Nhìn ở góc độ khách quan, có thể hiểu rằng, đường sá tắc có nhiều nguyên nhân, trong đó có phương tiện gia tăng, hạ tầng không theo kịp. Điều đáng bàn ở đây là tắc do chính quyền trì trệ, vòng vo, đùn đẩy.
Đơn cử, trong hơn 10 dự án giao thông được liệt vào các công trình trọng điểm, cấp bách thì ngoài những dự án đã khởi công, có đến gần 50% dự án thành phố đã có chủ trương nhưng đang bị “tắc” ở khâu hoàn thiện thủ tục. Nhiều người lấy làm khó hiểu khi tuyến đường nối từ đường Phan Trọng Tuệ ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giúp toàn bộ xe tải từ đường 70 (Hà Đông, Thanh Trì) đi ra cầu Thanh Trì và ngược lại không phải đi vòng vào nội thành và gây ùn tắc tại cho nút Pháp Vân, mặc dù đã có quy hoạch và dự án này từng có tới 2 nhà đầu tư “gõ cửa” các cơ quan Hà Nội xin đầu tư, nhưng đến nay Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, dự án vẫn đang được nghiên cứu. Vì chờ mãi không kiên nhẫn hơn được nữa, đến nay một trong hai doanh nghiệp trên đã phải dừng việc theo đuổi.
Ảnh minh họa: Internet |
Chưa dừng lại ở đó, ngay cả chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng bị các đơn vị dưới quyền thực hiện không nghiêm túc. Ví như, khi dự và phát biểu tại lễ khởi công dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (ngày 5/10/2016), ông Chung chỉ đạo, xin trích nguyên văn: “Dự án đến nay đã GPMB được 40%, chỉ 60% còn lại chậm nhất từ nay đến 31/12/2016 quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan phải thực hiện xong để dự án triển khai, hoàn thành đúng tiến độ”. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 4/2018, dự án không những chưa hoàn thành mà việc GPMB cũng còn dở dang khiến cho dự án đường trên cao không thể thi công, ngoài ra còn bị nhà thầu bên cung cấp vốn Nhật Bản, cảnh báo phạt chậm tiến độ.
Lâu nay người dân Thủ đô đang có câu “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng câu này chỉ đúng khi tham gia giao thông trên đường, còn với các cơ quan công quyền, được ngồi trong phòng ốc tiện nghi, hạ tầng dịch vụ hiện đại và làm việc trong môi trường lãnh đạo thành phố đang hướng đến chính quyền điện tử, chính quyền đô thị thì việc giải quyết thủ tục chậm trễ, ì ạch là đi ngược xu thế.
Với các dự án giao thông, việc nhiều cơ quan liên quan chậm trễ trong thi công và trì trệ việc giải quyết, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án, ngoài việc kéo lùi sự phát triển của thành phố còn làm cho tình trạng ùn tắc giao thông vốn phức tạp, ngày càng nghiêm trọng hơn.