Tay chơi xe cổ Sài Thành cảm nhận về các đời xe Vespa. |
Sự ra đời, lịch sử, kiểu dáng, phong cách… của Vespa thì tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, bởi Vespa là một thương hiệu quá nổi tiếng, sản phẩm đa dạng với rất nhiều dòng khác nhau. Muốn biết chi tiết, anh em cứ tìm trên google là ra ngay.
Hồi thanh niên tôi rất thích dáng phong trần, linh hoạt của xe Honda 67. Quần Jeans hiệu King Joo, áo bay Nga mầu nâu đất, dép nhựa Tiền Phong và cưỡi Honda 67, vè mủ, sơn zin, độ sơ sơ lên nòng 65, trong bóp nhét tờ Công vụ lệnh Sài Gòn - Phnom Penh thì cứ gọi là oai hơn cóc.
Nhưng, khi nhìn thấy tấm hình ông già vợ đi Vespa Sprint 150, chở bà xã lúc đó còn nhỏ đứng phía trước, bà già vợ mặc áo dài ngồi một bên ở yên sau, tóc bay nhẹ theo gió, tự nhiên thấy Honda 67 đúng là trẻ trâu nếu so với Vespa Sprint. Mọi ý nghĩ ngông cuồng của tuổi trẻ với Honda 67 bỗng tan biến. Tôi bắt đầu chinh phục Vespa từ đó.
Đầu tiên, dĩ nhiên là Vespa Sprint 150, đi đến chiếc thứ ba thì gặp được đúng chân ái của cuộc đời. Sau vài tháng canh chừng, năn nỉ ỉ ôi thì một ông cha (hay một chức sắc gì đó trong nhà thờ Cha Tam - Sài Gòn) đồng ý bán cho tôi chiếc Sprint zin 100% từ A đến Z, kể cả biên nhận mua xe tại hãng Vespa Sài Gòn trước 1975, kèm theo một xấp vé phí cầu đường từ trước 1975.
Tiếc là sau này, một thằng đệ tử của tôi mượn đi, rồi lén bán không giấy tờ cho một tay chơi Vespa có số má ở Sài Gòn. Vì tôi nhất quyết không sang tên nên sau tay chơi đó đành gỡ ra bán đồ món. Vì không muốn cho thằng đệ tử dính tù tội nên tôi không làm lớn chuyện nữa.
Bộ sưu tập Vespa của tay chơi xế cổ nổi tiếng Sài thành. |
Bập vào Vespa rồi mới thấy nhiều cái hay ho. Ban đầu, vì có điều kiện, lại trúng lúc hồi đó chưa có phong trào chơi Vespa nên xe cũ nhiều và rẻ, tôi mua đủ đời từ Acma, GS 150, Standar 150, Super 150, Sprin 150. Mua cho đủ bộ thôi chứ ít có dịp trải nghiệm. Thường ngày tôi chỉ chạy Sprint là nhiều, mấy xe kia chỉ cất trong kho.
Thời còn chạy Honda 67, một người bạn thân của tôi có một chiếc Vespa mini 50. Vì là thợ máy cứng nên nó rất o bế chiếc xe đó. Nó nói: "Ông nên chơi dòng mini đi, có nhiều cái hay ho lắm”. Tôi nghe rồi bỏ qua vì có nhiều thứ thấy hay hơn.
Sau khi có đủ Vespa sườn (khung) lớn rồi, nhớ lời thằng bạn, tôi mới bắt đầu tìm hiểu Vespa sườn nhỏ (mini) thì thấy hay thật, vì thực chất Vespa khung nhỏ mới là xe thể thao thực thụ: Khung sườn nhỏ gọn, tỷ lệ công suất máy/trọng lượng lớn, đặc biệt là kết cấu máy nhỏ, có cơ chế hút xăng trực tiếp từ carburator vào buống đốt, không phải hút qua buồng dên rồi mới đẩy vào buồng đốt như máy lớn, làm cho thời gian nạp nhiên liệu nhanh hơn, giảm tổn thất nhiên liệu…
Thú chơi xe cổ của nam Ofer U65 nổi tiếng Sài thành |
Hành trình Vespa: Tam Thanh - ngôi làng của sắc màu và tình yêu |
Tôi bắt đầu sưu tầm xe khung nhỏ từ khoảng 1994-1995. Thời đó Vespa mini 50 - tên chính thức là Vespa Super Sprint V50 nhiều, rẻ như cho bởi ai cũng chê yếu, khó đi. Có lẽ do không bảo dưỡng, sửa chữa đúng cách, chứ tôi thấy mini chạy ngon, gọn, luồn lách trong phố rất tốt. Một điểm đáng chú ý là cơ cấu sang số của mini và các loại Vespa đều khác xe Nhật, ở chỗ không sang số chết được, nên một số người không biết cách chạy cứ bóp côn khi dừng xe mà không về số “mo” (N). Vì thế khi xuất phát giữ nguyên số cũ (số 2, 3) chạy thì yếu, về số nhỏ hơn thì không được, gặc tới gặc lui thì đứt dây số, rồi chán, rồi bán. Nhưng nếu đi quen khi đứt dây ambraya (dây côn) thì vẫn sang số vô tư.
