Khi được hỏi về nhận định của Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Xúc tiến thương mại) về việc Uber và Grab liên tục khuyến mại gây mất bình đẳng trong cạnh tranh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm.
Bộ Công Thương khẳng định rất quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. |
"Các doanh nghiệp có thể có nhiều khuyến mại nhưng vẫn phải đăng ký và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật", ông Hải nói.
Người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sự ra đời của Uber và Grab đã đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, về giá cả và về chất lượng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, bất kỳ loại hình kinh doanh nào, doanh nghiệp nào khi thực hiện ở Việt Nam đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
"Về phía Bộ Công Thương, Bộ rất quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng của hai loại hình kinh doanh này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng giám sát hai loại hình này ở hai lĩnh vực mà Ngành quản lý", Thứ trưởng Hải cho biết.
Trước đó, cuối tháng 5/2017 Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi Việt Nam đã có công văn gửi Cục Xúc tiến thương mại, khiếu nại việc Uber và Grab vi phạm Luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra chương trình giảm giá, khuyến mại.
Các Hiệp hội này cũng đưa ra hàng loạt ví dụ cho thấy Grab vi phạm quy định tổng thời gian giảm giá trong một năm không vượt quá 90 ngày, vi phạm quy định thời gian tối đa cho một chương trình giảm giá là 45 ngày, cũng như vi phạm quy định tổng giá trị hàng hoá dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng dùng để khuyến mại...
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử diễn ra tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho rằng, Uber và Grab sử dụng chiêu thức khuyến mãi, giảm giá tức là sử dụng tiền để “mua” khách hàng, điều này vi phạm quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Long - Hiệp hội taxi Hà Nội - đề cập tới hợp đồng điện tử với bất cập khi “khuyết” số lượng và danh sách hành khách, trong khi đó số lượng xe hợp đồng gia tăng quá nhanh và không kiểm soát được. Cụ thể, tổng số phương tiện tham gia thí điểm theo thống kê của Bộ GTVT là hơn 13.500 xe, nhưng thống kê của riêng TP HCM đã là hơn 21.800 xe, tổng số phương tiện của Uber và Grap trên thị trường hiện là hơn 40.000 xe.
Về công tác quản lý thuế, ông Long cho rằng khi không nắm được số lượng phương tiện tham gia thì thất thoát thuế là đương nhiên. Vị này tính toán, doanh thu bình quân 30 triệu/xe/tháng thì 40.000 xe sẽ là 1.200 tỷ đồng/tháng, số tiền thuế phải nộp là 54 tỷ đồng/tháng, vậy cơ quan thuế đã thu được bao nhiêu? Đáng nói, năm 2014 - 2015, Uber không nộp thuế.
“Với nguồn tiền rất lớn, Grap, Uber đã tung ra các chiêu khuyến mãi tiến tới độc quyền, thao túng thị trường kinh doanh vận tải xe taxi tại Việt Nam” - ông Long bày tỏ lo ngại.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế của VCCI, sở dĩ các doanh nghiệp taxi truyền thống không cạnh tranh được với Uber, Grab còn vì các doanh nghiệp này đang phải chịu gánh nặng chi phí đầu tư vào thủ tục hành chính gây tốn kém, chứ không hẳn là do lỗi của Uber hay Grab.
Có chung quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để phán xét Uber hay Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không thì cần các chuyên gia phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, bởi vấn đề này đang nằm giữa ranh giới có hay không bảo đảm tính cạnh tranh.
"Nếu thực sự Uber và Grab làm khuyến mại liên tục khiến phá giá thị trường thì phán xét về chuyên môn là vi phạm, nhưng ở mức nào thì cần phân tích kỹ. Chúng ta không thể gạt được họ ra khỏi thị trường, có chăng chỉ hạn chế được hành vi khuyến mại của họ", ông Tuấn nói.