Dù đã có những quy định mới trong việc đăng kiểm, nhưng tình trạng xếp hàng chờ đợi ở các trung tâm đăng kiểm vẫn chưa chấm dứt. Bên cạnh đó, còn có những hạng mục cần lưu ý trước khi đi đăng kiểm, để tránh bị đăng kiểm viên hiện nay đánh trượt, dẫn đến mất thời gian, công sức.
OFer Trần Triệu Minh (nick Conchuonchuon) đã giúp đăng kiểm thành công nhiều xe trong thời gian vừa rồi chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của mình cho các chủ xe.
Trước khi đi đăng kiểm ô tô, chủ xe cần lưu ý nhiều hạng mục. |
1. Khí thải
Đối với các xe máy dầu đã qua sử dụng từ ba năm trở lên, trước khi đăng kiểm cần kiểm tra, bảo dưỡng vệ sinh hệ thống cổ hút, van EGR, buồng đốt, kim phun, ống xả..... và các hệ thống liên quan khác. Đối với ô tô sử dụng nhiên liệu xăng A92-A95 cần chú ý đến các chi tiết như: bu-gi, kim phun, các hệ thống lọc nhiên liệu, buồng đốt...
2. Hệ thống đèn
Đèn chiếu sáng phía trước:
- Được phép thay thế và lắp đặt bóng đèn (led, xenon, halogen) nhưng phải đảm bảo đúng kích thước (theo chân cắm) từ nhà sản xuất ban đầu. Một số dòng xe có đèn chiếu xa (pha), chiếu cần (cốt) độc lập, có đèn cốt là thấu kính chỉ được phép độ bi-led, bi-xenon có thấu kính vào đúng vị trí có sẵn và phải đảm bảo cường độ ánh sáng, độ chụm, cao thấp đúng tiêu chuẩn.
- Các xe có tuổi đời trên 10 năm nên chú ý đến mặt đèn bằng nhựa (mica) đảm bảo độ trong suốt, không ố vàng, nứt, vỡ. Chóa phản xạ không được xỉn màu, bong tróc để tránh làm giảm cường độ ánh sáng của đèn.
Các loại đèn khác:
+ Đèn xi-nhan, đèn phanh, đèn nội thất phải đảm bảo các bóng đèn phải sáng đồng đều cả hai bên.
+ Riêng đèn lùi tùy phiên bản một đèn hay hai đèn nhưng cũng phải đảm bảo sáng đủ.
Chú ý: tất cả các loại đèn lắp thêm không đúng vị trí bắt buộc phải tháo dù là giấu bên trong hay ngoài, dù sáng hay không sáng.
3. Mâm lốp
Lốp không được mòn và phải đảm bảo lắp đúng thông số mâm và lốp đồng bộ nhau được ghi trong đăng kiểm cũ hoặc theo nhà sản xuất ghi trên cánh cửa.
4. Hệ thống gầm
Chủ xe cần đảm bảo các rô-tuyn như rô-tuyn lái, rô-tuyn trụ đứng... không giơ, lắc, các vị trí cao su càng chữ A không được nứt, vỡ. Bên cạnh đó, chủ xe cần phải kiểm tra, bảo dưỡng thật cẩn thận. Phanh không được mòn, bám không đều và phanh tay phải đạt hiệu năng cao.
5. Giấy tờ và thủ tục liên quan
Về cơ bản sẽ cần có hai loại giấy tờ chính là giấy đăng ký xe (bản gốc) và giấy chứng nhận kiểm định (gần nhất). Trường hợp phương tiện thế chấp ngân hàng và được ngân hàng bảo lãnh thì bắt buộc phải có giấy thế chấp có dấu đỏ ngân hàng còn hiệu lực. Giấy này thường được cấp 6 tháng/lần.
Trường hợp xe bị phạt nguội, chủ phương tiện bắt buộc phải hoàn tất thủ tục nộp phạt hành chính trước khi mang xe đi kiểm định.
Vì cổng dữ liệu Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ và Cục Đăng kiểm Việt Nam không liên thông nhau, nên sau khi hoàn thất thủ tục nộp phạt hành chính cần phải có thêm giấy đề nghị từ Cục Cảnh sát sang Cục Đăng kiểm thì xe mới đủ điều kiện đăng kiểm. Nếu xe đến ngày kiểm định mà chưa hoàn tất thủ tục thì chỉ được phép đăng ký tạm 15 ngày và tính phí đường bộ 15 ngày.
6. Nội thất
Về nội thất, khi đi đăng kiểm ô tô, chủ xe cần lưu ý:
- Tất cả các hàng ghế trong xe đều phải được lắp đầy đủ theo như đăng ký ban đầu.
- Các vị trí ghế ngồi phải được gắn đầy đủ dây an toàn 3 điểm còn hoạt động tốt.
- Mọi thiết bị gắn thêm như cam hành trình hay màn hình phụ không bị ảnh hưởng.
OFer: Trần Triệu Minh (Conchuonchuon)