Bộ phim tài liệu Đường đua, là bộ phim đầu tiên lấy đề tài đua xe địa hình và giải đua ô tô địa hình lâu đời nhất Việt Nam PVOIL VOC, do Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài truyền hình Việt Nam, thực hiện. Phim có sự góp mặt của nhiều nhân vật kỳ cựu trong giới mê đua xe offroad suốt gần hai mươi năm qua, truyền tải thông điệp đua xe địa hình nói chung và PVOIL VOC nói riêng đã thay đổi những con người, những số phận theo hướng tích cực khi đặt đam mê đúng hướng.
Trong phim, những góc khuất về các nhân vật một thời đam mê đua xe trái phép lần đầu được phô bày. Nhiều năm qua đi, họ đã trưởng thành hơn nhưng ký ức về tuổi trẻ nổi loạn vẫn được lưu giữ, trở thành bước ngoặt cho sự thay đổi tư duy về đua xe sau này. Một trong số đó chính là Hoàng Giang (quen được gọi là Giang Hoàng, nick Otofun là Song Hong), nhà vô địch VOC 2011.
Hai tay đua đội 110 Hạng Cơ bản mang tên STS HOC tại PVOIL VOC 2023. |
Tay đua đường phố những năm 2000 và kỷ niệm khó quên
Giang Hoàng sinh năm 1980, tại Hà Nội, thuộc lứa vận động viên đua xe địa hình sớm nhất miền bắc. Năm 2011, cùng với tay đua Nguyễn Hồng Vinh (Gaz69), Giang lên ngôi vô địch VOC hạng Chuyên nghiệp. Gần hai mươi năm qua, anh là cái tên giới đua xe ai cũng "nhẵn mặt". Giang Hoàng từng có thời gian là thành viên đội đua AKA Racing tham gia đua giải rally xuyên châu Á AXCR, thường xuyên góp mặt trong các giải đua như như KOK, HTV...
Với nhà vô địch VOC 2011, niềm đam mê tốc độ hình thành từ rất sớm. Cách đây hơn 20 năm, khi còn là chàng sinh viên đại học Mỏ Địa chất, Giang Hoàng đã trở thành gương mặt quen thuộc trong những trận đua xe máy trái phép tại khu vực hồ Gươm.
"Chiều nào cũng vậy, thanh niên chúng tôi tập hợp thành đoàn xe đi đua quanh hồ Gươm, phố cổ. Cứ đến chiều tối, từng tốp xe máy bắt đầu rồ ga tham trận. Thi thoảng đêm Noel hoặc khi Việt Nam có trận đá bóng, cả đội cũng sẽ đua đêm", Giang Hoàng nhớ lại.
Ngày đó, đua xe chỉ có mục đích vui và được thể hiện. Các tay đua thi nhau trình diễn những kỹ năng như đánh lửa hai bên, đi một chân, bốc đầu... Giang Hoàng kể, do chiều nào cũng lạng lách, đánh võng nên người ai cũng gầy và toàn sẹo vì ngã xe. Tham gia đua có cả nam và nữ, đến từ khắp nơi, Hà Nội có, từ tỉnh lẻ cũng có. Tuy nhiên ai cũng giống nhau ở một điểm, đã nhảy lên xe là không quan tâm gì khác, không biết sợ và chẳng nghĩ gì đến hai chữ trách nhiệm.
Những năm 2000, chiếc xe máy vẫn là món tài sản lớn với mỗi gia đình. Thành viên đội đua xe đường phố lúc bấy giờ hầu hết là con nhà có điều kiện và ăn chơi. Giang Hoàng đổ không ít tiền cho thú vui tốc độ. Thậm chí anh còn giấu bố mẹ tự đến cửa hàng mua xe máy rồi viết giấy báo nợ về nhà.
Đua xe trái phép, đam mê của một bộ phận thanh niên. Ảnh minh hoạ |
"Ngốn" cả đống tiền và ăn bao nhiêu trận mắng vì mê tốc độ, chẳng ai ngờ thú vui đua xe đường phố của Giang Hoàng kéo dài vỏn vẹn gần hai năm. Một biến cố xảy ra khiến anh nhớ mãi và quyết định dừng lại. Đó là cái chết của người bạn trong một trận đua diễn ra tháng 8/2000.