Sau Vespa Super Sprint V50 tôi mua được chiếc Vespa Super Sprint V90 và Vespa Primavera 125 (T9). V90 gần giống V50 về hình dáng, kích thước nhưng dung tích xi-lanh lớn hơn, mạnh hơn. Đến Primavera 125, ngoài dung tích xi-lanh lớn hơn thì khung cũng chắc chắn hơn, đặc biệt là đầu đèn giống như Super 150 to, nặng và chiều ngang lớn hơn. Primavera dùng vành hợp kim nhẹ và đẹp hơn vành sắt nhưng cũng bảo đảm chắc chắn
Khoảng những năm 1996-1997, công ty Phi Mã nhập về xe Vespa PX 150. Tôi là một trong số những khách hàng đầu tiên rước về với giá 2.750 USD (hơn 7 cây vàng). Sau đó hai năm đến lượt Cosa 150 được mua về với giá khoảng 10 cây vàng. Suốt 12 năm sau đó tôi chỉ đi Cosa cho đến khi bị tai biến không đi xe hai bánh được nên giữ để làm kỷ niệm một thời oanh liệt.
Trong các đời Vespa thì ACMA đáng sưu tầm vì kiểu dáng cổ điển, quý hiếm. Tuy nhiên, với tôi GS 150 mới là thực sự quý hiếm, tính năng hoạt động hơn hẳn ACMA. Sau đó đến Sprint bởi những cải tiến về máy móc, đường nét bệ vệ và nhất là gắn liền với hình ảnh của nhưng ông chủ lớn, thành đạt hoặc các xì thẩu người Hoa ở Chợ Lớn.
Các loại vespa Mini (khung sườn nhỏ) mới là xe đáng để chơi vì đặc tính thể thao của nó, tất cả các cuộc đua Vespa người ta đều sử dụng Vespa Mini. Bởi vậy tôi quyết định giữ lại cho hai đứa con gái một chiếc Mini 50 và một chiếc Primavera 125, để thỉnh thoảng còn đi ké. Còn mình tôi chỉ cần một chiếc PX150 và một chiếc Cosa 150.
PX 150 là xe đời tương đối mới, độ tin cậy cao bởi bộ điện được cải tiến triệt để - đánh lửa điện tử. Chiếc PX của tôi chạy gần 30 năm, tới nay mới chỉ thay vỏ, ruột bugi và dây côn vài lần. Đồng sơn zin (có tút hai bên cốp), máy móc chưa mở lần nào.
Cosa là chiếc xe đời cuối cùng của Vespa sử dụng động cơ hai thì truyền thống. Kiểu dáng hiện đại, thế ngồi rất thoải mái, rất thích hợp chạy đường trường. Đặc biệt bộ ambraya (côn) của Cosa sử dụng nhông “sống” không gắn chết vào nồi ambraya, mà kết nối bằng bánh răng. Khi nổ không tải thì kêu lạch cạch nhưng có tải, đồng tốc thì êm, chạy đường trường chỉ nghe tiếng Pô nổ chậm rãi, khoan thai.
Cosa có hệ thống sang số bằng một sợi thép dẻo nên chỉ cần một dây số và hoạt động rất trơn chu, dứt khoát, dễ sử dụng. Hệ thống sang số này tiến bộ hơn tất cả các đời trước - phải dùng hai sợi cáp và hay bị hóc số nếu đi không quen. Cosa là một chiếc xe đáng giữ lại, xài một đời người chưa chắc đã hỏng. Nếu có điều kiện bạn nên có một chiếc Mini và một chiếc Cosa là đủ.
Ofer: Phạm Diên