Ngô Cẩm Linh, nữ tài xế Taxi Xanh SM, hiện công tác tại Đội 2 - Ocean Park, là một trong số ít những người phụ nữ vượt qua định kiến của nghề. Cô gái có vóc dáng nhỏ bé đã vượt gần 2.000 km từ quê hương Tây Ninh ra Hà Nội lập nghiệp chỉ nhằm thỏa mãn đam mê du lịch và cầm lái.
Ngô Cẩm Linh, nữ tài xế taxi vượt gần 2.000 km từ Tây Ninh ra Hà Nội lập nghiệp. |
Học kế toán nhưng rẽ hướng sang tài xế taxi vì đam mê
Tính đến thời điểm hiện tại, Ngô Cẩm Linh đã làm việc tại Hà Nội được hơn 6 tháng. Cô gái trẻ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào ngày 9/5/2023. Trải qua quá trình nộp hồ sơ, phỏng vấn tại Xanh SM, ngày 20/5, Linh bắt đầu ngồi sau vô-lăng chiếc taxi điện VF e34 hành nghề chở khách.
Linh tâm sự cô mất hai tháng đầu làm quen với môi trường sống mới. Trước đó, cô cũng đã làm nghề tài xế taxi được 5 năm nhưng chỉ lái khu vực miền Nam. Đây là lần đầu Linh đi xa đến vậy để lập nghiệp.
"Nghề này vừa thỏa mãn sở thích đi du lịch của mình, vừa mang lại thu nhập trang trải cuộc sống. Mình lại có đam mê với nghề nữa. Đã đam mê thì không biết mệt đâu", Linh cười.
Nữ tài xế taxi đã có 5 năm kinh nghiệm hành nghề. |
Nữ tài xế gốc Tây Ninh tâm sự, cơ duyên đến với nghề này một phần vì đam mê, một phần do dòng đời đưa đẩy. Hết lớp 12, cô rời quê hương đến TP HCM học cao đẳng chuyên ngành kế toán.
"Từ lúc xa nhà, mình đã quyết tâm sống tự lập, không xin chu cấp từ gia đình. Để trang trải tiền học và chi phí sinh hoạt, mình bắt đầu chạy xe ôm, xe máy công nghệ tại TP HCM, chạy đủ các hãng Grab, Uber, Bee. Cứ 2-3 giờ sáng, mình đã có mặt ở bến xe đón khách", Linh kể.
Nhờ chăm chỉ, Linh thu về cho mình lượng khách quen nhất định. Năm 2018, cô về quê, tự chạy dịch vụ với chiếc Toyota Fortuner của gia đình. Các chuyến nhận chở khách thường ở địa bàn TP HCM và khắp các tỉnh miền Nam, thậm chí cả Campuchia, nơi Linh có ba năm làm shipper, chạy xe ôm, kinh doanh xe máy và làm "tất cả những công việc gì mà người Việt mình cần ở Campuchia".
Nữ tài xế taxi điện đã trải qua rất nhiều nghề tại Campuchia. |
Cuộc sống cứ trôi qua như vậy nếu như dịch Covid-19 không bùng nổ mạnh. Năm 2020, sau khi gia đình bán chiếc Fortuner, Linh không còn xe chạy dịch vụ nữa. Cô tiếp tục xin vào hãng taxi Sao Đỏ tại quê nhà để thoả mãn đam mê cầm lái. Được một thời gian, cảm thấy chán, Linh quay trở lại TP HCM xin lái taxi công nghệ.
"5 năm qua, mình cứ quanh đi quẩn lại với vô-lăng. Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán nhưng chưa từng làm kế toán một lần nào cả. Chắc nghề chọn người rồi", Linh cười nói.
Nữ tài xế hài hước kể lại kỷ niệm vui suýt quên nhận bằng tốt nghiệp cao đẳng vì mải chở khách. "Đến khi đứa em gọi nhắc ra trường nhận bằng, mình mới chạy vội về. Chụp ảnh, nhận bằng xong, lại có khách gọi tiếp. Mình cởi áo, mũ cử nhân và lao đi ngay lập tức", Linh nói. "Suốt từ lúc ra trường đến nay, mình chưa từng làm một bộ hồ sơ xin ứng tuyển nghề kế toán".
Cử nhân ngành kế toán, nhưng chưa từng nộp bộ hồ sơ ứng tuyển việc làm đúng ngành. |
Người ta Nam tiến, mình lại ra Bắc lập nghiệp
Đồng hồ điểm 11 giờ trưa, Linh tắt app ứng dụng gọi taxi sau khi kết thúc ba chuyến chở khách. Rẽ vào quán cafe, cô chọn cho mình một ly đen đá không đường. Nữ tài xế taxi cho biết đây là món uống yêu thích nhiều năm qua. Linh có những sở thích khác với nhiều chị em phụ nữ, giống như niềm đam mê với cái nghề cô chọn.