Như bao trận đua khác, chiều hôm ấy, các tay đua mải mê trình diễn kỹ năng đóng vỉa tại cung đường từ Hoàng Diệu rẽ ra Phan Đình Phùng. Hồi đó, góc cua ở cung này vuông vức chứ không được thoải như bây giờ. Chiếc xe của Giang bám sát người bạn đi phía trước đang phóng với tốc độ rất cao. Bỗng nhiên, một tiếng động lớn vang lên. Chỉ trong tích tắc, người bạn ngã văng vào gốc cây đối diện, chiếc xe rê đi vài chục mét. Do không đội mũ bảo hiểm, người bạn chấn thương nặng và chết ngay tại chỗ.
"Khoảnh khắc đó khiến tôi nhớ mãi vài năm về sau. Nhìn thấy bạn nằm đấy, tôi biết từ nay không thể bất chấp đi theo thú vui nguy hiểm này nữa", Giang Hoàng kể lại.
Thay đổi tư duy về đua xe khi tham gia đua offroad
Sau lần đó, Giang Hoàng dừng đua xe một thời gian. Cái chết của người bạn trên đường đua làm anh sợ hãi.
"Nếu không tận mắt chứng kiến cái chết của bạn, có lẽ tôi vẫn cứ chiều chiều dắt xe lên hồ và chết một ngày nào đó", Giang Hoàng tâm sự.
Nói bỏ đua, Giang Hoàng làm thật. Anh bỏ đua gần chục năm, trước khi dính vào bộ môn "não nhiễm bùn". Năm 2008, Giang Hoàng nhen nhóm biết đến offroad, một lần nữa, đam mê của anh trỗi dậy, nhưng lần này không giống 8 năm trước.
Tay đua Giang Hoàng khi còn là thành viên đội đua AKA Racing. |
"Khi bắt đầu tham gia giải Vô lăng vàng những năm 2008-2009, tôi mới hiểu được những căn bản của đua xe. Khi giải VOC dần tiến lên chuyên nghiệp, đặc biệt là từ lúc trở thành thành viên của đội đua AKA Racing năm 2019, tôi càng cảm nhận sự khác biệt của đua xe chuyên nghiệp ngày nay và đua xe trái phép ngày xưa. Hồi trước tôi đua theo bản năng, dựa vào phản xạ, sự nhanh nhẹn và không có căn bản gì, rất may không phải trả giá đắt như người bạn của mình".
Giang Hoàng thừa nhận năm 2009 khi đã trở thành người đàn ông 30 tuổi, đã trưởng thành, va vấp và có gia đình, anh mới nhận ra cậu thanh niên choai choai Giang Hoàng của gần chục năm trước đã phạm nhiều sai lầm như thế nào.
"Vợ tôi cũng không thích tôi hồi ấy. Cô ấy là người hướng nội. Lúc là tay đua đường phố, chúng tôi nghĩ mình là anh hùng nhưng thực ra chúng tôi bị cả xã hội ghét và khiến gia đình lo lắng", Giang Hoàng cười.
Ông bố hai con đã trưởng thành, chín chắn hơn sau nhiều năm bôn ba. |
8 năm sau khi từ bỏ đam mê đua xe trái phép, Giang Hoàng đã quay lại đường đua lầy lội nhưng với hình ảnh khác hoàn toàn. Không còn là gã thanh niên cứ đợi hô hào là nhảy lên xe phóng bạt mạng, anh trở thành tay đua chuyên nghiệp, đầu tư xe cộ, kiến thức, kỹ năng một cách bài bản và thường chọn những giải đấu lớn để tham gia. Theo anh, khác biệt lớn nhất khi bắt đầu tham gia VOC là anh đã biết đặt trên mình hai chữ trách nhiệm với gia đình, bản thân và cả xã hội.
"Tôi từng suýt chết khi tham gia giải đua của câu lạc bộ offroad Hà Nội. Xe tôi bị đứt cáp khi đang leo tời vượt giếng cổ sâu 120 m. Nếu không có đống cây khô phía dưới giữ lại chắc tôi chết rồi. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự đối mặt với nguy hiểm và nghĩ đến gia đình của mình", Giang Hoàng kể lại kỷ niệm nhớ đời.
