Với xe chạy động cơ đốt trong, lưới tản nhiệt có tác dụng giống như một lá chắn bảo vệ bộ tản nhiệt và các động cơ bên trong. Bởi thế, xe điện không dùng động cơ đốt trong sẽ không cần giữ lại chi tiết này. Vậy tại sao, Nissan Leaf , Mercedes EQ hay mới nhất là BMW i4 vẫn giữ nguyên lưới tản nhiệt truyền thống trong thiết kế đầu xe của mình?
Leaf Nissan |
Cách đây gần một thập kỷ, chiếc xe điện thế hệ đầu tiên Nissan Leaf ra đời đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều chỉ bởi xe không có lưới tản nhiệt. Ngoài một bộ phận nhỏ khách hàng tỏ ra thích thú với diện mạo mới của chiếc Leaf đầu tiên, Francois Lafevre - giám đốc marketing phân khúc xe điện tại Nissan Canada thừa nhận thiết kế mới đã gây ra nhiều xung đột. Để giải quyết vấn đề này, một cuộc khảo sát được hãng triển khai, lấy ý kiến từ hơn 300.000 chủ xe Leaf từ 2011. Kết quả, từ năm 2018 đến nay, Nissan đã phải tạo một lưới tản nhiệt giả ở phần đầu mỗi chiếc Leaf. Thế hệ mới nhất năm 2020, thiết kế tản nhiệt của Leaf được đặt tên "V-motion" với đường viền dạng chữ V cùng bề mặt kính nền xanh lam.
Mercedes Vision EQS concept |
Tại Đức, hãng xe danh tiếng Mercedes – Benz vẫn giữ nguyên lưới tản nhiệt giả cho Mercedes Vision EQS concept, khiến chiếc xe điện này không có quá nhiều khác biệt so với các sản phẩm truyền thống của hãng.
“Đế chế” ô tô Mỹ Ford trong thiết kế xe điện đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi phát triển hai kiểu lưới tản nhiệt cho mẫu xe điện Mustang Mach-E. Một kiểu trông như có lỗ hổng lấy gió, và một kiểu mặt phẳng kín mít cùng màu thân xe. Hãng muốn chắc chắn rằng sẽ không mất đi một lượng khách hàng tiềm năng chỉ vì diện mạo mới lạ không-còn-lưới-tản-nhiệt của Mustang Mach-E.
Mustang Mach-E |
Phát biểu với truyền thông, Robert Lesnik, trưởng nhóm thiết kế ngoại thất của Mercedes – Benz cho biết, lưới tản nhiệt là thiết kế mang tính quyết định để khách hàng có thể nhận diện và kết nối cùng, "Dù không lấy gió vào, đó vẫn là một thứ công nghệ cao".
Joel Piaskowski, giám đốc thiết kế toàn cầu của Ford cũng nói rằng khu vực lưới tản nhiệt như một món đồ trang sức của chiếc xe, là nơi để Ford thể hiện sự khác biệt với các thương hiệu khác.
Như vậy, chức năng của lưới tản nhiệt trên dòng xe điện chủ yếu chỉ để trang trí. Tuy nhiên thiết kế này tạo ra bộ nhận diện thương hiệu ở riêng dòng xe điện. Đó là lý do các hãng xe không từ bỏ lưới tản nhiệt, dù nó không cần thiết trên xe điện.
Liz Wetzel, đồng giám đốc chương trình thiết kế vận tải tại Đại học Công nghệ Lawrence ở Southfield, bang Michigan, cho biết: "Hình dáng, kết cấu và tỷ lệ của lưới tản nhiệt thực sự gắn với hình ảnh và cá tính thương hiệu".
Trên thực tế, BMW rất dễ nhận diện với lưới tản nhiệt hình quả thận, hay Mercedes với các thanh dọc đi kèm logo ngôi sao 3 cánh. Các thương hiệu như Rolls-Royce và Bentley cũng được biết tới với thiết kế đặc trưng phần đầu xe.
Với các hãng xe đã gây dựng tên tuổi từ rất lâu, thì bộ mặt rất quan trọng với thương hiệu. Robert Lesnik cho biết "Chúng tôi từng tự hỏi, rằng có nên xóa sạch thứ mà mình đã tạo nên từ vài thập kỷ qua và làm ra thứ gì đó không có gương mặt, hay vẫn trung thành với kiểu cũ".
Xe điện BMW i4 |
Giải thích cho thiết kế của xe điện BMW i4 mới nhất vừa ra mắt, Domagoj Dukec, người đứng đầu bộ phận thiết kế hãng chỉ ra lưới tản nhiệt hình quả thận đã có hàng chục năm tuổi là điểm khác biệt lớn nhất giữa công ty có trụ sở tại Munich so với các đối thủ từ Đức và nước ngoài. Bộ phận này không chỉ là một công cụ làm mát mà để thiết lập danh tính của chiếc xe.
Với Tesla, mẫu xe điện không có lưới tản nhiệt của hãng đang tỏ ra phiêu lưu với thiết kế phần đầu. Do là hãng xe trẻ tuổi, nên Tesla thể hiện những màn biểu diễn sáng tạo hơn, vì đây là cơ hội thực sự dành cho các nhà thiết kế nhằm tạo ra cá tính và gương mặt hoàn toàn mới của chiếc xe, theo Wetzel nhận xét.
Trong tương lai, các hãng ô tô nổi tiếng và lâu đời có lẽ sẽ vẫn trung thành với thiết kế giữ lại lưới tản nhiệt phần đầu xe điện, bởi chi tiết này thực sự gắn với hình ảnh và cá tính thương hiệu của họ.
Phương Huyền