Xe ôtô thành phẩm tại Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam). (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Mặc dù các doanh nghiệp liên liếp giảm giá để kích cầu thị trường, nhưng sức tiêu thụ ôtô vẫn ảm đạm, không chỉ xe sản xuất lắp ráp trong nước mà cả xe nhập khẩu nguyên chiếc. Xu hướng ảm đạm này có thể kéo dài trong nhiều tháng do tâm lý người tiêu dùng chờ đợi đến đầu năm 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc giảm còn 0%. Tổng cục Hải quan cho biết, sau 2 tháng tăng liên tiếp lần lượt hơn 9% và gần 40%, bước sang tháng 4/2017, tổng lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đã quay đầu giảm gần 38% so với tháng trước và chỉ đạt gần 7.000 xe. Cụ thể, trong tháng 4 cả nước nhập khẩu 6.962 xe ôtô nguyên chiếc với trị giá 169,5 triệu USD, giảm 37,8% về lượng và giảm 6% về giá trị giá so với tháng 3. Đây là tháng có lượng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc về thấp nhất hơn một năm gần đây. Tính bình quân, giá khai báo hải quan của ôtô nhập khẩu vào Việt Nam ở mức 24.350 USD (gần 555 triệu đồng), tăng 8.000 USD (182 triệu đồng) so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vẫn đạt 33.404 xe với trị giá 663,12 triệu USD, tăng 15,6% về lượng, nhưng giảm 10,2% về giá trị so với 4 tháng đầu năm 2016. Tổng cục Hải quan phân tích, mặc dù kim ngạch nhập khẩu ôtô giảm, nhưng số thu tăng do kim ngạch nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ vẫn tăng 83% về lượng và tăng 42% về trị giá, làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 1.500 tỷ đồng. Về thị trường nhập khẩu, trong tháng 4/2017, Thái Lan vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam với 1.976 xe, trị giá 36,9 triệu USD. Đứng thứ 2 là Indonesia với 1.572 ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về, trị giá 25,5 triệu USD. Đáng chú ý, trong tháng 4, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ đã giảm khá mạnh khi chỉ còn 176 xe so với con số 3.074 xe nhập về trong tháng 3. Thế nhưng, giá trị xe nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam lại tăng lên đáng kể, ở mức bình quân 12.849 USD, tương đương với 291 triệu đồng/xe, trong khi ở những tháng đầu năm giá trị này chỉ dưới 4.000 USD, vào gần 90 triệu đồng/xe. Cùng với việc nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam giảm gần 38% trong tháng 4 thì sức tiêu thụ xe ôtô toàn thị trường trong nước trong tháng qua cũng giảm đến 18% so với tháng trước, trong đó xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm đến 35%. Qua báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố cho thấy, dù trước đó các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu, nhưng tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô trong tháng 4/2017 vẫn giảm 18% so với tháng trước. Cụ thể, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4/2017 đạt 21.942 xe các loại, giảm 18% so với tháng trước, dù các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu thị trường. Trong tổng doanh số bán hàng trên, phân khúc xe thương mại bán ra đạt 9.562 xe, tăng 15%; xe chuyên dụng đạt 1.675 xe, giảm 6%; và phân khúc xe du lịch có đến 10.705 xe được bán ra, nhưng lại giảm tới 36% so với tháng trước.
Về xuất xứ xe, trong khi doanh số bán hàng của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 16.453 xe, giảm 10%, thì xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 5.489 xe, giảm 35% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô đạt 86.6712 xe các loại, chỉ tăng nhẹ ở mức 1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 52.305 xe du lịch, tăng 10%; xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 18%. Cũng xét theo xuất xứ, trong khi doanh số bán hàng của xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm 5%, đạt 62.767 xe, thì xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái với 23.904 xe được bán ra thị trường. Qua thống kê bán hàng trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 cho thấy, thị trường ôtô Việt Nam đã qua giai đoạn "nóng" của xe nhập khẩu từ ASEAN do thuế nhập khẩu từ khu vực này giảm 10% theo lộ trình. Đến nay, thị trường chính thức rơi vào thời kỳ suy giảm doanh số do nhiều người tiêu dùng chờ đợi đợt giảm giá sâu tiếp theo của thị trường vào đầu năm 2018. Điều này thể hiện rõ hơn ở cuối năm 2016 và đầu năm 2017 khi nhiều doanh nghiệp đón đầu xu hướng giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN từ mức 40% của năm 2016 giảm còn 30% kể từ ngày 1/1/2017 đã giảm giá sâu để đẩy hàng tồn đọng, doanh số bán ôtô cả năm 2016 đạt kỷ lục mới trong suốt 20 năm qua, đạt hơn 304.000 xe. Nối tiếp kỳ vọng này và thời gian giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN còn 0% từ 1/1/2018 đang cận kề, người tiêu dùng đang có tâm lý chờ đến thời điểm này mua xe giá rẻ hơn cũng là điều dễ hiểu. Khi đó, không chỉ các mẫu xe nhập khẩu giảm giá mà các mẫu sản xuất xe lắp ráp buộc các nhà sản xuất đưa ra nhiều ưu đãi để cạnh tranh khiến giá bán xe cũng giảm theo. Khi đó, người tiêu dùng ít nhiều cũng sẽ được hưởng lợi như đợt giảm 10% thuế nhập khẩu xe từ khu vực hồi đầu năm. Kết thúc năm 2016, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam dự báo, tổng doanh số bán hàng năm 2017 có thể tăng trưởng ở mức 10%. Tuy nhiên, với những diễn biến của tình hình thực tế 4 tháng đầu năm, giới chuyên doanh cho rằng, sức tiêu thụ ôtô toàn thị trường cả năm 2017 khó có thể đạt được như kỳ vọng của VAMA, bởi người tiêu dùng trong nước đang có tâm lý chờ đợi đến năm 2018 mới mua xe với giá rẻ.