Chuyển biến, nhưng chưa bền vững
Theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội tại các quận và thị xã Sơn Tây, sau hơn hai tháng thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ngày 3/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết các vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC) lòng đường hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố... đã có nhiều chuyển biến. Các quận, thị xã đã sắp xếp nhiều điểm trông giữ phương tiện tạm thời trên hè phố, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý nhằm bảo đảm TTATGT, trật tự hè phố, nhất là tại các khu vực công sở, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại... Tình trạng vi phạm trong sử dụng vỉa hè, lòng đường sai mục đích tại các tuyến phố chính cơ bản được khắc phục; việc tháo dỡ mái che, mái vẩy lấn chiếm diện tích vỉa hè nhận được sự đồng thuận của đa số người dân; đường đã thông hơn, hè đã thoáng hơn.
Dù có chuyển biến, nhưng Ban Đô thị HĐND thành phố cũng chỉ ra nhiều hạn chế. Đó là việc phân định ranh giới để phương tiện xe đạp, xe máy ở nhiều tuyến phố, chiều rộng còn lại dành cho người đi bộ nhỏ hơn quy định tối thiểu (1,5m). Chưa kể, phần dành cho người đi bộ còn nhiều chướng ngại vật như cây xanh, cột điện... Một số khu vực được cấp phép trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường không có biển công khai thông tin hoặc sử dụng quá diện tích cấp phép gây ảnh hưởng đến phương án tổ chức giao thông, làm gia tăng ùn tắc giao thông tại một số khu vực. Cũng do sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng nên vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh dịch vụ; nhiều phương tiện xe đạp, xe máy dừng đỗ, để trên vỉa hè thuộc phần dành cho người đi bộ, nhất là vào cuối buổi sáng, buổi chiều và buổi tối…
Bên cạnh đó, cử tri Dương Thị Hằng (phường La Khê, quận Hà Đông) phản ánh, việc một số phường phá dỡ bậc tam cấp chưa khoa học và cứng nhắc, gây khó khăn trong sinh hoạt của các hộ dân. Từ thực tiễn triển khai thời gian qua, cử tri Đỗ Văn Tuy (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cho rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường sau đợt cao điểm đang có dấu hiệu chùng xuống, một số nơi xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm...
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các phương tiện đã được sắp xếp gọn gàng, đúng quy định trên tuyến phố Tuệ Tĩnh (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Bùi Tuấn. |
Tăng tính tự quản
Về những hạn chế nêu trên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phân tích, ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện hạ tầng giao thông hiện chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu thực tế, còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là, một số đơn vị chưa làm tốt công tác điều tra cơ bản, chưa thực hiện đúng trình tự các bước: Tuyên truyền, vận động, giao thời gian thực hiện; thông báo nhắc nhở sai phạm, cho thời gian khắc phục; tổ chức kiểm tra, giải quyết, duy trì để không tái vi phạm. Đặc biệt, một số cơ sở mới tập trung giải quyết, xử lý vi phạm trong giờ hành chính, chưa coi trọng giải quyết vi phạm về ban đêm, trong khi một số hộ kinh doanh vẫn cố tình vi phạm.
Kiên quyết không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, tại phiên họp tập thể UBND thành phố mới đây, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ngành phải đi đầu trong việc nghiêm túc thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, TTĐT; bố trí cán bộ, nhân viên điều hành nhắc nhở, xếp xe ra vào cổng cơ quan, tránh tình trạng đỗ xe sai quy định. Cùng với đó, UBND thành phố giao các quận, huyện, thị xã rà soát địa điểm để bố trí, sắp xếp phương tiện, đồng thời tăng cường lực lượng tự quản, hỗ trợ lực lượng công an duy trì TTĐT lâu dài.
Trước mắt, cùng với giải pháp tăng cường lực lượng duy trì chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố xem xét, bố trí các điểm trông giữ ô tô có thu phí theo hàng dọc trên lòng đường (sát mép hè) ở 87 tuyến phố có đủ điều kiện (cho phép đỗ hai chiều đường ở tuyến phố hai chiều có mặt cắt ngang đường từ 14m trở lên và đỗ xe một chiều đường trên các tuyến phố có mặt cắt ngang từ 7,5m đến dưới 14m). Ngoài ra, UBND thành phố cũng chỉ đạo giảm phương tiện xích lô du lịch tại khu vực quận Hoàn Kiếm, chỉ cho phép 50 xe hoạt động để giữ nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.
Cùng những giải pháp của thành phố, điều quan trọng mỗi tổ dân phố tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao tính tự quản bằng cách thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Có như vậy, mới duy trì được kết quả bền vững.