Lần chết hụt đó không may vợ anh biết được, nửa đêm vợ anh dựng dậy hỏi: chọn vợ hay đua offroad. Anh nói bỏ offroad, nhưng về sau vẫn quay lại, tiết chế hơn, nghĩ đến gia đình nhiều hơn. Dần dần, vợ cũng ủng hộ. Khi thấy anh được đầu tư xe chất lượng và tham gia các giải lớn, kiếm được tiền từ đam mê, cả vợ và bố mẹ anh đều tự hào tin tưởng.
Thăng trầm vì niềm đam mê đua xe
Giang Hoàng từng đổ không ít tiền cho thú vui đua xe offroad suốt 10 năm qua. Anh tự nhận mình là một người dám nghĩ, dám làm và dám chơi. Phần lớn tiền làm ra tiêu cho xe cộ.
Trở lại hơn 20 năm trước, sau khi chấm dứt những buổi chiều đua xe trái phép quanh hồ Gươm, anh lao vào kinh doanh kiếm tiền dù chưa tốt nghiệp lấy bằng. Ban đầu, chàng thanh niên trẻ cùng bạn mở cửa hàng game ở Phạm Hồng Thái và kiếm được không ít tiền. Năm cuối đại học, Giang Hoàng bỏ game, đi buôn điện thoại, nhưng xui xẻo vớ một lô điện thoại rởm nên từ bỏ. Với tấm bằng kỹ sư trong tay, anh làm đúng nghề vài năm, trước khi mở công ty làm riêng.
Nghề thay đổi xoành xoạch nhưng niềm đam mê đua xe thì luôn đau đáu. Năm 2008 khi offroad bắt đầu nhen nhóm, anh mua chiếc Triton hai cầu và cứ cuối tuần lại đi tập, đi đua.
"Hơn 10 năm nay, tôi đầu tư hết cho đam mê, có lúc giật mình khi nhìn lại những khoản đầu tư vào xe. Tôi thi tất cả các hạng ở VOC nên từng sở hữu cả xe cát vòm, xe chuyên nghiệp, xe bán tải đua hạng dưới hoặc hạng tốc độ".
Giang Hoàng cháy hết mình cho những cuộc đua offroad tốn kém. |
Giang Hoàng cho biết, trừ những người kinh tế tốt, còn lại những ai thích đua offroad đều phải loay hoay tìm cách thoả mãn đam mê của mình.
"Để có tiền chơi hạng cắt gọt (cách gọi dân dã của Hạng Mở rộng ở PVOIL VOC 2023) thì làm công ăn lương không đủ. Năm 2015 - 2016 tôi từng bị công an điều tra về thu nhập, bị bắt vào tù và phạt nhiều tiền. Khi công an tra cứu sổ phụ toàn thấy tôi đi mua máy, mua cầu làm xe. Năm đó tôi còn đi Sưởi Ấm Bản Cao nên công an biết tôi có tiền là làm từ thiện, vậy nên cũng không lâu sau tôi được thả ra", Giang Hoàng kể về những mặt trái trong cuộc đời anh.
Hiện tại, Giang Hoàng hợp tác cùng người bạn mở công ty vận tải chuyên chở than, quặng tại Lào. Sau quãng thời gian bôn ba, công ty sở hữu cả chục chiếc đầu kéo. Anh tâm sự khi đi gọi vốn, người ta tin tưởng và tạo điều kiện cho anh phát huy sở trường. Giang Hoàng tìm thấy niềm vui trong nghề do cung đường vận chuyển quặng khá giống kiểu offroad của xe đầu kéo. Dù làm chủ, thi thoảng anh vẫn nhảy lên xe cầm lái như anh em nhân viên trong công ty.
Thành công trong cả đường đua và sự nghiệp khi đặt đam mê đúng hướng
Hơn 10 năm đua offroad, ông chủ của công ty vận tải đã thu về cho mình những thành tích lớn nhỏ tại các giải như KOK, HTV Challenge, PVOIL VOC... "Bây giờ tôi chạy điềm tĩnh hơn, cảm nhận nhiều hơn. Đua xe ai chả mong vô địch nhưng mình cứ chạy hết khả năng, người ta hay hơn thì mình chấp nhận", Giang Hoàng thừa nhận bản thân mình đã không còn cái ngông nghênh của tuổi trẻ.
Năm nay, tham gia PVOIL VOC 2023, Giang Hoàng tiếp tục làm lái chính, bắt cặp cùng tay đua Nguyễn Huy Thơm tại đội STS HOC - 110, Hạng Cơ bản. Nhà vô địch VOC 2011 tâm sự hiện tại chỉ đua để thoả mãn đam mê, giải toả năng lượng.
