Ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó, đáng chú nhất là nội dung bắt buộc học lái ô tô trên cabin mô phỏng áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Từ 1/1/2023, học viên bắt buộc phải học lái ô tô trên cabin mô phỏng |
Học viên sẽ phải có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình đồi núi, cao tốc. Đồng thời vẫn phải đảm bảo số km thực hành trên sân tập và trên đường, học viên mới được thi sát hạch lái xe. Tức thời gian thực hành học lấy bằng lái không chỉ tăng thêm mà còn khó nhằn hơn.
Chưa kể, với việc áp dụng bắt buộc học lái xe trên ca bin ảo thì chi phí học lái tăng lên là điều không tránh khỏi. Bởi các trung tâm dạy lái xe sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị hiện đại khác.
Từ ngày 1/8, tất cả tuyến cao tốc trên toàn quốc đã triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Cho tới thời điểm hiện tại, việc thực hiện thu phí không dừng có thể tạm đánh giá đã thành công.
Dự án thu phí không dừng đã trải qua một quãng thời gian dài triển khai với không ít khó khăn, vướng mắc. Có thời điểm, tiến độ dự án gần như giậm chân tại chỗ và thậm chí từng quan ngại về viễn cảnh sẽ phải hủy bỏ. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm thay đổi của Bộ GTVT và sự thành công trong việc thí điểm tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/6/2022, dự án thu phí không dừng ETC đã được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc.
Triển khai thu phí không dừng ETC |
Sau khi áo dụng thu phí không dừng ETC, rất nhiều hạn chế của hình thức thu phí thủ công đã bị loại bỏ như: tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế trong việc kiểm soát doanh thu, tăng chi phí xã hội, chưa thuận tiện cho người tham gia giao thông khi qua trạm thu phí. Góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ.
Chiều 28/12, tại họp báo về tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ ngày 1/1/2023, đồng loạt 12 gói thầu tại 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ chính thức được khởi công.
Để có thể khởi công các gói thầu của giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT chỉ có khoảng 1 tháng cho công tác chuẩn bị. Được biết, 12 gói thầu khởi công đầu tiên của giai đoạn 2 có tổng chiều dài 331 km. Dự kiến đến ngày khởi công, sẽ có khoảng 75% mặt bằng được các địa phương bàn giao.
Chuẩn bị 12 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 |
Theo đại diện Bộ GTVT, 13 gói tiếp theo cũng đã được Bộ chỉ đạo các mốc công việc cụ thể; dự kiến sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu trước ngày 10/1/2023, đảm bảo có tổng cộng 25 gói thầu sẽ được khởi công trước Tết Nguyên đán.
Giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Với một khối lượng vốn cần giải ngân lớn như vậy, việc quyết tâm bám sát tiến độ là điều vô cùng quan trọng.
Sáng 21/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc đấu giá biển số đẹp vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết được xây dựng với một số quy định riêng để áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ôtô trong thời gian 3 năm. Theo dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá được quyền đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe.
Biển số đẹp được đấu giá khởi điểm từ 40 triệu tại Hà Nội |
Với người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe sẽ không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.
Thời điểm cuối năm 2022, người dùng xe mới, cũ tại Việt Nam trải qua một trong những giai đoạn đi đăng kiểm ô tô nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Sau khi cơ quan công an TP. HCM điều tra sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm phía Nam và tạm giam nhiều Giám đốc, hoạt động đăng kiểm ở những nơi còn lại cũng bị siết chặt.
Sau đó không lâu, tình trạng này tiếp tục tái diễn tại Hà Nội khi có 11 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động. Trong đó có 10 trung tâm tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, 1 trung tâm tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được quy định phòng cháy, chữa cháy. Ngoài Hà Nội, các tỉnh miền Bắc có các trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra gồm Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Sau khi hàng loạt trung tâm trên toàn quốc bị “tuýt còi”, quy trình đăng kiểm trở nên khắt khe, thậm chí cứng nhắc ở một số hạng mục khiến nhiều ô tô trượt đăng kiểm dù cũng xe đó, lỗi đó ở các năm trước lại qua. Vì thế, các chủ xe có xe lắp phụ kiện hay độ thêm, tất bật đưa xe đến các garage để về nguyên bản, sau đó mới đi đăng kiểm. Với những chủ xe không còn đồ "zin", họ phải đi thuê ở các garage với giá hàng triệu đồng/ngày.
