![]() |
VTV Index đưa tin gây hiểu nhầm. |
Ô tô đời sâu có bị cấm vào Hà Nội, TP HCM?
Tin này từ VTV Index mà ra. Nguyên văn bản tin: “Từ 1/1 năm sau, chỉ những xe sản xuất từ 2017 mới được lưu thông tại Hà Nội và TP.HCM và từ 2027 chỉ những đời xe sản xuất từ năm 2022 mới được tham gia giao thông”.
Đầu tiên phải khẳng định là biên tập viên VTV Index đã hiểu sai văn bản được đưa ra. Và còn một số kênh khác cũng đã hiểu sai y như thế. Để biết họ sai chỗ nào, trước tiên ta xem nguồn mà thông tin này được khai thác.
Thông tin này được lấy từ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam.
Theo Dự thảo, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe ô tô ở Việt Nam dự kiến như sau:
- Ô tô có năm sản xuất trước năm 1999 áp dụng Mức 1 từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
- Ô tô có năm sản xuất từ năm 1999 áp dụng Mức 2 từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén (nôm na là động cơ xăng và động cơ diesel) có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng Mức 3 từ ngày 01/01/2026 (riêng các xe mang biển Hà Nội và TP HCM áp dụng Mức 4, tức là cao hơn).
- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng Mức 4 từ ngày 01/01/2026 và Mức 5 từ ngày 01/01/2028 (lại riêng xe biển Hà Nội và TP HCM áp dụng Mức 5 từ 01/01/2027, tức là sớm hơn).
![]() |
Ta thấy rằng không hề có chỗ nào nói đến việc xe sản xuất trước năm 2017 không được phép lưu thông tại Hà Nội và TP HCM.
Thậm chí không cần đọc văn bản, chỉ bằng tư duy logic cũng có thể suy luận rằng nếu thông tin đưa ra là đúng, thì:
- Một nửa số xe đang lưu thông trên thị trường không đủ điều kiện để đi vào nội đô hai thành phố lớn. Như thế quy định này nếu được áp dụng sẽ là quyết định vi hiến.
- Chưa kể rất nhiều xe của chính những người đang sinh sống tại hai thành phố lớn này sẽ phải bán ra ngoại tỉnh, khó có thể trở thành sự thực.
- Đại đa số xe của các cơ quan nhà nước cũng không đáp ứng tiêu chuẩn.
![]() |
Vậy Dự thảo trên đang đề cập đến cái gì? Và điều là gì là thứ cần quan tâm tiếp theo?
Văn bản trên là lộ trình áp dụng mức khí thải cho các loại ô tô đang lưu hành và sắp được lưu hành tại Việt Nam.
Như chúng ta biết, các xe ô tô đều phải được đăng kiểm định kỳ. Một trong các hạng mục được kiểm định, đó là khí thải.
Vậy ta có thể diễn nôm văn bản trên như sau: Khi lộ trình về khí thải trên được áp dụng, đến thời điểm đi đăng kiểm, các xe sản xuất trước 1999 nếu không đạt chỉ số khí thải Mức 1 sẽ bị đánh trượt. Tương tự ở các mức còn lại.
Trên thực tế, Dự thảo quy định về mức khí thải mới chưa gây ra bất cứ sự xáo trộn nào. Ví dụ các xe sản xuất trong nước/nhập khẩu từ sau 2022 đều đang được áp mức khí thải Euro 5.
Nhưng chẳng lẽ Chính phủ lại ban hành một văn bản mà không có ý nghĩa gì về mặt thực tế? Đương nhiên là không rồi. Tuy không ai nói ra, nhưng qua việc công bố lấy ý kiến về dự thảo này, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán một số động thái tiếp theo:
1. Việc kiểm định khí thải sắp tới có thể chặt chẽ hơn nhiều. Trước đây, các xe chỉ được kiểm định theo các tiêu chuẩn giống nhau, nhưng tới đây, quy trình kiểm tra sẽ được áp theo đời xe. Xe sau 2022 đương nhiên sẽ bị kiểm tra kỹ càng hơn xe 2002 (vì tiêu chuẩn khí thải cao hơn), dẫn đến sự thay đổi lớn ở các trung tâm đăng kiểm.
2. Việc chia mức khí thải ra theo đời xe cũng có thể là sự chuẩn bị cho việc đánh thuế các xe có mức phát thải cao trong tương lai. Làm như thế này là thông minh. Không ai cấm lưu hành xe cũ (đỡ phải sửa luật), nhưng vì xe bạn xả thải nhiều nên bạn cần đóng thêm phí môi trường.
3. Việc áp mức khí thải cao sớm hơn ở một số địa phương hoàn toàn cũng có thể là sự chuẩn bị cho việc cấm lưu hành những chiếc xe chỉ đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải thấp ở một số khu vực, vào một số thời điểm nhất định.
Về cơ bản, tôi đánh giá cách đưa ra các quy định về mặt quản lý nhà nước như thế này là bài bản, có lớp lang, có lộ trình cho người dân làm quen và chuẩn bị. Và như thế là cách làm luật văn minh.
Tuy nhiên, vẫn xin phép được có một đề xuất như sau: Nếu có thể, bên cạnh việc áp cứng quy định về mức khí thải theo năm sản xuất, có thể cho phép đóng tiền để duy trì việc lưu hành.
Lấy ví dụ, các xe sản xuất trước 2017 vì lý do nào đó hoàn toàn có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Mức 3. Thay vì cấm lưu hành, hãy cho chủ xe đóng tiền để duy trì, thay vì chấm dứt hoạt động của chiếc xe đó.
Tất nhiên, chỉ nên áp dụng với xe đang lưu hành, không áp dụng với xe mới. Như thế, luật sẽ lại càng thêm nhân văn.
Ofer Le Thanh