"Phụ nữ theo nghề này không quần áo là lượt ngồi văn phòng. Có khi cả ngày Linh gắn với chiếc xe. Linh không có khái niệm dùng mỹ phẩm đâu", nữ tài xế taxi chia sẻ.
Có lẽ do đặc thù công việc đi sớm về khuya vất vả, Linh sở hữu vóc dáng gầy nhỏ. May mắn thay, cô có làn da sáng mịn dù không quá để ý chăm sóc nhan sắc.
Nữ tài xế taxi một mình ra bắc lập nghiệp, bất chấp mọi khó khăn. |
Một ngày của nữ tài xế taxi gốc Tây Ninh sẽ bắt đầu vào 4 giờ sáng. Thức dậy, tập thể dục, sau đó lên xe làm việc. Tầm 7-8 giờ, sau một vài chuyến xe, cô sẽ tranh thủ ăn sáng rồi nhận khách chạy tiếp đến khoảng 10-11 giờ trưa thì dừng nghỉ ngơi, ăn uống. Buổi chiều lượng khách đặt xe sẽ đông hơn. Công việc thường kết thúc vào 8-9 giờ tối, đôi lúc có thể là 1-2 giờ sáng nếu khách đặt xe đi đường dài. Sau một ngày làm việc, Linh về nhà tắm rửa và lên giường ngủ luôn.
"Mặc dù là hãng taxi mới ra mắt nhưng lượng khách hàng đặt xe khá đông. Trung bình một ngày mình nhận khoảng trên 10 chuyến chở khách", nữ tài xế tâm sự.
Linh cho biết, đặc thù nghề tài xế taxi giờ làm việc không cố định, có khách gọi là phải làm, trừ lúc tắt app ứng dụng gọi xe. Chính vì vậy, nữ tài xế thường dùng bữa trên xe, ngủ ngay ở những nơi được phép đỗ ô tô, có thể là gốc cây, trạm xăng, trạm sạc.
Nữ tài xế từng rong ruổi vác vali đi tìm nhà trọ khi mới ra Hà Nội. |
Linh cho biết cô cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ gia đình dù chọn cái nghề chẳng dành cho phái nữ. Thấy cô đam mê với công việc và tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, mẹ cô chưa bao giờ phàn nàn bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi nói ý định ra Bắc làm việc, lần đầu tiên Linh bị gia đình ngăn cản.
“Mình nói với mẹ, con ở bên Campuchia ba năm trời, biết tiếng Campuchia, làm việc, nói chuyện được với người bên đó. Tại sao ra Hà Nội, nói tiếng Việt, con lại không thể đi? Sẵn tiện, con muốn ra Bắc du lịch và có việc làm, chi trả tiền sinh hoạt. Nghe vậy mẹ cũng xuôi xuôi".
Sau khi thuyết phục được gia đình, Linh liên hệ với những anh chị, bạn bè ngoài Hà Nội mà cô quen. Linh được một chị bạn làm ở hãng taxi Mai Linh giúp đỡ nhiệt tình, từ tìm nhà trọ, chỉ đường. Thế nhưng, trước khi đáp chuyến bay ra bắc, chị vẫn hỏi lại: Người ta vào Nam lập nghiệp, em lại đi ngược, em có nghĩ kỹ chưa?
Ngay cả bên tuyển dụng Xanh SM tại Hà Nội cũng tưởng Linh nộp nhầm hồ sơ. “Họ còn gọi điện nói với mình, TP HCM cũng tuyển, để họ gửi hồ sơ vào đó, nhưng mình nhất quyết trả lời: em muốn sống ngoài này nên mới xin ra đây, nếu ở TP HCM thì em nộp vào đó phỏng vấn rồi".
Tại buổi phỏng vấn, Linh chia sẻ kinh nghiệm chạy xe công nghệ và tìm đường thông qua ứng dụng GPS, lại có 5 năm hành nghề tài xế xe dịch vụ. Nhờ thế, cô gái nhỏ gốc Tây Ninh nhanh chóng được nhận việc.
Nghề tài xế taxi cho Linh cơ hội du lịch và kết bạn 4 phương. |
Ở miền đất mới, Linh cảm nhận những khác biệt so với quê hương mình. "Giao thông Hà Nội hơi khác trong Nam, đường rộng, nhưng người dân đi thì mình phải… đoán nhiều. Nhiều khi họ rẽ mà không xi nhan. Đôi khi đèn đỏ rồi mà họ vẫn cứ chạy tiếp".
Những ngày đầu ra Bắc lập nghiệp, Linh hay nhận được sự nhường nhịn, giúp đỡ của đồng nghiệp. Các anh thường ưu tiên nhường Linh sạc điện trước. Đôi lúc khách hàng thấy tài xế là nữ, từ trong Nam ra, họ thấy lạ và rất thích nói chuyện trên đường đi. Một vài niềm vui nho nhỏ cũng là niềm động viên lớn với cô khi một mình mưu sinh nơi đất khách quê người.
