Chính quyền các nước Châu Âu – vốn là nhóm ủng hộ động cơ máy dầu suốt bấy lâu - hiện lại đang quay lưng với chọn lựa này. Cách đây hai tháng, thủ tướng Pháp Manuel Valls thừa nhận việc chính phủ ông tạo nhiều điều kiện ưu tiên cho động cơ diesel là một sai lầm. Ngay sau đó, hàng loạt các nước Châu Âu lập tức đưa ra những công bố tương tự. Tiêu biểu là chính quyền Anh Quốc cũng gọi việc đánh thuế ôtô của nước họ dựa trên mức khí thải CO2 là một quyết định thiếu đúng đắn về mọi mặt, vì điều này vô tình khuyến khích người tiêu dùng đổ xô đi mua xe động cơ dầu. Từ 2011, các tổ chức về môi trường đã lên tiếng rằng những số liệu về khí thải do các hãng sản xuất công bố ngày càng phản ánh thiếu chính xác thực tế khi xe lưu thông trên đường.
Các nước Châu Âu đang xem việc cổ xúy cho động cơ diesel là một quyết định sai lầm .
EU đang dần hướng sự ưu tiên của mình sang những phương pháp thử nghiệm mới, không tập trung vào lượng khí thải sản sinh ra mà vào việc quá trình thử sẽ diễn ra như thế nào. Cụ thể hơn, Liên Minh Châu Âu sẽ bắt buộc các hãng phải thử nghiệm thực tế trong quá trình xe chạy (Real Driving Emissions) thay cho phương pháp truyền thống trong phòng thí nghiệm vốn đã hơn 25 năm tuổi.
Một khi được đưa vào ứng dụng, phương pháp thử mới sẽ cho kết quả gần với thực tế hơn
Mặc dù dầu diesel khi đốt thải ra ít CO2 hơn xăng, nhưng nó lại sinh ra lượng Nitơ Ôxít cao gấp bốn lần và lượng bụi bồ hóng gấp 22 lần. Cả hai loại chất thải này đều gây hại cho phổi và mạch máu, tăng khả năng dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Một nghiên cứu mới vừa được công bố bởi Hội Đồng Quốc Tế Về Vận Tải Sạch (ICCT) cho thấy, trong thực tế sử dụng, động cơ máy dầu không hề thân thiện với môi trường như lời các hãng sản xuất, chí ít là về lượng khí Nitơ Ôxít thải ra.
Động cơ diesel không sạch như chúng ta nghĩ
Diesel sinh ra lượng bồ hóng cao gấp 22 lần xăng
Để có thể đi đến kết quả này, công trình nghiên cứu đã từ bỏ hoàn toàn những phương pháp thử truyền thống. Các phương pháp trong phòng thí nghiệm là cách lý tưởng để đưa ra con số thông kê đồng bộ, tuy nhiên kết quả thực tế khi sử dụng lại hoàn toàn khác xa.ICCT tiến hành với các hệ thống đo khí thải lưu động (Portable emissions measurement systems - PEMS) để đánh giá lại các dòng xe hiện nay. Các trang thiết bị này cung cấp dữ liệu thời gian thực bao gồm tốc độ, gia tốc, các loại hóa chất thải ra và thậm chí là điều kiện đường xá. Tổng kết chương trình, các nhà nghiên cứu đã đo đạc kỹ lưỡng 15 mẫu xe máy dầu trên quãng đường hơn 6400km; trong đó 12 xe đang lưu hành ở Châu Âu và 3 ở Mỹ. Các số liệu thu thập được giúp chứng minh cho những thiếu sót trong phương pháp đo khí thải hiện tại. Tất cả xe đều có lượng Nitơ Ôxít thải ra cao gấp bảy lần chuẩn Euro 6 (80g/km) trong điều kiện lái bình thường.
Hệ thống PEMS dùng để đo lượng khí thải thực tế khi xe lưu thông trên đường
Sở dĩ có được những số liệu này là vì khi thử nghiệm thực tế trên đường, xe không bị bắt buộc phải tuân theo những quy tắc, điều kiện vận hành vốn chỉ áp dụng trong phòng thí nghiệm. Bản thân Hội đồng chung Châu Âu cũng phát hiện ra rằng, các hãng xe đã vượt qua bài test khí thải bằng phần mềm lập trình, cho xe chạy trong chế độ “low-emission” trên máy thử. Tuy vậy, khả năng giảm thiểu khí thải ở động cơ diesel cũng không hoàn toàn vô tác dụng. Trong khi lượng Nitơ Ôxít cao hơn mức cho phép thì lượng carbon monoxít cũng như hydrocarbon đều không vượt quá chuẩn Euro 6.
Kiểu thử nghiệm truyền thống trong phòng thí nghiệm sẽ sớm bị EU khai tử
Trong thời gian tới, toàn bộ khối EU sẽ áp dụng một phương pháp thử nghiệm khí thải mới thực tế hơn, được phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu từ ICCT. Đây là một lời cảnh báo các hãng ôtô phải nhanh chóng cải thiện động cơ của mình từ bây giờ. Hội động tin rằng phương pháp mà các hãng hiện đang áp dụng nhiều khả năng sẽ không thể tiếp tục duy trì một khi các hệ thống PEMS được đưa ra EU chính thức sử dụng vào năm 2017.
EU sẽ triển khai quy trình mới vào năm 2017, ứng dụng các thiết bị đo lưu động
Về phần mình, Liên Đoàn Các Hãng Sản Xuất Ôtô Châu Âu (ACEA) cũng như Hiệp Hội Sản Xuất và Kinh Doanh Ôtô (SMMT) của Anhđang tranh cãi gay gắt về phương diện công nghệ, quy trình thử nghiệm cũng như khung thời gian mà EU đặt ra. ACEA đã trình một bản đề nghị cho phương pháp thử mới tuy nhiên lịch trình kéo dài quá lâu và đã không được chấp thuận. EU muốn đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm nay và đưa quy trình thử mới vào áp dụng cho 2017. Cả ACEA lẫn SMMT đều “kêu trời” bởi chi phí không nhỏ để tái thiết kế các dòng xe đang lưu hành để đủ khả năng vượt qua một bài thử nghiệm thậm chí còn chưa được hoàn thiện. Tuy vậy, lịch trình thay đổi vào 2017 của Liên Minh Châu Âu có vẻ sẽ không thay đổi.