Lần một là đợt trước Tết, xe để không lâu quá do dịch Covid-19, cả nhà lên kế hoạch phượt ra quê (Huế) như mọi năm, rồi dong tiếp ra xứ Bắc, vừa đi chơi vừa đi kiểm tra vài dự án mà em đang và sẽ làm ở xứ Lạng, xứ Thái Nguyên.
Chỉ thế thôi rồi chất hành lý lên xe (sắm cái cốp nóc vì xe đi đường dài, khoang xe ưu tiên người ngồi co giãn chân cẳng cho thoải mái).
Lần hai là tháng 7 vừa rồi, tháng sinh nhật của em mà cũng là dịp bọn trẻ dồn toa ở nhà, đứa lớp 4 lên lớp 5, đứa lớp 8 lên lớp 9 nên sang năm nhốt hết vào chuồng để chuyển cấp. Ông bà nội đám nhỏ ở nhà ngoài Huế thì có đám giỗ bà nội của em kêu ra ăn. Khách hàng thì báo dự án ở Lai Châu chuẩn bị chạy. Thế là lên đường lần hai.
Ảnh từ bài đăng của tác giả |
Hai lần đi phượt, cung đường đi khác nhau một chút, và thành phần "bộ hành đoàn" cũng hơi khác nhau chút. Khoảng cách di chuyển thì tương tự nhau. Chuyến thứ nhất thì 5.450 km trong dịp Tết, cả đi và về chẵn 20 ngày, từ 11h ngày 27/1/2022 đến 15h ngày 15/2/2022. Chuyến hai thì 5.400km, cả đi và về 14 ngày, từ 20h ngày 12/7/2022 đến 20h ngày 26/7/2022.
Cả hai chuyến thì chỉ một mình em cầm lái. Vợ nhất định không học lái. Con trai đầu trong chuyến thứ hai trên đường về (14 tuổi) bắt đầu rất máu lái nhưng chắc từ từ. Chuyến đầu từ Sài Gòn ra Huế xe gồm 5 người trong đó nhà em và một cô bạn của vợ. Ra Huế đi chơi các kiểu xong đi Bắc thì chỉ em và bà xã, trốn cả nhà đi chơi. Đại loại vậy. Con trai tự túc bay vào Sài Gòn đi học khi đến ngày. Khi từ Huế vào Sài Gòn thì ba người gồm bé gái 10 tuổi đi cùng ba mẹ.
Chuyến thứ hai, lúc đi từ Sài Gòn về Huế cũng 5 người (bạn của thằng con trai). Từ Huế đi Bắc thì gồm 6 người gồm cả nhà và ông bà nội. Từ Bắc về thì ông bà nội bay trước, bọn mình ngao du Tây Bắc rồi mới về. Về luôn Sài Gòn.
Tóm tắt:
Chuyến 1 - chuyến xuyên Việt Tết Nhâm Dần:
Hành trình 5.450 km trong vòng 20 ngày (11h sáng ngày 27/1/2022 đến 16h ngày 15/2/2022) với vài số liệu thống kê:
- Đi qua 32 tỉnh thành.
Chặng 1: Sài Gòn, Bình Dương, Bình Phước, Daknong, Daklak - Buôn Mê Thuột - đường tránh Buôn Hồ, Gia Lai - Pleiku, Kontum - Măng Đen, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế.
Chặng 2: Quảng Trị - Đông Hà - Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Quảng Bình - Phong Nha - Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hà Tĩnh, Nghệ An - Vinh - Thị xã Thái Hòa, Thanh Hóa - Nông Cống - Vĩnh Lộc - Kim Tân, Ninh Bình - chùa Bái Đính, Hà Nội - Cao tốc Pháp Vân, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn-Đình Lập - Thất Khê, Cao Bằng - Đông Khê - Thác Bản Giốc, Bắc Kan, Thái Nguyên - Phổ Yên - Hồ Núi Cốc, Hải Phòng, Hà Nội -VLO- Ba Vì-Đường Lâm, Thanh Hóa-Grand Mường Thanh, QL15 thẳng tiến về Huế.
Chặng 3 về lại Sài Gòn, đi qua thêm mấy tỉnh Bình Định-Quy Nhơn, Phú Yên-Tuy Hòa, Khánh Hòa-lướt, Ninh Thuận-Phan Rang-vịnh Vĩnh Hy, Bình Thuận-Aroma resort, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai). Gần một nửa số tỉnh thành cả nước.
Chuyến này chưa đi được tuyến Lai Châu-Điện Biên-Sơn La, nơi có vài VLO đã hẹn mà không đi được. Hà Giang-Mã Pì Lèng thì đã dành lần sau nữa nên không tiếc lần này.