Chưa khi nào có ý định bỏ nghề
Nói về mặt trái trong nghề, Linh thừa nhận nghề nào cũng có những nguy hiểm. Nghề tài xế taxi sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như cướp giật, quỵt tiền… Tuy nhiên, nữ tài xế khẳng định sinh ra đã không biết sợ gì.
Linh kể về những kỷ niệm trong thời gian lái taxi tại quê hương. Cô từng gặp khách lên xe nhưng không có tiền trả cước phí, còn vay cô 200 nghìn, hứa sẽ trả trong ngày. Linh đồng ý, và rồi vị khách đó… mất hút luôn. “Các anh đồng nghiệp chửi mình ngốc quá nhưng lúc đó mình nghĩ số tiền không quá lớn, mình lại làm ra, không đáng để làm to chuyện”, cô tâm sự.
Khá nhiều lần Linh gặp khách say rượu hoặc phải đi những chuyến chở khách tới 1-2 giờ sáng. “Nhiều khi đi đêm vắng, đường hai bên toàn cánh đồng, không có nhà, điện, mình cũng sợ lắm chứ, nhưng chưa từng có ý định bỏ nghề”.
Có thể dùng bữa trên xe, nhưng vệ sinh sạch sẽ không gian xe luôn là ưu tiên hàng đầu của cô gái gốc Tây Ninh. |
Nữ tài xế taxi gốc Tây Ninh chia sẻ chọn Xanh SM vì muốn trải nghiệm cảm giác lái xe điện sau 5 năm ngồi xe xăng chở khách. Cô cho biết xe chạy nhàn và tiết kiệm chi phí.
“Tiền sạc điện mình tự chi trả, một ngày trên 10 chuyến, hết có 100 nghìn, kể cả khi mình ở trong xe bật điều hoà liên tục nghỉ trưa. Chi phí tiết kiệm hơn hẳn so với chi phí đổ nhiên liệu khi chạy xe xăng truyền thống, với cùng tần suất và quãng đường di chuyển”, Linh nhẩm tính.
Thu nhập của một tài xế Xanh SM đến từ lương cứng và hoa hồng dựa trên doanh thu, chi phí sạc xe tài xế tự trả. Tính ra mỗi ngày, phần trăm hoa hồng đủ lo tiền sạc và chi phí ăn uống sinh hoạt. Phần lương cứng Linh sẽ để riêng ra tiết kiệm nhằm ổn định cuộc sống mới.
Hiện tại, lượng khách hàng đặt xe Xanh SM khá đông, Linh nhận định, có thể do xe mới, sạch và rộng rãi. Xanh SM rất nghiêm ngặt trong vấn đề giữ vệ sinh cho xe, đây là khác biệt với những hãng taxi trước kia Linh từng làm. “Mỗi lần thanh tra kiểm tra, xe không sạch sẽ bị phạt 200 nghìn. Linh may mắn chưa dính lần nào”.
“Bên cạnh đó, Taxi Xanh SM kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Khách có thể đặt xe của app ứng dụng, hoặc nếu không thì gọi điện cho mình, khách lên xe thì đồng hồ bấm giờ, y như taxi truyền thống. Đây là cái rất hay và tiện cho cả cánh tài xế và khách hàng”, Linh cho biết.
Ngô Cẩm Linh chuyên nghiệp trong chiếc áo đồng phục hãng. |
Nửa năm ở Hà Nội, cô gái trẻ đã làm quen dần với nhịp sống nơi đây và cảm thấy thích thú với những thứ mới học được.
"Người ta nói ra Bắc khó sống lắm, cứ trải nghiệm đi, nhưng mình đâu thấy vậy? Mỗi nơi có cái hay riêng, mình học được tính tiết kiệm của người Bắc đó”.
Đam mê cầm lái khiến Linh quên đi những vất vả áp lực trong công việc. Nữ tài xế taxi dự định sẽ lái taxi ngoài Bắc khoảng hai ba năm, đặt mục tiêu mua nhà Hà Nội. Xa hơn nữa, cô mong muốn được qua Trung Quốc trải nghiệm nghề lái taxi, vì trước cũng có kinh nghiệm ba năm lái ở Campuchia rồi.
"Mục tiêu này có vẻ khó hơn các dự định trước kia, nhưng kiểu gì mình cũng đi, không cản được đâu", Linh tâm sự.
Đôi nét về nhân vật Tên: Ngô Cẩm Linh Quê quán: Tây Ninh Nghề nghiệp: tài xế taxi Xanh SM - Đội 2 - Ocean Park Nơi ở hiện tại: Hoàn Kiếm - Hà Nội |
Phương Huyền