Anh Nguyễn Hà Thanh (nick diễn đàn hathanh8286), 38 tuổi, hiện đang là quản lý của một công ty truyền thông ở Thanh Hóa. Anh gia nhập diễn đàn OTOFUN từ khá sớm (năm 2008) và luôn là một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất trong các hoạt động của diễn đàn.
Từ cổ động viên đua xe Offroad trở thành vận động viên đua xe onroad
Năm 2009, anh Nguyễn Hà Thanh bắt đầu làm quen với vô lăng. Cái tên ThanhNguyen (nick facebook) cũng từng ghi dấu ấn mạnh với các thành viên OTOFUN khi Ofer này lái chiếc Honda CR-V 2.0 đời 2015 di chuyển với mức tiêu thụ nhiên liệu nhỏ không tưởng (trung bình chỉ 4,1 lít/100km) trong thử thách test nhiên liệu. Tuy nhiên phải đến năm 2019, anh Thanh mới bắt đầu tham gia đua xe - Giải đua đầu tiên anh ghi danh có tên là Vietnam Auto Gymkhana Championship (VAGC).
Giải đua đầu tiên ofer Thanh Nguyen tham gia là Vietnam Auto Gymkhana Championship (VAGC) |
Anh Thanh chia sẻ: "Mình biết đến Gymkhana và giải đấu Vietnam Auto Gymkhana Championship thông qua diễn đàn OF. Như mình đã nói, giải VAGC là giải onroad đầu tiên mình tham gia thi đấu. Offroad thì chưa bao giờ - trước đây mình chưa từng thi VOC, chỉ xem người ta đua là chính. Tuy nhiên, những cung đường tương đối như trong giải mình đã trải qua rồi".
Theo đánh giá của anh Nguyễn Hà Thanh :"Đua Onroad và offroad có rất nhiều sự khác biệt, dễ thấy nhất là về phương tiện đua (đối với offroad thì hầu như xe gầm cao, còn onroad xe gầm thấp), đường đua (offroad đường đất, onroad đường nhựa)…"
Xe ảnh hưởng 30% kết quả thi, 70% là do kỹ năng lái
Chiếc xe được vận động viên (VĐV) ThanhNguyen sử dụng để thi đấu tại giải VAGC là chiếc Honda Civic 1.5 Turbo: "Đăng ký tham gia giải này xong mình cũng không có thời gian để tập luyện. Chỉ đến hôm ra địa điểm thi đấu mới tập lại (để có cảm giác lái), tập với đường đua (test để làm quen với đường đua). Lúc đó, thật sự mọi thứ đều rất mới mẻ với mình. Vì là lần đầu tiên thi đấu nên cảm giác rất hồi hộp, vừa lo lắng vừa háo hức khi được thử sức với sân chơi mới, thỏa mãn đam mê".
VĐV ThanhNguyen cho rằng: "Chiếc xe sẽ ảnh hưởng khoảng 30% kết quả thi đấu, còn lại 70% là do kỹ năng lái". |
Sau trải nghiệm tại giải đấu VAGC, VĐV ThanhNguyen cho rằng: "Chiếc xe sẽ ảnh hưởng khoảng 30% kết quả thi đấu, còn lại 70% là do kỹ năng lái". Vận động viên cũng tiết lộ: "Những chiếc xe nhỏ gọn nhưng công suất máy lớn là những xe có lợi thế cho vận động viên trong cuộc thi này".
"Bí quyết" luyện tập TC Motor Gymkhana Championship by Otofun
Gymkhana là bộ môn còn rất mới ở Việt Nam (TC Motor Gymkhana Championship by Otofun cũng mới là giải đua xe onroad chính thức thứ 2 được tổ chức ở trong nước) vì thế đa số VĐV sẽ gặp khó trong việc nắm bắt độ mạnh - yếu của các "đối thủ" sẽ thi đấu với mình. "Do không có nhiều dịp để cọ sát với các VĐV khác nên mình cũng không rõ trình độ của các VĐV. Tuy nhiên, thông qua giải VAGC mình thấy các VĐV của team Redline có trình độ vượt trội hơn so với các nhóm còn lại, do họ được tập luyện theo 1 cách chuyên nghiệp. Nếu các VĐV khác có được môi trường tập luyện như Redline thì mình nghĩ trình độ của họ cũng sẽ nâng lên cao hơn so với hiện tại".
