![]() |
Xiaomi SU7 Ultra đã bị không ít chủ xe tố cáo "quảng cáo sai sự thật" |
Lượng tiêu thụ xe điện của Xiaomi đang sụt giảm đáng kể tuần thứ ba liên tiếp. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc, số khách hàng mua xe điện của Xiaomi, bao gồm SU7 và SU7 Ultra, đã giảm từ 7.200 xe trong tuần thứ 16 xuống còn 5.200 xe trong tuần thứ 19 năm 2025. Cụ thể, mẫu SU7 tiêu chuẩn đã giảm từ 6.700 xuống còn 4.700 xe trong cùng giai đoạn.
Sự sụt giảm đáng lo ngại này thậm chí đã nhà sáng lập Xiaomi, Lôi Quân, phải thốt lên rằng “đây là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập Xiaomi” trên mạng xã hội Weibo. Tuy nhiên, Xiaomi không phải vô cơ mà lâm vào tình trạng bị người dùng quay lưng mạnh mẽ. Trong thời gian gần đây, xe điện của hãng đã không ngừng gây nên những vụ việc có ảnh hưởng xấu đến niềm tin của khách hàng.
Một trong những vấn đề chính liên quan đến mui xe bằng sợi carbon tùy chọn trên mẫu SU7 Ultra. Nó có giá 42.000 nhân dân tệ (khoảng 151 triệu đồng) và được quảng cáo là có hai ống dẫn khí để làm mát. Tuy nhiên, nhiều chủ xe phát hiện rằng thiết kế này không có những tính năng như đã cam kết, dẫn đến cáo buộc về việc quảng cáo sai sự thật.
![]() |
Chi tiết khoang động cơ khi mở nắp che của Xiaomi SU7 Ultra cho thấy bản có hai ống dẫn khí (bên trái) dường như không khác biệt với bản thường (bên phải) |
Bên cạnh đó, một bản cập nhật phần mềm over-the-air (OTA) vào tháng 5 đã giới hạn công suất tối đa của SU7 Ultra từ 1.548 mã lực xuống còn 900 mã lực, yêu cầu người dùng phải đáp ứng các tiêu chí hiệu suất đường đua mới có thể mở khóa toàn bộ công suất. Điều này đi ngược lại với các thông tin quảng bá trước đây, vốn nhấn mạnh vào tốc độ tối đa 350 km/h và khả năng vận hành vượt trội.
Các lo ngại về tính an toàn cũng gia tăng sau một vụ tai nạn chết người vào cuối tháng 3, khi một chiếc SU7 Ultra gặp nạn ở tốc độ cao khiến ba người thiệt mạng. Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao của xe được cho là đã kích hoạt tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Những vấn đề kể trên đã tạo ra làn sóng phản đối không nhỏ với Xiaomi, ví như hơn 30 chủ xe dự kiến của SU7 Ultra đã tổ chức biểu tình tại trung tâm giao xe ở Bắc Kinh. Hơn 300 chủ xe khác đã lập các nhóm bảo vệ quyền lợi, yêu cầu hoàn tiền và bồi thường. Một số khách hàng còn bất mãn đến mức khởi kiện Xiaomi với cáo buộc quảng cáo sai sự thật và không đáp ứng những cam kết ban đầu về hiệu suất xe.
Một số chuyên gia phân tích trong ngành cho biết hơn 50% chủ xe SU7 Ultra là những người lần đầu tiên mua xe có giá trên 500.000 nhân dân tệ (xấp xỉ 1,8 tỷ đồng), một khoản tiền không hề nhỏ với người dân đô thị phổ thông. Vì vậy, họ vô cùng nhạy cảm với những thông tin quảng cáo cũng như chi tiết thông số kỹ thuật, và có thể nảy sinh suy nghĩ “Mình đã bị lừa!” trước các hành động của Xiaomi.
Các sự cố của Xiaomi không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín cho chính họ, mà còn khiến cơ quan quản lý địa phương phải nhanh chóng đề ra thêm quy định với ngành xe điện. Trong tháng 4/2025, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành các yêu cầu mới về an toàn bộ pin và siết chặt việc quảng cáo các hê thống tự lái. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã buộc phải thay đổi cách tiếp thị, chuyển từ “hệ thống tự lái cấp cao” sang “tính năng hỗ trợ lái xe”. Hồi đầu tháng 5/2025, bộ cũng đã bắt đầu khảo sát ý kiến về tiêu chuẩn bắt buộc cấp quốc gia đối với tay nắm cửa xe.
Để xoa dịu khách hàng, Xiaomi đã công khai xin lỗi, tạm hoãn cập nhật phần mềm xe và đề xuất các hình thức đền bù, bao gồm tặng 20.000 điểm thưởng cho những ai bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hài lòng và tiếp tục yêu cầu được hoàn tiền đầy đủ mà không chịu bất kỳ khoản phí phạt nào.
Các nhà phân tích trong ngành cho rằng những khó khăn trước mắt của Xiaomi phản ánh một vấn đề phổ biến trong lĩnh vực xe điện Trung Quốc, nơi chiến lược tiếp thị được ưu tiên hơn khả năng công nghệ thực tế. Những gì xảy ra với Xiaomi đang làm dấy lên cuộc thảo luận về sự cần thiết của một sự cải tổ nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong ngành công nghiệp bùng nổ này.
Duy Thành