Thầy giáo về hưu Nguyễn Lương Ngọc bên chiếc xe đầu tiên cùng mình đi phượt - Lada 1988. |
Chuyến hành trình đầu tiên vào năm 1999, Lada 10 tuổi vỡ rô-tuyn lái, đứt sên cam, thủng bình xăng… trong hành trình 1.800 km
Ở tuổi 64, thầy giáo về hưu Nguyễn Lương Ngọc (sống tại Lâm Đồng) đã hoàn thành một số mục tiêu vạch ra, như chinh phục 4 điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc, đặt chân tới 63 tỉnh thành đất nước, thực hiện các chuyến phượt cả nghìn cây số, đi từ Nam ra Bắc bằng ô tô tự lái và xe đạp. Đây là những việc mà ngay cả lớp thanh niên trai tráng cũng khó làm được.
Niềm đam mê dịch chuyển nhen nhóm từ khi còn bé, cách đây 25 năm, thầy Ngọc đã có lần đầu tiên thực hiện chuyến đi dài bằng ô tô. Chiếc Lada đời 1988, cùng thầy đi từ Lâm Đồng vào Sơn La, rồi quay ngược lại, trong hành trình kéo dài 12 ngày. Với người đàn ông U65, kỷ niệm đó là dấu mốc khiến bản thân không còn biết sợ, dù đối mặt với bất cứ khó khăn nào trong những chuyến đi sau này.
Thầy Ngọc đã thực hiện rất nhiều chuyến đi bằng ô tô, vượt qua hàng nghìn cây số. |
"Đợt ấy tôi đi cùng vợ và hai cô con gái về Sơn La thăm gia đình bên ngoại. Mùng Hai Tết năm 1999, tôi từ Sơn La chạy về Hà Nội, qua Mộc Châu ghé thăm bạn, có làm mấy chén rượu. Khi xuống đèo Tòng Đậu (Mai Châu, Hòa Bình), đường quá xấu, lúc ấy lại buồn ngủ, mắt lim dim, thấy hòn đá nhỏ tưởng đi qua được, ai dè đụng gầm.
Kết quả là vỡ đầu rô-tuyn lái và thủng bình xăng. Tôi phải đánh xe quay lại Nông trường Mộc Châu tìm thợ xuống sửa được rô-tuyn. Tối đó cả nhà ngủ nhờ nhà dân bản ven đường (đoạn Hang Kia - Pà Cò bây giờ)", thầy Ngọc cho hay.
Theo cựu thầy giáo dạy Vật lý, xử lý thùng xăng thủng là câu chuyện thú vị nhất. "Vì lỗ thủng to quá không bít được, cũng không thể hàn, tôi phải mua một chiếc can 20 lít đựng xăng, và một dây tuy ô lên câu trực tiếp trước bình xăng con. Vợ thì ngồi ghế phụ ôm bình xăng, cứ thế gần hết xăng lại xuống mua đổ vào can. Đi gần 200 km như thế, về đến Hà Nội mới tìm được ga ra để hàn thùng xăng", thầy Ngọc nói.
Rất nhiều chiếc xe đã gắn bó với thầy giáo về hưu U65 trong những chuyến đi dài. |
Những chuyến đi chơi xa ngày nay quen được gọi bằng một từ dân dã là phượt. Nhưng nó không đủ để nói về những hành trình của thầy Ngọc. Vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, các tay lái dám đi theo kiểu thầy Ngọc không nhiều. Một phần do chưa có nhiều người sở hữu ô tô, một phần vì đường sá, xe cộ không tốt.
Chiếc xe thầy Ngọc dùng cho chuyến đầu tiên là Lada sản xuất năm 1988. "Hồi tôi mua lại, chiếc xe này đã được 10 tuổi. Từng là xe nhà nước nên có lẽ đi nhiều. Xe xập xệ lắm! Trước khi thanh lý hình như còn bị va đập, máy móc thì tạm ổn, động cơ xăng 1.8", thầy Ngọc kể về chiếc xe vốn trước đây chỉ cấp thứ trưởng các bộ mới được sử dụng và được bán thanh lý với giá 28 triệu đồng.
