Ngay trong hội chợ xe Frankfurt vừa qua, khi những mẫu xe đua thể thức mới được hé lộ cùng một trào lưu giải mới được công bố mang tên Formula E, nhiều người thực sự đã bị choáng váng vì sự tiến bộ nhanh khó tin của công nghệ xe điện. Những mẫu xe đua mới này – điển hình là chiếc SRT-01E được trưng bày ngay trong triển lãm hoàn toàn giống một chiếc F1 truyền thống nhưng thực sự bên trong lại là động cơ điện và pin. Theo kế hoạch được đề ra, vòng đua đầu tiên của Formular E sẽ diễn ra tại London vào tháng 9-2014. Sau đó, giải đấu sẽ theo kế hoạch diễn ra lần lượt tại Bangkok, Bắc Kinh, Berlin, Buenos Aires, Los Angeles, Miami, Monaco, Putrajaya, Rio de Janeiro và Rome. Tuy nhiên, hiện tại do xe chạy điện vẫn chưa thể sánh với xe đua F1 truyền thống về mặt tốc độ và do giới hạn về pin, quãng đường của giải đua trước mắt sẽ tạm thời được rút ngắn hơn đáng kể.
Ý tưởng về giải đua mới Formula E được chính liên đoàn xe hơi quốc tế FIA đề ra. FIA cũng là đơn vị quản lý các quy định và điều lệ tổ chức của F1 hiện nay. Theo họ, trong khi F1 là giải đua cao cấp nhằm khích lệ việc phát triển động cơ, phanh, giảm xóc, khả năng khí động học nhằm tạo tiền đề cho việc sản xuất, thiết kế các loại xe phổ thông thì Formular E sẽ hướng tới thêm cả việc phát triển tương lai của xe điện – đặc biệt là ở khía cạnh hiệu năng vận hành.
Theo FIA, mùa giải đầu của FE sẽ có 10 đội tham gia thi đấu sử dụng chung chiếc SRT-01E. Nếu thành công, các đội sẽ được quyền phát triển hệ thống dẫn động và các mẫu xe của riêng mình trong những năm sau đó. Tuy nhiên, do việc sử dụng chung xe với giới hạn tốc độ như nhau, FIA sẽ phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giải FE lần đầu tiên vẫn có được sự hấp dẫn và kích động của F1 huyền thoại. Để giải quyết vấn đề này, họ đã đề ra một số luật chơi mới so với khung điều lệ F1 thông thường.
Như thế, dù FE vẫn sẽ cho phép mỗi đội đua có 2 lái xe như thường lệ nhưng khác với F1, mỗi lái xe giải FE sẽ sử dụng … 2 xe đua cùng lúc. Như thế, toàn giải lần đầu tiên sẽ có tới 40 chiếc SRT-01E được đưa vào sử dụng. Những chiếc xe này hiện đang được Spark Racing Technologies tiến hành sản xuất trong sự hợp tác với Renault, McLaren, Michelin và Williams. Với công nghệ pin hiện tại, mỗi chiếc xe có thể chạy được khoảng 25 phút ở tốc độ tối đa – một phần khá khiêm tốn trong khung thời gian trung bình 1 tiếng cho mỗi đường đua. Vì thế, mỗi lái xe sẽ phải trải qua tối thiểu hai lần dừng pit để đổi xe . Điều thú vị là mỗi lần này, họ sẽ phải chạy bộ 100 mét để sang xe mới – một mô hình giống với phong cách của giải đua Le Mans. Bản thân hai chiếc xe của mỗi tay đua cũng được tối ưu hoá theo hướng khác nhau – một chiếc sẽ có khả năng tăng tốc nhanh hơn và một chiếc có hành trình chạy dài hơn. Việc đưa ra chiến lược điều tiết hai xe này sao cho phù hợp để có kết quả tốt cũng là thách thức với mỗi đội đua.
Trong khi đó, về mặt lý thuyết, SRT-01E có tốc độ tối đa ở mức 225 km/giờ (thấp hơn so với mức 300 km/giờ của xe F1). Tuy nhiên, với đường đua chủ yếu là các con phố ngắn và ngoằn ngoèo, các lái xe FE sẽ đối mặt với một kiểu hình thách thức hoàn toàn khác – chưa kể tới những đặc điểm khác biệt trong việc điều khiển một chiếc xe đua chạy điện. Bản thân xe điện vốn có khả năng thay đổi mô men xoắn “tức thời” và luôn chạm giới hạn tối ưu ở toàn dải tốc độ. Chúng có thể tăng tốc lên 100km/giờ chỉ trong vòng 3 giây và hoàn toàn không tiếng động. Lái xe sẽ chỉ nghe thấy âm thanh của lốp và gió mà thôi. Tuy vậy, SRT-01E sẽ vẫn sử dụng một mô tơ điện để phát ra âm thanh giả lập với mục đích tạo cảm giác lái cũng như cảnh báo độ ngũ kĩ thuật tại đường pit. Ngoài ra, các chiếc xe đua cũng sẽ được trang bị một tính năng được xem là xu hướng thời thượng: khả năng kết nối tương tác với khán giả thông qua các công cụ truyền thông xã hội. Qua đó, lái xe có thể có thêm lần sử dụng đối với nút bấm tăng tốc “Push to pass”.
Ngoài việc tăng cường sức nóng của đường đua, gia tăng số lượng người quan tâm cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của FIA. Bản thân việc sử dụng năng lượng xanh như điện cho các xe đua vốn cũng là ưu điểm thu hút tài trợ rất lớn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp tên tuổi đã đăng kí tài trợ FE như "trùm" vận tải DHL hay đại gia công nghệ thông tin Qualcomm. Trong đó, sự hiện diện của Qualcomm trên đường đua FE cũng cho thấy giải đua mới này sẽ còn là một cuộc chơi của các công ty công nghệ cao – chứ không còn giới hạn chỉ các hãng công nghệ xe đua truyền thống của giải F1. Tính "công nghệ cao" sẽ chủ yếu được thể hiện ở pin, động cơ điện, chip điều khiển, hệ thống kết nối và nhiều linh kiện khác – những tính năng đặc thù rất mới của xe FE được cho là một ngày nào đó sẽ trở thành mối đe doạ thực sự với những chiếc xe F1 kiểu truyền thống. Thực tế, với đà phát triển như hiện nay của xe điện nói chung, ngày đó dường như cũng không còn xa lắm!