Từ kinh nghiệm thi đấu tại VAGC, anh Thanh rút ra kết luận: "Khó khăn đầu tiên của VĐV thi đấu Gymkhana là cách thức nhớ đường (đua), tiếp đó là khoảng cách giữa các cọc ngắn. Còn lại các bài thi đều có độ khó same same nhau, phải vận dụng hết kỹ năng lái mới qua được".
Ofer Thanh Nguyen cho biết, trong quỹ thời gian tập luyện ít ỏi có được, anh thường dùng để tập làm quen với xe và chú trọng tập các kỹ năng đi slalom, số 8, đi 360°, 180°...
Bên cạnh việc tập luyện, thì sự ủng hộ của bạn bè, người thân cũng sẽ tạo ra một động lực lớn đối với các VĐV: "Trước kia khi mình tập bộ môn này, rất ít người ủng hộ, đa phần đều nói mình chơi trò nguy hiểm, rồi phá xe…. Nói chung là với ánh mắt không thiện cảm, kể cả người thân trong gia đình. Tuy nhiên, khi tham gia giải VAGC mình được sự ủng hộ của "gấu" nhà mình rất nhiều (đi cùng xem và cổ vũ, động viên cho mình). Đấy cũng là động lực cho mình tập trung thi đấu để đạt được kết quả thi đấu tốt nhất trong giải vừa rồi".
Khi tham gia giải VAGC, VĐV Thanh Nguyen nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn từ gia đình, đặc biệt là từ vợ và các F1 |
Nếu như nhiều người còn băn khoăn, không biết các giải đua xe nói chung và GOC nói riêng có phải là sân chơi, nơi dành riêng cho các VĐV chuyên nghiệp (thể hiện và giành giải thưởng) hay không? Thì ofer Thanh Nguyen lại có một cái nhìn hoàn toàn cởi mở:
"Theo như mình biết giải GOC là giải dành cho cả các VĐV chuyên và không chuyên tham gia thi đấu. Tất nhiên, để các VĐV không chuyên có thể cạnh tranh giải đối với các VĐV chuyên nghiệp là điều rất khó, nhưng không phải là không thể xảy ra. Hiện tại diễn đàn OF đã đưa ra các sa hình bài thi tương tự như trong giải. Các VĐV không chuyên có thể tập theo sa hình để làm quen với đường đua cũng như luyện kỹ năng lái, như vậy tỷ lệ chiến thắng sẽ cao hơn nhiều. Không có gì là không thể nếu bạn tự tin vào chính mình."
VĐV Thanh Nguyen (đứng thứ 3 tính từ trái sang) trong buổi lễ cấp bằng đua xe ô tô thể thao chuyên nghiệp (dành cho 32 tay đua đầu tiên của Việt Nam). |
Tham gia diễn đàn hơn 10 năm cùng với vô số hoạt động của diễn đàn, nam Ofer bày tỏ niềm vui vì diễn đàn đã nhiệt tình đứng ra tổ chức giải GOC nhằm phát triển bộ môn Gymkhana cũng như bộ môn Motor Sport rất mới mẻ tại Việt Nam, cũng như tạo sân chơi bổ ích cho những người đam mê bộ môn này: "Mong diễn đàn thường xuyên tổ chức những giải GOC như thế này để các VĐV có dịp được cọ sát nhằm phát triển, nâng cao khả năng hơn nữa. Ngoài ra, tôi mong muốn BTC giải bố trí sẵn xe thi đấu để các VĐV thi 1 cách công bằng hơn".
Các Ofer và người quan tâm có thể tham gia TC Motor Gymkhana Championship by Otofun bằng cách điền theo mẫu đăng ký của BTC: Tại đây Quá trình đăng ký được xem là thành công khi các VĐV đóng lệ phí thi đấu 2 triệu đồng mỗi VĐV. Thời gian đăng ký kéo dài đến ngày 18/7/2020. |
Thu Hằng