Trong công việc, điều Giang Hoàng tự hào là nhờ những sai lầm tuổi trẻ, anh tích được những kinh nghiệm quý giá để quản lý đội ngũ nhân viên của mình.
"Tôi luôn nhắc nhở nhân viên, muốn nhanh thì vào giải đua. Đi làm không khuyến khích chạy nhanh mà chỉ cần chạy an toàn cả người, cả xe, cả hàng!"
Giang Hoàng tự tin khẳng định, trong công ty không ai chạy nhanh bằng anh. Để làm gương cho nhân viên, Giang Hoàng yêu cầu các tài xế của mình chạy ổn định, an toàn. Công ty có chế độ thưởng phạt rõ ràng, không khuyến khích hơn thua trên đường. Chạy ẩu, tốn nhiều dầu sẽ bị phạt.
Theo Giang Hoàng, quản lý tài xế phải dùng liệu pháp tâm lý vì người lái container đều có cá tính mạnh. Anh tôn trọng nhân viên, hơn nữa nhờ kinh nghiệm tham gia các giải đua và có kiến thức về thi đấu chuyên nghiệp nên anh khiến mọi người nể phục.
Ảnh do phần mềm AI vẽ về hai tay đua đội 110 Hạng Cơ bản tại PVOIL VOC 2023. |
Tại đường đua VOC, Giang Hoàng tự nhìn thấy mình của hai mươi năm trước trong các vận động viên trẻ tuổi ngày nay. Tuy nhiên điều may mắn là các giải đua chuyên nghiệp được tổ chức ngày càng nhiều khiến những tay đua trẻ có nơi thoả mãn đam mê, không giống như anh ngày trước. Sau những trải nghiệm trong suốt hơn hai mươi năm theo đuổi thú vui đua xe, Giang Hoàng gửi gắm lời nhắn tới các bạn trẻ ngày nay:
"Đua xe muốn tốt phải có kiến thức căn bản, rồi kết hợp kỹ năng. Giống như cầu thủ ban đầu phải tập các bài cơ bản như đỡ bóng,.. xong cơ bản mới có kỹ năng sút phạt, rê bóng.
Đam mê đua xe thì tốt, nhưng nên đua xe ở nơi được cho phép. Vì thể hiện đam mê ngoài đường sẽ gây ảnh hưởng đến cộng đồng, đến người vô tội. Mật độ giao thông bây giờ rất đông, xe thương mại giờ cũng toàn xe khoẻ, đua xe trái phép sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước được".
Thông tin đội đua STS HOC Đội đua: 110 Hạng: Cơ bản Giống: Hoàng Giang - Kinh doanh vận tải, vô địch hạng Chuyên nghiệp VOC 2011 Chã: Nguyễn Huy Thơm - Thành viên Hà Nội Offroad Club, huy chương đồng Hạng Nâng cấp VOC 2014, huy chương bạc Hạng Cơ bản VOC 2017 Mục tiêu: Cố gắng đứng bục cao nhất Khẩu hiệu: Không ăn thua, đua bùng nổ |
Thông tin chung về PVOIL VOC 2023 PVOIL VOC 2023 sẽ có 87 đội đua, với 4 Hạng thi đấu, bao gồm: Cơ bản, Bán tải Nâng cao, SUV Nâng cao và Mở rộng. Giải được diễn ra trong 3 ngày, từ 27 đến 29/10, tại khu vực Làng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Từ năm 2010, VOC đã được Tổng cục TDTT chính thức công nhận là một bộ môn thi đấu thể thao phong trào trong hệ thống các giải đấu trong nước. Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) đồng hành cùng giải đua VOC từ năm 2016. Từ năm 2019 đến nay, PVOIL trở thành nhà tài trợ tên giải. Các kênh thông tin chính thức về Giải: Otofun News: www.ofnews.vn Diễn đàn OTOFUN: www.otofun.net Fanpage Cộng đồng: https://www.facebook.com/Otofun.Community Group chính thức của Cộng đồng: https://www.facebook.com/groups/otofun2021 Group dành cho các VĐV: https://www.facebook.com/groups/vandongvienvoc Fanpage chính thức của Giải: https://www.facebook.com/pvoilvoc2023 |
Phương Huyền