Vinasun, thương hiệu taxi dẫn đầu về thị phần tại TP Hồ Chí Minh, mới đây đã kiến nghị một loạt biện pháp để Uber và Grab “không đứng ngoài luật hiện hành và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”.
Được đưa vào Việt Nam cách đây 3 năm, các ứng dụng gọi xe của Grab hay Uber trên smartphone đã làm thay đổi về cơ bản cách vận hành của cả thị trường taxi truyền thống - Ảnh: Getty. |
Cạnh tranh “không lành mạnh”
Cụ thể, thông qua phản ánh gửi đến hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị từ doanh nghiệp của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng sự xuất hiện của Uber và Grab đang đẩy các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước gặp nhiều khó khăn.
Theo Vinasun, dù không có chức năng kinh doanh vận tải, nhưng Uber và Grab đã sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng để kết nối giữa công ty kinh doanh - tài xế taxi - người tiêu dùng, nhằm kinh doanh vận tải mà không phải xin phép.
Vinasun cáo buộc, “núp” dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử, Uber và Grab đã né tránh các nghĩa vụ về thuế, phí và hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào, trong khi hoạt động taxi phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị...
Đồng thời, Uber và Grab cũng đã và đang tùy tiện thực hiện các chương trình khuyến mãi, trái luật (không đăng ký, không được bất kỳ sự cho phép nào của cơ quan quản lý), hoạt động cạnh tranh không lành mạnh chiếm lĩnh thị trường; gây rối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi khác…
Do đó, Vinasun kiến nghị cơ quan chức năng xếp loại hình hoạt động của Grab, Uber và các công ty tương tự là loại hình “kinh doanh vận chuyển hành khách đường bộ bằng taxi”.
Đồng thời, các xe kinh doanh của Uber và Grab phải chịu sự quản lý, kiểm tra, cấp phép như các công ty taxi đang hoạt động. Phải công khai số xe kinh doanh, doanh thu và thuế phải nộp hàng quý, hàng năm, để đảm bảo công bằng trong việc quản lý và chống thất thu thuế.
Đồng thời, chấm dứt các hoạt động cạnh tranh “không lành mạnh” bằng các chiêu thức giảm giá.
Vinasun nhấn mạnh, việc cho phép Uber và Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam với nhiều ưu đãi từ chính sách, cũng như không chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, đang đẩy các doanh nghiệp taxi trong nước gặp nhiều khó khăn.
Được đưa vào Việt Nam cách đây 3 năm, các ứng dụng gọi xe của Grab hay Uber trên smartphone đã làm thay đổi về cơ bản cách vận hành của cả thị trường taxi truyền thống.
Điều đáng chú ý là, dù phản ứng về dịch vụ mới này, nhiều hãng taxi truyền thống - trong đó có cả Vinasun - vẫn phát triển ứng dụng gọi xe để nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều công ty vận tải trong nước cũng sử dụng ứng dụng gọi xe để quản lý và điều phối dịch vụ của mình…
Bản chất là “xe hợp đồng”
Trả lời về phản ánh và kiến nghị của Vinasun, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Uber hay Grab về bản chất là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (được các sở giao thông vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định), chứ không phải loại hình taxi.
“Bộ Giao thông Vận tải luôn đồng tình ủng hộ các đơn vị vận tải sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp”, trả lời của Bộ nêu.
Về quản lý, cấp phép và các nghĩa vụ về thuế, theo Bộ Giao thông Vận tải, bản chất của Uber và Grab hay các đơn vị khác tham gia thí điểm là sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ôtô, thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.
Vì vậy, các đơn vị vận tải này phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực này.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Vinasun trao đổi với Bộ Tài chính để được hướng dẫn rõ hơn.
Đối với kiến nghị của Vinasun về chấm dứt hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của Uber, Grab bằng các chiêu thức giảm giá, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Vinasun trao đổi với Bộ Công Thương để được hướng dẫn.
Trước những kiến nghị của Vinasun, ngày 30/5/2017, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có Văn bản số 5744/BGTVT-VT đề nghị Công ty TNHH Grab Taxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam làm rõ các nội dung liên quan đến đơn vị mình.
Mục tiêu doanh thu 2017 của Vinasun đi xuống
Thông tin từ đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua của Vinasun cho thấy, trong năm 2016, đây là hãng taxi dẫn đầu về số đầu xe của các hãng taxi trong Tp.HCM, chiếm khoảng 46,5% số lượng taxi hoạt động tại đây.
Vinasun cũng cho biết đã phục vụ 150 triệu khách hàng trong năm 2016. Số lượng khách hàng doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ taxi và các khách hàng vãng lai sử dụng thẻ thanh toán khác là hơn 10.000.
Công ty ghi nhận tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2016 đạt 4.763 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015 và vượt 6% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 311 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2015 và vượt 18% so với kế hoạch.
Về kế hoạch 2017, Vinasun đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.256 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến là 205 tỷ đồng.
Công ty đặt mục tiêu này dựa trên ước tính doanh thu bình quân là 1,83 triệu đồng/xe/ca, giá cước bình quân là 15.887 đồng/km, và sẽ điều chỉnh giá cước theo tình hình thực tế.