"Phần tệ nhất là bơm xăng, nóng máy quá là không hoạt động. Đi xuyên Việt cũng ổn, nhưng khi leo đèo phải lấy khăn ướt đắp vào bơm xăng cho nguội mới leo tiếp được. Tôi phải độ thêm chiếc quạt con cóc vì máy lạnh kém quá".
Thầy Ngọc đi khắp mọi miền đất nước trong suốt 25 năm qua. |
Xe yếu, ít trang bị, chưa kể còn "mù đường" khi giao thông chưa khai thác, đường sá chưa được mở rộng. "Tôi còn chẳng có điện thoại di động và Google Maps như bây giờ, nhưng vẫn về được đến nhà đấy thôi", thầy Ngọc nhớ lại chuyến đi đầu tiên cách đây 25 năm.
"Từ Lâm Đồng ra Hà Nội thì cứ bám quốc lộ 1 mà đi. Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Sơn La, do đã đi nhiều bằng xe khách nên thuộc đường. Các cụ dạy đường ở mồm mà. Về cơ bản tôi thấy mình nắm vững địa lý và các tuyến đường. Khi muốn nghỉ ngơi dọc đường thì vào nhà nghỉ".
Sau chuyến đi đáng nhớ ấy, chiếc Lada còn gắn bó với thêm 6 năm nữa và trải qua nhiều lần di chuyển. "Mua 28 triệu, sửa chữa và thay thế thêm vào khoảng 20 triệu, khi bán được 10 triệu! Thành công lớn nhất sau các chuyến đi là giúp tôi trở thành thợ sửa xe có tay nghề khá ổn", thầy Ngọc cười.
Phượt ngày xưa khác bây giờ, các bạn trẻ hãy liều lĩnh lên!
"Trên trang của hội phượt tôi thấy nhiều bạn rón rén quá. Bây giờ xe tốt, đường tốt, phương tiện kỹ thuật đầy đủ mà cứ sợ. Cứ phải liều lĩnh một chút, cứ đi mới có kinh nghiệm được", thầy Ngọc trải lòng.
Hơn 25 năm phượt bằng ô tô, xe đạp, với những hành trình lên tới gần 2.000 km, thầy giáo về hưu U65 chiêm nghiệm, dân phượt bây giờ khác dân phượt ngày xưa rất nhiều.
Thầy Ngọc cũng từng thực hiện các chuyến phượt bằng xe đạp, đi qua gần 2.000 km. |
"Ngay từ lúc bắt đầu với đam mê, tôi đã xác định đi là xe sẽ có trục trặc, nhưng hỏng đâu sửa đấy. Một phần là dân kỹ thuật nên tôi cũng có kiến thức. Còn bây giờ, nhiều tài xế còn không biết thay bánh sơ cua nữa kia".
Theo thầy, nhiều bạn chuẩn bị đi phượt lần đầu bằng ô tô thường đặt vấn đề xin chia sẻ kinh nghiệm trong các nhóm phượt. "Ai trước khi đi cũng đều lên kế hoạch, đã có tìm hiểu, tính toán nhất định. Quan trọng là không ai giống ai, từ điểm xuất phát hay mục đích trải nghiệm".
"Phượt là khám phá và trải nghiệm những vùng đất mới. Đã là trải nghiệm thì sẽ mang tính chủ quan của mỗi người, nó phụ thuộc vào sở thích, đam mê, thói quen, sức khỏe, thời gian. Sau 25 năm đi phượt và đã đi qua 63 tỉnh thành của cả nước, tôi đúc kết được là tự mình khám phá để rút ra kinh nghiệm".