Quy trình đăng kiểm trở nên khắt khe dịp cuối năm 2022. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, do số lượng trạm đăng kiểm còn hoạt động khá ít, lại đúng vào thời điểm sắp đến Tết Nguyên Đán nên các trung tâm này đang bị rơi vào tình trạng quá tải do có quá nhiều tài xế đến đăng kiểm. Tại khu vực trước cổng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V (đường Cầu Giấy, Hà Nội), ngay từ 6h sáng đã có khoảng 300 chiếc xe ô tô xếp thành 2 hàng dài chờ tới lượt vào đăng kiểm. Các tài xế phải chờ đợi xuyên đêm, thậm chí phải vòng đi vòng lại suốt nhiều ngày liên tục vẫn chưa tới lượt đăng kiểm.
Hệ quả khiến những người sở hữu xe bị ảnh hưởng, các đại lý cũng phải lùi lịch giao xe cho khách vì đăng kiểm xe tốn thêm thời gian so với trước. Tình trạng quá tải diễn ra ở nhiều trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, TP HCM. Không ít chủ xe, người đi đăng kiểm chờ cả ngày mới đến lượt, có trường hợp được hẹn quay lại kiểm định sau nửa tháng.
Nhiếu ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng ùn ứ xe tại các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần sớm có giải pháp để việc phục vụ nhu cầu của người dân được nhanh hơn. Mới đây nhất Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã trình Bộ GTVT đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu trong một năm đối với ô tô mua mới. Về lâu dài, sẽ nghiên cứu miễn đăng kiểm lần đầu 3 - 5 năm cho ô tô mua mới để tương ứng với thời gian bảo hành của nhà sản xuất. Việc này đã được một số quốc gia thực hiện từ lâu.
Hiện nay, sử dụng xe điện là xu thế mới hình thành và sớm phát triển trong tương lai 3-5 năm tới tại Việt Nam. Trong đó, vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất là trạm sạc dành cho xe. Trong một nỗ lực gia tăng số trạm sạc, các nhà sản xuất không chỉ lắp đặt tại các trung tâm thương mại hay các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ, cao tốc. Gần đây, nhiều bãi để xe ở các khu chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM được tiến hành lắp đặt trụ sạc xe điện.
Những người sử dụng xe điện cảm thấy rất vui khi có được một chỗ sạc điện xe thuận tiện, gần nhà. Chưa hết, một số tòa nhà cho thuê văn phòng cũng được trang bị trạm sạc điện, điều này giúp cho người dùng không còn lo lắng khi sử dụng để đi lại hàng ngày.
Các trụ sạc xe điện khiến cư dân chung cư bức xúc vì chiếm quá nhiều diện tích trong khu vực để xe. |
Ngược lại, những người sử dụng xe xăng truyền thống lại phản đối. Lý đo đầu tiên là họ phải nhường chỗ cho những chiếc xe điện vốn rất ít trên thị trường, khi đó chỗ đỗ để trống là lãng phí mà xe xăng thì không có chỗ đỗ. Nhiều nhóm cư dân cho rằng ban quản lý tòa nhà nên thông báo tỷ lệ chỗ đỗ bị chuyển thành trạm sạc là bao nhiêu. Con số mà nhiều người mong muốn chỉ là 5-10% số lượng chỗ đỗ xe. Nhiều người thậm chí còn lo lắng các trạm sạc sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống điện của tòa nhà, nặng hơn còn lo ngại về nguy cơ cháy nổ.
Từ ngày 1/1/2022, Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đã được nâng lên thành 75 triệu đồng. Trước đó, mức phạt tiền cao nhất áp dụng cho hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực giao thông là 40 triệu đồng.
Cụ thể, Nghị định 123/2021 đã tăng gấp đôi mức phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm với người điều khiển xe mô tô, xe máy so với mức cũ. Từ năm 2022, mức phạt này đã tăng lên mức 400.000 - 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, mức phạt với hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, biển số gắn không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển tăng gấp 6 lần so với mức cũ. Điều này có nghĩa là mức phạt sau sửa đổi sẽ tăng lên mức 4-6 triệu đồng thay vì 800.000-1.000.000 đồng như trước thời điểm 1/1/2022, áp dụng cho cả xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc.
Mức phạt với hành vi vi phạm giao thông tăng lên từ đầu năm 2022. |
Giải thích cho sự thay đổi này, ông Lê Văn Thanh, đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết việc bổ sung, tăng nặng một số mức phạt để khắc phục các bất cập, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tăng mức răn đe đối với các hành vi gây bức xúc trong dư luận.
Trong khảo sát tại group Otofun – cộng đồng ô tô, xe máy lớn nhất Việt Nam, việc áp dụng tăng mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm giao thông trở thành sự kiện có ảnh hưởng nhất đến người tham gia giao thông trên cả nước, với lượng bình chọn cao nhất lên tới 52%. Điều này thể hiện những tác động mạnh mẽ của việc siết chặt quản lý trật tự an toàn giao thông từ 1/1/2022 đến những người tham gia giao thông trên cả nước.
Nhóm phóng viên Otofun News