- Vui nhất là những khoảnh khắc gặp những người anh em VLO từ những nơi mình đến. Đến Hà Nội lúc 8h tối, ngay 10 phút sau khi đến Yên Hòa-Cầu Giấy tối mồng 6, một VLO nhá đèn ngay và luôn. Là Admin Ngô Quang Minh ở Hải Phòng, đợi thật kiên trì chỉ để anh em bắt tay nhau có 15 phút, là team anh Nguyễn Quang Hải (Hải Kar) dù chưa khỏe vẫn dành cả buổi tối mồng 9 ở quán Trâu dưới chân cầu Long Biên cùng các VLO khác đợi em phi về từ Hải Phòng trong một chiều mưa và em về trễ.
Vui và được động viên khi dọc hành trình luôn được các anh em VLO trong Nam (VLV) hay rất nhiều anh em VLO ở những nơi đi qua quan tâm, động viên, tư vấn nhiệt tình. Ngay ở Lạng Sơn em được quan tâm ngay khi vừa qua khỏi trạm thu phí vào xứ Lạng, được post ngay "mông".
"Mông" xe VinFast Lux SA 2.0 là một chứng tích của hãng xe tăng mang danh nghĩa ô tô. Lúc ấy là 18h30 chiều 11/2, mưa và bụi che kín camera, đói và không vào ăn ở một quán ăn có cảm giác không ngon trên đường Hồ Chí Minh (QL15) cách Phong Nha 12 km về phía bắc, em lùi xe có nhấn ga, nghe một cái "đùng", xe bật văng trở lại phía trước. Tổng thiệt hại là 11 triệu theo kết quả báo giá sau hành trình, trong đó em chịu 25% (do không chụp ảnh liền tại hiện trường, anh em Pjico du di chấp nhận).
Ngoài ra, xe chỉ một lần bị dính đinh và vá luôn bên đường, còn lại an toàn vận hành. Thật là may mắn!
Chuyến đi này em vẫn cảm thấy sướng nhất là con xe chứng tỏ được rất nhiều điều đáng giá. Quả thực phải đi mới tự mình kiểm chứng được. Trên xe có đủ từ thiếu nhi đến người già.
Bên cạnh đó, hành trình cùng vợ là một trải nghiệm lần đầu tiên. Sau 16 năm cưới nàng, đưa được nàng lên chân (chưa phải đỉnh) thác Bản Giốc như lời hứa ngày đang yêu. Hành trình có kết quả cộng hưởng với các đối tác làm ăn với nhiều thiện cảm cũng như dư âm tốt, hứa hẹn sẽ còn nhiều duyên nợ với đất Bắc của em. Và rồi kết sổ bằng Dự án, hợp đồng kinh tế cho đến nay. Coi như duyên của mình, một thằng người Huế học và sống ở Sài Gòn lẫn Hà Nội với miền Bắc, hóa ra rất bén.
- Chi phí:
Tiền xăng ước tính hơn 10 triệu, em chưa kiểm tra kỹ. Tiền ngủ chừng 10 triệu nữa. Tiền tiêu thì thôi không tính.
Tiền thuế đường khoảng 3 triệu. Tiền phạt quá tốc độ 20 km tại đường tránh Buôn Hồ ngày 28/1 là 7,5 triệu giam bằng 3 tháng, chuyển thành 3,5 triệu cầm tay...
Kết thúc đi bảo hiểm cái mông rất ổn, bù tiền khoảng 4 triệu để có con cốp sau hoàn toàn mới.
Chuyến 2 - chuyến xuyên Việt hè Nhâm Dần:
Chuyến đi này có mục tiêu khác một chút là kiểu "về nguồn", và còn để có dịp ông bà cháu đi chơi cùng nhau, và kéo bọn nhỏ khỏi các màn hình hai tuần. Tất nhiên giống chuyến trước là có kết hợp công việc (ở Đà Nẵng và Lai Châu).
Khả năng và chi phí của xe không còn lạ lẫm nữa, nên em chỉ tập trung vào trải nghiệm và thưởng thức. Kết quả nổi bật là không phải vá lốp nào suốt chặng. Không móp thêm cái cốp nào và nhất là không phải kẹp tiền vào giấy tờ dúi mấy anh được dựng tượng đài nữa. Không bị thẻ phạt nguội nào luôn. Tự nể mình luôn.
