "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" quả không sai! Trước chuyến đi này cả tôi và Yến đều chưa bao giờ đi xa bằng xe máy tay ga, chủ yếu đi bằng xe máy côn tay nên đây chắc chắn là kỉ niệm khó phai đối với hai chúng tôi. Việc điều khiển xe tay ga trên đường trường tuy có nhàn nhã hơn xe số nhưng ở một vài tình huống giao thông, bạn phải thật sự quyết đoán và có chút kĩ năng điều khiển xe bởi xe ga sử dụng hộp số vô cấp, khác hẳn với xe số.
Hơn nữa, tháng 3 là thời gian giao mùa giữa mùa xuân và mùa hè nên thời tiết nắng mưa, nóng lạnh thất thường, bạn phải chuẩn bị một số áo rét đề phòng trời lạnh. Kết thúc chuyến đi, Medley tiêu thụ 2,916 lít/100km, chiếc xe cũng thể hiện độ an toàn, tính tin cậy cao trong một số tình huống đổ dốc trên đường tuần tra biên giới, đường xuống núi Mẫu Sơn nhờ hệ thống chống bó cứng phanh.
Mạnh Quân