Tái chế xe hơi - Ngành công nghiệp tỷ đô 'Bật mí' cách tua công-tơ-mét ô tô trong 10 giây Jaguar Land Rover mở dịch vụ kinh doanh xe đã qua sử dụng |
Thời điểm cuối năm, khi Tết Nguyên Đán cận kề, nhu cầu mua sắm xe càng tăng cao. Với những khách hàng không dồi dào về tài chính, mua ô tô đã qua sử dụng là một lựa chọn đáng chú ý. Tuy nhiên, mức chênh lệch rẻ hơn so với giá xe mới cũng tỉ lệ thuận với khấu hao xe đã sử dụng. Thậm chí, xe càng rẻ, khả năng hỏng hóc các bộ phận càng cao. Dưới đây, Otofun News tổng hợp 7 "căn bệnh" hay gặp nhất từ những chiếc ô tô đã qua sử dụng.
Máy yếu
Thông thường, những chiếc xe đã lăn bánh đến 5-7 năm không tránh khỏi "bệnh" ì động cơ. Khi xem xe cũ, khách hàng cần kiểm tra kỹ phần động cơ. Biểu hiện dễ nhận thấy chính là khi nhấn chân ga, động cơ không "nhạy", hành trình chân ga phải dài hơn so với bình thường. Khi tăng tốc, leo dốc, xe phản ứng chậm chạp, khó khăn hơn.
Máy yếu không những gây khó khăn trong các tình huống xử lý khi tham gia giao thông, còn khiến xe tiêu tốn nhiên liệu. Nguyên nhân là do lọc xăng xe ô tô bị nghẹt. Khi hoạt động, các cặn bẩn của xăng sẽ được giữ lại trên bộ lọc này, sau một thời gian lọc xăng sẽ bị tắc và dẫn tới tình trạng thiếu nhiên liệu. Khi leo dốc, xe cần phải bơm xăng mạnh hơn dẫn đến xe bị "đuối". Do vậy, cần kiểm tra chính xác để báo chủ xe phương án sửa chữa, thay thế hợp lý trước khi quyết định mua xe.
Giảm xóc kém
Rất khó để phát hiện ra lỗi này, nếu người mua xe cũ chỉ lái thử một quãng đường ngắn. Để "bắt bệnh", bạn hãy thử đi qua đoạn đường xấu, khi bộ phận giảm xóc xuống cấp, sẽ cảm nhận được sự giằng xóc rất khó chịu, thậm chí xe sẽ có những tiếng động "lục cục" ở gầm xe. Với trường hợp này, cách đơn giản nhất là thay giảm xóc mới.
Phanh không ăn
Phanh không ăn, độ nhạy kém là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng. Sau một quá trình sử dụng, hệ thống này cũng rất dễ xảy ra những lỗi và hỏng hóc.
Nếu phanh không ăn, độ nhạy kém, nguyên nhân có thể là do đường dầu hoặc khí của hệ thống phanh bị rò rỉ, pis-ton bánh trước bị bó thường ở phanh đĩa, bầu trợ lực hơi và phớt giữa tổng trên bị hỏng, cup-pen phanh bị hỏng, dây phanh tay bị đứt hoặc bị bó, má phanh quá mòn,…
Trong trường hợp này, cần chỉnh lại hành trình bàn đạp phanh, siết chặt lại các đầu khớp nối, thay thế các đệm, xả khí lẫn trong dầu phanh, thay thế bầu trợ lực và phớt giữa tổng trên, thay cup-pen, dây phanh và má phanh mới.
Xe bị giật khi tăng tốc
Tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người lái. Nguyên nhân chính của vấn đề này thường xuất phát từ nhiên liệu cung cấp không đủ (hết xăng) hoặc các nguyên nhân sâu xa hơn như kim phun bẩn và lọc nhiên liệu bị tắc do quá lâu không được bảo dưỡng, vệ sinh. Hiện tượng trên cũng có thể do lỗi cảm biến trên xe gây nên.
Khi bị hiện tượng này, cần đưa xe ra các trung tâm bảo dưỡng uy tín để kỹ thuật viên có thể kiểm tra một cách toàn diện.
Lỗi đèn "cá vàng"
Đèn "cá vàng" hay đèn báo lỗi động cơ - Check engine bật sáng là hiện tượng khá hay gặp trên một số xe đã sử dụng trên 5 năm. Nhiều trường hợp đèn báo lỗi động cơ phát sáng nhưng xe vẫn hoạt động bình thường nên chủ xe không để tâm. Tuy nhiên điều này có thể cảnh báo một (hoặc vài) bộ phận nào đó liên quan đến động cơ đang gặp vấn đề.
Có rất nhiều nguyên nhân với các mức độ khác nhau dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ sáng như: Hỏng dây cao áp, bộ chia điện; hỏng bu-gi; hỏng cảm biến đo gió, cảm biến ô-xy; hỏng van hằng nhiệt; hỏng bộ lọc khí thải,…
Đối với các xe cũ đã sử dụng trên 10 năm, lỗi có thể đến từ bất cứ đâu. Nếu như hỏng hóc đến từ bộ phận cấp điện như dây cao áp, bu-gi thì chiếc xe sẽ có hiện tượng như khó khởi động, máy yếu, bỏ máy, xe rung giật,… Nếu lỗi đến từ các bộ phận khác thì có thể làm cho bộ điều khiển tính toán sai, khiến động cơ làm việc không hiệu quả, tốn nhiên liệu.
Để khắc phục, thợ sửa xe có thể dùng máy đọc để phát hiện chính xác mã lỗi, từ đó có phương án sửa chữa phù hợp.
Nhao lái
Xe sử dụng lâu sẽ gặp trường hợp thước lái bị mòn và gây cảm giác lỏng lẻo ở vô lăng. Hướng xe bị lệch (nhao lái) khi đi với tốc độ cao và khó khăn để giữ nó đi đúng làn đường. Một số dấu hiệu khác là vô lăng khi đánh lái bị trễ, tức là khi đánh vô lăng sang phải hoặc trái nhưng bánh xe vẫn không chuyển hướng ngay, khi đó rất có thể cơ cấu thước lái ô tô đã bị mòn dẫn đến việc trễ vô lăng.
Những hiện tượng trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Lốp mòn không đều, hết dầu trợ lực, các bộ phận lái bị mòn hoặc chiếc xe đã từng bị đâm đụng, va chạm ảnh hưởng đến thước lái.
Để khắc phục, bạn chỉ có cách phải đưa xe đi cân chỉnh lại thước lái ô tô tại những cơ sở uy tín.
Điều hoà kém mát
Thông thường, hệ thống điều hoà sẽ kém sau 5 năm, những lỗi phổ biến là làm mát kém, không lạnh sâu hoặc không còn tác dụng làm mát.
Những vấn đề liên quan đến điều hoà trên ô tô có khá phức tạp và có thể do nhiều nguyên nhân như bụi bẩm bám vào lọc gió hay dàn nóng; thiếu ga, thừa ga, phin lọc ga lâu ngày bị tắc hay nặng nhất là do bộ cảm biến nhiệt và lốc lạnh bị hỏng.
Đối với những chiếc xe đã được sử dụng lâu năm thì có thể do nguyên nhân khác như dây cu-roa dẫn động lốc máy bị chùng hoặc trượt; đường ống bị lão hóa gây rò rỉ, các gioăng bị hở, đứt dây điện.
Hệ thống điều hoà của xe hơi khá phức tạp, do vậy, cần mang chiếc xe của mình đến những gara sửa chữa uy tín đề kiểm tra.
Phương Huyền