Bộ GTVT: Một xe chỉ được ký một hợp đồng
Một lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định hiện nay hành khách mua vé xe buýt, hay mua vé các xe tuyến cố định, hoặc ký hợp đồng với một hãng và gọi thêm người thân đi cùng thì luật pháp không cấm. Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng thì theo quy định hiện hành (Nghị định 46/2016, Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT) chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách. Nguyên nhân là để ngăn chặn tình trạng xe “dù” diễn ra ở nhiều nơi. Thực tế đã có tình trạng xe 50 chỗ thì chủ xe in ra 50 hợp đồng khác nhau, sau đó đi lòng vòng đón khách gây mất trật tự an toàn giao thông, bức xúc và thiệt hại cho người dân.
Uber, Grab chưa được triển khai dịch vụ đi chung xe. Ảnh: MP |
“Nếu một xe được ký nhiều hợp đồng thì không bao giờ xóa được tình trạng xe “dù” chạy lòng vòng trong nội đô. Vậy nên Thông tư 63/2014 và Nghị định 46/2016 không phải tự nhiên mà có...”, vị này khẳng định.
Quay lại câu chuyện Grab, vị lãnh đạo này cho rằng khi cái mới xuất hiện, cơ quan quản lý nhà nước bao giờ cũng phải nghiên cứu, đánh giá và có cái nhìn tổng thể vấn đề, nếu cần thiết thì sửa đổi quy định, không có chuyện “quản không được thì cấm”.
Bộ GTVT xác định dịch vụ đi chung xe giúp tiết kiệm cho khách nhưng phải xem xét lợi ích tổng thể cho toàn xã hội. Cụ thể, đối với xe buýt, xe khách tuyến cố định không gian lớn nên hành khách yên tâm, còn taxi không gian nhỏ, chỉ 2-3 người với nhau và họ không hề biết nhau thì đây là câu chuyện khác. Ai sẽ đảm bảo an toàn cho họ? Bên cạnh đó, quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên khi ký hợp đồng cũng khác nhau.
“Các vụ hành khách tấn công tài xế taxi hay ngược lại để chiếm đoạt tài sản từng xảy ra ở Việt Nam và các nước. Ở một số nước như Trung Quốc, taxi được ngăn làm đôi và hành khách trả tiền cho tài xế thông qua lỗ nhỏ. Vì vậy, khi đưa ra vấn đề quản lý nhà nước phải có cái nhìn tổng thể, đặc biệt là xem xét các hệ lụy có thể xảy ra. Chúng ta không thể nhìn cái lợi trước mắt, đặc biệt là không thể để khi sự việc đáng tiếc xảy ra mới ngăn chặn” - vị này khẳng định.
“Nếu vướng pháp lý thì sửa, đừng cấm”
ThS Từ Thanh Thảo, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng dịch vụ đi chung xe của Grab và Uber là một hình thức kinh doanh chứ không phải ngành nghề kinh doanh. Hiện nay Luật Đầu tư chỉ quy định nhóm các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp (DN) có quyền tự chủ, chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh như quy định tại Điều 7 Luật DN.
“Do vậy, về nguyên tắc, nếu DN không kinh doanh trong các ngành nghề bị cấm và đã đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì được chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh. Điều này liên quan đến chiến lược kinh doanh của mỗi DN, do đó cơ quan nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN và quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng. Mặt khác, dưới góc độ pháp lý, các văn bản dưới luật không có quyền đưa ra việc cấm kinh doanh mà vấn đề này phải được quy định bởi văn bản luật” - ThS Từ Thanh Thảo nói.
Luật sư Lê Thị Thu Hường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng quyền lựa chọn dịch vụ là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng. Theo đó, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, nếu Grab và Uber cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung của dịch vụ đi chung xe mà người tiêu dùng vẫn lựa chọn sử dụng thì cơ quan nhà nước không thể ngăn cản.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM: Hình thức đi chung xe mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Với hành khách thì họ có thể tiết giảm chi phí vận tải, với đơn vị vận tải thì có thể tối ưu hóa năng lực vận tải và việc này có thể giúp giảm sự ách tắc tại các đô thị hiện nay vì nó không làm tăng thêm phương tiện vận chuyển.
Dưới góc độ pháp lý, hợp đồng vận chuyển là sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu hành khách đồng ý sử dụng dịch vụ đi chung xe tức là họ đồng ý với việc sẽ có nhiều người cùng sử dụng chung dịch vụ với mình. Sự tự nguyện thỏa thuận này là phù hợp với nguyên tắc luật dân sự. Còn nếu cho rằng hình thức “đi chung xe” vướng quy định tại Thông tư 63/2014 thì Bộ GTVT nên nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này thay vì phải cấm đoán.
“Hình thức vận chuyển có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì cần có hành lang pháp lý để tồn tại, hoạt động và việc này nên để hành khách lựa chọn. Được như vậy thì xã hội không ngừng sáng tạo, luôn vận động và phát triển” - luật sư Chánh nhấn mạnh.
Bộ GTVT lý giải lý do cấm dịch vụ đi chung xe Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ ghi rõ: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách. Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản sau: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình...”. Bên cạnh đó, Nghị định 46/2016 cũng quy định tương tự. Vì vậy, Bộ GTVT khẳng định việc áp dụng dịch vụ trên đối với xe hợp đồng là không phù hợp với quy định hiện hành. _____________________________ Việc đi chung xe đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ tiện ích đi lại của người dân. Nó có thể kết nối ngay tức thì các hành khách mong muốn đến cùng một địa điểm vào cùng một thời điểm. Thực ra đi chung xe không phải là ý tưởng mới. Được công nghệ hỗ trợ, mô hình này có thể sẽ thành công và tạo nên ảnh hưởng ở tầm rộng lớn. Ông ĐẶNG VIỆT DŨNG, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam Dịch vụ đi xe chung là một tính năng mới của Grab và hoàn toàn nằm trong phạm vi của đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Chúng tôi đang làm việc tích cực với Bộ GTVT để hoàn thiện về mặt kỹ thuật, cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành. Chúng tôi tin rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, cho DN và cho xã hội thì Chính phủ sẽ ủng hộ. Bà NGUYỄN THU AN, Giám đốc truyền thông Grab |