Bên cạnh đó, thầy Ngọc chia sẻ, khi đã phượt bằng ô tô, bạn phải chấp nhận phiêu lưu, mạo hiểm và cần chuẩn bị cho mình một chút kỹ năng cần thiết.
"Tôi đã gặp những lần gặp sự cố toát mồ hôi còn ám ảnh mãi.
- Năm 1999, mùng Hai Tết, khi chạy xe Lada đời 1988 qua Quốc lộ 6, thủng bình xăng, phải mua can 20 lít và dây tuy-ô đấu trực tiếp vào bình xăng, chạy hơn trăm cây số về Hà Nội mới có chỗ để hàn…
- Năm 2010, bị vỡ cuppen côn ở Vạn Giã (Nha Trang), tìm được thợ sửa xong, leo đèo Khánh Lê lên Đà Lạt lúc nửa đêm.
- Năm 2014, đi theo Google Maps từ Sơn La sang Sa Pa, đi được 90 km thì bị cấm đường tại Thủy điện Huội Quảng. Quay lại thì quá xa, bèn đi tiếp khoảng 10 km, vừa đi vừa bê đá dọn đường mất hơn 2 tiếng.
- Năm 2022, nổ vỏ sau trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, may lúc ấy vắng xe.
U65 nhưng vẫn thích ngồi ôm tay lái “nhấm nháp” các cung đường 12 tiếng mỗi ngày. |
Suốt 25 năm đi phượt, hỏng xe, tốn bao nhiêu tiền cho sửa chữa, nhưng với thầy Ngọc, những trải nghiệm này rất đáng quý, không phải ai cũng có. Ở độ tuổi đa phần người ta đã nghỉ ngơi, người đàn ông này vẫn thích ngồi ôm tay lái “nhấm nháp” các cung đường, "U65 rồi mà vẫn có thể chạy 10-12 tiếng mỗi ngày, thậm chí sẵn sàng chạy từ 3h sáng, nếu có thể".
Thầy giáo về hưu nhẩm tính, thống kê thời gian ngồi trên xe còn nhiều hơn thời gian ở nhà trong suốt 4 năm về hưu. Tuy nhiên, thầy Ngọc cho hay, mục tiêu hiện tại sẽ vẫn cùng chiếc xe ô tô đi đến những nơi chưa được đặt chân trên đất nước Việt Nam.
Tháng 7/2024, thầy Ngọc vừa thực hiện chuyến đi 13 ngày, hành trình dài 5.600 km, bằng xe ô tô, từ Lâm Đồng qua 29 tỉnh (trong đó 7 tỉnh biên giới phía Bắc): Điểm cực Tây, ngã ba biên giới A Pa Chải; Đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải); Thác bản Giốc (Cao Bằng) và Mũi Sa Vĩ (Móng Cái-Quảng Ninh) ! Mỗi chuyến đi đều được đăng nhật ký hằng ngày trên facebook, truyền cảm hứng đến đông đảo các bạn trẻ mê phượt. Tháng 3/2024 thầy đạp từ Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội rồi đi xe đò vào, hết 29 ngày, đi qua 1.900 km. Tháng 6/2023, từ Lâm Đồng, lái xuyên Việt ra khám phá Tây Bắc, đi qua Sơn La - Ngọc Chiến - Tú Lệ - Mù Cang Chải - Than Uyên - Sa Pa - Tam Đường - Lai Châu - Phong Thổ - Điện Biên - Tuần Giáo - Sơn La - Hưng Yên - Lâm Đồng. Chuyến đi kéo dài 16 ngày, tổng 4.600 km. Ngoài phượt bằng ô tô, thầy còn đam mê phượt bằng xe đạp. 5 năm nay sáng nào chú Ngọc cũng đạp 40 km. Tháng 2/2023 chú đạp từ Cà Mau ra Lạng Sơn, vượt 2.500 km trong 24 ngày. |
Phương Huyền