Khái niệm pit bike bắt nguồn từ những năm 1960 ở Mỹ, khi mà những giải đua môtô địa hình (motor cross) là món giải trí ưa thích của người dân nơi đây. Pit bike thường được sử dụng trong những tiết mục phụ, mở màn cho giải đua chính. Honda là nhà sản xuất đã được xem là đã khai sinh ra dòng xe địa hình mini này bằng chiếc Z50.

Honda Z50 và những ngày đầu của pit bike
Khởi đầu, những chiếc Honda Z50 được sử dụng để biểu diễn trong khu vực “pit” trên những đường đua địa hình. Lợi thế của dòng xe này là chúng khá nhỏ gọn, dễ xoay trở kể cả ở những góc cua hẹp. Chiếc Z50 du nhập vào thị trường Mỹ vào năm 1968 và nhanh chóng được đón nhận tại đây, tạo nên một phong trào chơi pit bike trong giới trẻ Mỹ những năm sau đó. Nối tiếp Z50, Honda trình làng mẫu scooter NQ50 Spree, và suốt thậm niên 80, đây là mẫu pit bike chuẩn được ưa chuộng nhất ở các giải đua. Spree sử dụng động cơ hai thì, có đề, thiết kế đặc biệt nhỏ gọn và linh hoạt; tuy nhiên, chịu chung số phận với những xe hai thì khác vào thời điểm bấy giờ (ô nhiễm, tiếng ồn,…), Spree dần bị lãng quên.

Từng một thời huy hoàng nhưng NQ50 Spree nhanh chóng bị quên lãng
Đỉnh điểm của phong trào pit bike là giai đoạn nửa sau những năm 90 khi nhóm Crusty Demons xuất hiện. Thành lập bởi những tay đua motocross chuyên nghiệp với nhiều quốc tịch khác nhau; Crusty Demons gây được tiếng vang lớn khi tung ra bộ phim Crusty Demons of Dirt, tổng hợp những cảnh hậu kỳ, đời sống của các tay đua, và những pha stunt mạo hiểm. Bộ phim có những pha biểu diễn sử dụng Honda Z50 và phóng qua những chướng ngại vật quanh sân nhà của các thành viên trong nhóm. Kể từ đó, giới mê xe ở Mỹ nhận ra tiềm năng của những chiếc xe mini này – chúng có thể làm được nhiều trò hơn là chỉ chạy quanh khu vực phía sau đường đua.

Crusty Demons và những pha mạo hiểm
Khi người dân bắt đầu nắm bắt xu hướng pit bike, Honda nhanh chóng thay thế Z50 bằng XR50/CRF50 với thiết kế gần như mới hoàn toàn. Toàn bộ dàn khung và vẻ ngoài của xe được thay đổi, sử dụng bình xăng bằng nhựa, phuộc monoshock, kiểu dáng yên mới… Hầu như bất kỳ tay motocross nào cũng đều khởi đầu từ chiếc XR50. Thiết kế ban đầu của những chiếc pit bike chỉ phù hợp với người nhỏ con, do đó dân mê xe phải chỉnh sửa, thay thế nhiều bộ phận phuộc lớn hơn, tay lái và yên cao hơn để tương thích với mình. Ngày càng có nhiều người đến với pit bike và bắt đầu độ chiếc xe của mình, từ đó, những chiếc mini này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Kết quả là hàng loạt những giải đua dành riêng cho pit bike bắt đầu rộ lên.

Từ những tiết mục phụ, pit bike đã có riêng cho mình những giải đua chuyên nghiệp
Đầu năm 2000, khi Crusty Demons giới thiệu Crusty Demons of Dirt 3thì ở trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu xuất hiện những giải đua dành riêng cho pit bike, đặc biệt là ở miền Nam tiểu bang California. Những giải đua này thu hút khá nhiều sự tham gia của các tay đua nghiệp dư trẻ tuổi với tham vọng đặt chân vào môi trường motocross chuyên nghiệp. Sở dĩ như vậy là do những chiếc pit bike có giá hợp lý, ít tốn kém chi phí bảo dưỡng hơn một chiếc motocross đúng nghĩa. Pit bike có chiều dài cơ sở ngắn, trọng tâm thấp và hiệu năng không cao nên các tay đua mới dễ điều hơn, hạn chế tai nạn và chấn thương.

