Sau thời gian dài nghiên cứu và bị trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau, tháng 6 tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 2 tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa sau khi dự thảo đề án vừa được lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.
Dự án thí điểm mở 2 tuyến buýt đường sông của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thường Nhật đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua từ năm 2010 nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay mới triển khai tiếp. Theo như nội dung đã thống nhất giữa Công ty Thường Nhật và các sở ngành, dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Vận hành). Thời gian khai thác vận hành dự án là 50 năm, sau khi kết thúc nếu nhà đầu tư không được Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục giao khai thác vận hành thì nhà đầu tư phải bàn giao mặt bằng và các công trình xây dựng cơ bản lại cho thành phố.
Tổng chiều dài 2 tuyến vận tải đường thủy hoạt động khoảng 21km. Tuyến số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) dài 10,8 km, lộ trình từ Bến trung tâm Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và lại ra sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông, quận Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới.
Tuyến số 1 sẽ đi trên sông Sài Gòn. |
Tuyến số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) dài 10,3 km, lộ trình từ Bến trung tâm Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (Phường 7, Quận 6). Tổng mức đầu tư của công trình là 124,5 tỷ đồng. Giá vé trong 2 năm đầu là 15 ngàn đồng/vé/người. Sau 2 năm sẽ điều chỉnh tùy vào tình hình thị trường, thành phố sẽ quản lý giá vé bằng hình thức kê khai giá vé.
Khu vực Bến trung tâm Bạch Đằng. |
Tại buổi làm việc giữa chủ đầu tư dự án và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chiều 22/3, dự thảo đề án đã được phê duyệt và trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị phải nghiên cứu điều chỉnh và báo cáo lại Ủy ban nhân dân thành phố.
Đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa cũng cho biết hiện nay phần lớn các bến bãi cũng đã được bàn giao cho nhà đầu tư. Dự kiến, tuyến số 1 sẽ được đưa vào khai thác tháng 6/2017, tuyến còn lại còn một số vướng mắc sẽ được triển khai sau.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ phải vào) cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (ngoài cùng bên phải) trao đổi với lãnh đạo Công ty Thường Nhật chiều 22/3. |
Khi tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa được đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ. Từ việc vận hành 2 tuyến buýt sông này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ sở để đánh giá, đưa ra các phương án phù hợp để thúc đẩy các dự án tiếp theo và cả tính hiệu quả của mô hình BOO.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đang triển khai các dự án nạo vét, khai thông các luồng đường thủy tại Quận 9 để có thể kết nối sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đồng thời sẽ cố gắng tập trung để tuyến buýt sông được đưa vào hoạt động đúng tiến độ. “Một mảng rất quan trọng của Sở Giao thông Vận tải tập trung định hướng là giao thông thủy và hai tuyến buýt thủy đang đảm bảo tiến độ, cố gắng đầu tháng 4/2017 sẽ khởi công, làm thí điểm và đồng thời chuẩn hóa các qui hoạch để triển khai”.
GĐ Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cho biết sẽ cố gắng để tuyến buýt đi vào hoạt động đúng tiến độ. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã khẳng định tuyến buýt sông phải làm qui hoạch chặt chẽ, trên cơ sở qui hoạch đó thực hiện một cách đồng bộ
Ông Phong nói: “Chúng ta phải làm qui hoạch cho chặt chẽ, phải kiên quyết, hết sức đồng bộ, tính toán các trạm đậu buýt đường sông kết hợp với tuyến du lịch đường sông phải gắn với qui hoạch ven sông Sài Gòn như thế nào? Nếu không sau này sẽ chồng chéo, không đồng bộ”.
Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống sông ngòi chằng chịt với 112 tuyến sông, kênh, rạch có tổng chiều dài gần 1000 km, trong đó tuyến đường thủy nội địa dài 574,1 km nhưng chưa được tận dụng hiệu quả. Vì thế việc xây dựng các tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa ngoài việc giảm áp lực cho giao thông đường bộ còn tạo bước đột phá trong khai thác giao thông thủy, thúc đẩy phát triển du lịch ven sông trong thời gian tới.