Hành trình khoảng 5.400 km trong vòng 14 ngày (20h ngày 12/7/2022 đến 20h ngày 26/7/2022) với vài số liệu thống kê tiếp theo:
Chặng 1: Đi qua nhiều tỉnh thành (không thèm đếm nữa), 8h tối 12/7 từ Sài Gòn, ra Phan Thiết ngủ, hôm sau, 8h sáng ngày 13/7, đánh một lèo về đến Huế theo QL1A lúc 12h bao gồm 1h họp online meeting. Ăn giỗ ở Huế ngày 14/7, vào Đà Nẵng khảo sát một dự án, gặp đối tác rồi về Huế cùng ngày, ăn cưới ở Huế ngày 15/7.
Chặng 2: Sáng 18/7 đi Quảng Trị-Đông Hà-nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc-Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuyên Hà Tĩnh, tối ngủ ở Vinh - Nghệ An. Sáng 19/7 đi tham quan Làng Sen-Nam Đàn, leo hơn 600 bậc thăm mộ mẹ Bác Hồ - Bà Hoàng Thị Loan, leo cũng gần 700 bậc thăm mộ Bà Triệu ở Thanh Hóa, tối ăn tối sum họp cùng nhánh gia đình ở Bỉm Sơn - Thanh Hóa, rồi thẳng tiến Hà Nội trong đêm, ngủ thẳng cẳng.
Chặng 3, ngày 20/7: Đi tham quan thành Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương, thăm Đền Hùng, leo đủ gần 700 bậc thang đến đền Hạ Trung Thượng lẫn đền Giếng cả bà lẫn cháu. Tối về ngủ tiếp.
Chặng 4 ngày 21/7: sinh nhật em, chỉ đơn giản là cả nhà chụp chung tấm hình vì đi cùng nhau mấy hôm rồi. Sau đó đi thăm Lăng Bác, nhà sàn Bác Hồ và vườn - ao cá Bác Hồ, bảo tàng Hồ Chí Minh. Chiều đó đi lên Tuyên Quang, đến an toàn khu - ATK, thăm Thủ Đô gió ngàn - Tân Trào.
Hai cụ nhà em rất ưng, vì cả cuộc đời đi theo cách mạng, lần đầu tiên đến tận nơi diễn ra đại hội Diên Hồng thời hiện đại, thăm đình Tân Trào, mái đình Hồng Thái - cây đa Tân Trào. Bản thân đình Hồng Thái là một tuyệt phẩm kiến trúc, vô cùng độc đáo với chính mình luôn.
Chặng 5 ngày 22/7: đưa ba mẹ ra sân bay Nội Bài, bay vào Huế, ông bà cháu tạm biệt nhau vì tuổi của ông bà không cho phép đi lâu hơn. Còn lại 4 người, cả nhà mình lên Tân Uyên, bằng cao tốc Hà Nội - Lào Cai (dính một mảnh đá nứt kính lái, đang làm bảo hiểm). Đi bằng đường nối vào quốc lộ 279. Đường này rất xấu. Vì thế mà đi qua trọn vẹn em nó, đến đồi chè Tân Uyên không dính xịt lốp là mình qua mừng luôn. Tân Uyên là nơi có một dự án lớn mà em đang theo cùng khách hàng. Chụp choẹt hiện trạng ở điểm cao nhất thị trấn, cảm nhận cái đẹp bao la và lộng lẫy của vùng đồi chè, quá mê luôn.
Đi Sa Pa bằng đường đèo Q6 Quy Hồ. May đi lúc chưa tắt nắng, còn kịp ngắm một phần vẻ đẹp không thể diễn tả của đèo. Sau đó em dừng chân ở một trại nuôi cá tầm/cá hồi dọc đèo. Nước lạnh ngắt. Cá không hiểu sao chết sau khi vừa thả. Nhớ mãi cảm giác ăn cái gọi là "thắng cố dành cho khách du lịch" ở Sapa.