Những tay đua “chập chững” vào nghề
Thế hệ sau của pit bike dần tiến hóa, bắt đầu mang dáng của những chiếc supermoto thu nhỏ, nhưng vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng ban đầu: nhỏ, nhẹ, linh hoạt và cực kỳ fun-to-ride. Những chiếc pit bike ngày nay có khả năng thích ứng tốt hơn, phù hợp cho những người lái có thể hình khác nhau nhờ vào tay lái và rộng hơn, đồng thời chiều dài cơ sở của xe cũng lớn hơn đáng kể. Mẫu Honda Grom (tên gọi khác là MSX125), ra mắt vào năm 2013 có thể được xem là hậu duệ của những chiếc pit bike nhiều thập niên trước.

Honda XR50...

…cho đến MSX125
Đến năm 2014 thì MSX125 mới đến thị trường Mỹ, và việc đầu tiên người Mỹ làm là… đem nó ra đường đua. Thậm chí là ở Texas, người ta có hẳn một giải đua mini với tên gọi Texas Mini Grand Prix, với hơn hai hạng xe từ 50cc hai thì cho đến 150cc bốn thì. Và MSX125 là một phần của hoạt động thú vị này. Chiếc MSX124 với bánh 12 inch, chiều cao yên 30 inch và khi đổ đầy bình xăng cũng chỉ nặng hơi nhỉnh hơn 100kg, xoay sở cực kỳ tốt trên mọi địa hình. Các tay đua tranh hạng nhau trên những con đường nhựa cho đến đường đất nện, vượt qua những chướng ngại vật như ụ đất, hố bùn để có thể về đích trong thời gian nhanh nhất trong khi hạn chế tối đa việc té, ngã. Những gì MSX125 thể hiện trên đường đua Texas Mini GP chỉ có thể nói là vô cùng sôi động.


Texas Mini Grand Prix không hề thua kém về mức độ sôi động
Vậy trước khi đến Mỹ thì chiếc Grom làm gì ở quê nhà Nhật Bản? Ở xứ sở xe máy này, Moto Gymkhana là một bộ môn thể thao rất phổ biến, và có thể xem là đứng đầu thế giới. Phân khối lớn, động cơ mạnh không phải là điểm nhấn quan trọng nhất trong bộ môn này, mà thay vào đó là kỹ năng vận hành xe và dĩ nhiên là độ linh hoạt của xe. Khi mới ra đời, MSX125 hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết phù hợp cho loại hình thể thao này, và từ đó chúng ta có Gromkhana (đặt theo tên Grom ban đầu của xe). Từ một mẫu xe entry-level, MSX125 nhanh chóng tạo một cú “hit” trong giới biker. Và các tay đua bắt đầu thực hiện đủ mọi “chiêu trò” với chiếc xe mini này.

Grom + Motor Gymkhana = Gromkhana
Các tay đua road độ chiếc MSX125 của mình với ống xả Yoshimura, tăng áp, trục cam racing… Các tay đua off-road trang bị thêm phuộc Ohlins, lốp địa hình Michelin Reggae… Trong khi đó, những tay đua biểu diễn stunt thay thế gác chân, tay thắng, tay côn cho xe của mình. Các tay đua pit bike còn phát minh ra môn “pit park”, tương tự như skate park (chơi ván trượt trong sân sàn gỗ, kim loại hoặc bê-tông). Trong đó các tay chơi pit bike sẽ cùng biểu diễn, thi thố với các loại hình khác như ván trượt, BMX, trial.

MSX125 của các tay đua đường nhựa…
…và đường đất…
…chế lại để phù hợp với các pha biểu diễn (Stunt)…
Bên cạnh ván trượt trong sân
Chiếc MSX125 đơn giản từ kiểu dáng cho đến máy móc, nhưng những gì nó đem lại thì không hề đơn giản. Bạn có thể lái nó từ tầng hai một cao ốc văn phòng, xuống đường nhựa, biểu diễn wheelie, stoppie, drift, vượt chướng ngại vật và rồi lao vào những con đường đất như đoạn phim ngắn dưới đây.