Theo chính quyền thành phố Seoul, giải pháp này nhằm khuyến khích một nửa số người dân thường xuyên tới công sở bằng phương tiện cá nhân sẽ lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm miễn phí
Cụ thể, người dân sẽ được miễn phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng trong khung giờ cao điểm, từ chuyến đầu tiên buổi sáng tới 9 giờ và từ 18 - 21 giờ. Chương trình này sẽ bắt đầu triển khai vào tháng 7, thời điểm mà lượng bụi hàng ngày tại Seoul được dự báo có thể sẽ vượt quá mức 50 microgram. Ngoài ra, các phương tiện cá nhân được khuyến khích tự nguyện lưu thông theo biển số chẵn - lẻ.
Thị trưởng Seoul ông Park Won-soon cho biết, việc cung cấp các phương tiện giao thông công cộng miễn phí sẽ tiêu tốn khoảng 3,6 tỷ won/ngày (tương đương 3,2 triệu USD). Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, những lợi ích từ chương trình này mang lại sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với những thiệt hại về kinh tế.
Các chính sách này nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động môi trường. Tuy nhiên, họ cho rằng các biện pháp này chưa đủ, bởi nó chỉ được áp dụng tạm thời trong những ngày có mức độ bụi cao. Ông Lee Se-geol, Tổng thư ký Liên Đoàn Bảo vệ Môi trường Hàn Quốc cho rằng, về lâu dài, chương trình này cần được quy chuẩn thành luật, thực hiện hàng ngày chứ không chỉ là một biện pháp khẩn cấp được khuyến khích áp dụng trên tinh thần tự nguyện như hiện nay.
Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với chất lượng không khí ngày một xấu đi, nguyên nhân chủ yếu được cho là do các đám mây bụi tới từ sa mạc phía Tây Trung Quốc và thực trạng ô nhiễm khói bụi trong nước. Ô nhiễm khói bụi là tác nhân chính gây ra các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống miễn dịch.
Số liệu của Viện nghiên cứu Seoul cho thấy, vào năm 2016, thành phố này thải ra 34% bụi mịn, trong đó bụi do ô tô chiếm 25%. Chính quyền thành phố đã xác định bụi mịn là một thảm họa đe dọa trực tiếp mà đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em.
Theo kế hoạch, kể từ năm 2018, thành phố sẽ phân bổ 2,9 tỷ won để lắp đặt các máy lọc không khí cho 6.284 trung tâm chăm sóc trẻ em và 488 tổ chức phúc lợi.
Việc miễn phí cho các phương tiện giao thông công cộng cũng từng được áp dụng tại Paris, Pháp.