Chặng 6, ngày 23/7: Đi cáp treo Fan xi păng cho tụi nhỏ thỏa ước nguyện. Đúng 16 năm trước, năm 2006 hai vợ chồng đã leo 3 ngày 2 đêm bằng giò, lên đỉnh rồi. Nay tưởng đi cáp treo nhàn, nào ngờ suýt bị chen chúc đè chết ngạt. Kinh! Nhanh hơn thôi chứ sốc có khi còn hơn. Thua là không thể có những trải nghiệm đi rừng hái thảo quả, hay chống gậy (chặt cành cây trên đường đi) đi bộ trên đỉnh những sườn núi bị gió mài phẳng, cỏ cũng ngả rạp về hai bên đỉnh núi như bờm ngựa. Tối đó chỉ có thể ngủ ở Hòa Bình để sáng hôm sau, tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Chặng 7, ngày 24/7: Ở Hòa Bình và sau đó đi đường Hồ Chí Minh về nam. Lần đầu mình tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình là tháng 5/1996 (sinh viên năm thứ ba, đoàn SV96 của trường đại học kiến trúc TP.HCM năm ấy). Tổ máy cuối cùng của nhà máy đã vận hành trước đó 2 năm (1994). Lúc đó, được đi xe ô tô dọc con đập với những đường dốc chéo thân đập, cảm giác là rợn ngợp. Lần này trở lại sau 26 năm, đã đi nhiều nơi, chứng kiến rất nhiều kỳ diệu rồi, vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc bồi hồi, cảm động trước tình cảm hữu nghị không thể so sánh của Liên Xô, của con người Nga (Liên Xô sụp đổ khi nhà máy chỉ mới vận hành tổ máy thứ nhất trong 8 tổ máy, và người Nga sau đó tiếp tục viện trợ chúng ta hoàn thành phần còn lại khi chính họ cũng đang ngập trong khủng hoảng toàn diện mà ta đều biết).
Đến đây thì mọi người cũng biết là chuyến đi không thuần túy du lịch. Em lồng ghép chủ ý giáo dục lòng biết ơn tổ tiên cho chính mình và bọn nhỏ.
Từ Hòa Bình về, bọn em đi lối băng qua rừng Cúc Phương, thăm suối cá thần, lội toàn đường xấu.
Chiều, đến Thành Nhà Hồ, chứng tích thể hiện tài năng vĩ đại của người Việt trong xây dựng. Kẻo sau cháu nó lớn lên chỉ biết có Tàu với Tây mà quên rằng người Việt thực sự là một dân tộc rất vĩ đại. Truyền thông điệp và lòng tin theo cách khó mà dễ nhất: chạm tay vào những khối đá thanh to như chiếc xe ô tô khách, khai thác tạo hình và kéo bằng cách nào từ những rặng núi gần nhất cũng vài chục kilomet bằng phương tiện gì ở thế kỷ 15, ráp khít với nhau hoàn toàn, hoàn thành chỉ trong chưa đầy 1 năm của Hồ Quý Ly.
Tối ghé check-in Lam Kinh. Vì không đủ thời gian nên chắc lần sau ghé lại. Ăn tối ở một quán bên đường. Chủ quán là một cựu chiến binh Vị Xuyên, lính Sư đoàn 312 mà họ gọi là 3-Thanh Hóa. Vì toàn người Thanh Hóa. Có thể nói "Hoan - Ái do tồn thạp vạn binh" là đây. Cảm giác như ăn cơm nhà mình. Ba mẹ mình là bộ đội Cụ Hồ, lên chiến khu Trị Thiên từ 1968. Ngủ đêm ở Vinh lần thứ tư.
Chặng 8, ngày 25/7: Đi dọc dải miền Trung, ghé qua nhà tắm rửa thắp hương cho ông bà nội của mình, ông ngoại của con (nhà vợ cũng Huế, hai vợ chồng hoạc cùng từ lớp 4, chơi với nhau khoảng 36 năm nay trên tổng 46 năm cuộc đời).
Ăn cơm tối xong đúng 8h tối lên đường và ngủ đêm đó ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Hôm sau em check in bãi biển Sa Huỳnh rồi xuôi nam. Tối 26/7 về đến cửa chung cư lúc 8h tối.
Lần này đến tỉnh Lai Châu nhưng chỉ thị trấn Tân Uyên, mong lần sau sẽ đi kỹ hơn. Chuyến đi hoàn toàn gia đình nên em không hẹn hò ai, kể cả bạn học.
Xe em đi chuyến này về, em tự hứa sẽ cùng đi với nó đủ 1.000.000 kilomet (không biết làm nổi hay không). Vì bỏ 5 tháng Covid 2021, thì em đã đi nó được 25 tháng. Đi hết 50.000 km. Trung bình 1 tháng loanh quanh 2.000 km. Cứ cho là 2.000 km đi, thì cần 500 tháng tức 21 năm dùng liên tục.
Trừ cú nứt kính thì hành trình này rất ổn. Đi thoải mái. Có điều đi mùa hè nên nhược điểm của hệ thống điều hoà không mạnh bộc lộ. Bọn nhỏ đòi bật tối đa công suất. Ảnh hưởng đến tiêu hao xăng. Thêm cái cốp nóc nữa, mà trung bình (trên đồng hồ điện tử) báo là tiêu hao 9.7 lít/100 km. Cũng tạm.
Rồi lại tiếp tục vòng quay tiền/tiền/2 tuần phượt để công ty chạy chế độ remote mamagement là mệt rồi.
OFer: Kiên Khùng