Tổ chức lại mạng xe buýt tăng kết nối với đường sắt trên cao
Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, cuối tháng 12/2017, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị đang nỗ lực triển khai để dự án hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2018, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của Hà Nội xây dựng phương án kết nối vận tải các tuyến vận tải công cộng hiện có của Hà Nội với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trong khi chờ các tuyến đường sắt đô thị khác xây dựng, phương án là tận dụng tối đa kết nối với hệ thống xe buýt.
Hệ thống xe buýt sẽ kết nối với các ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông để phục vụ người dân đi lại thuận lợi. |
Tìm hiểu của PV, UBND TP Hà Nội đã thành lập Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội để chuẩn bị cho việc đảm nhận vận hành, khai thác tuyến đường sắt trên. Cùng đó, Hà Nội cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan của Hà Nội lập phương án kết nối xe buýt với các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác, hệ thống xe buýt công cộng của thành phố sẽ được tổ chức lại để kết nối hợp lý với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với buýt nhanh BRT. Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có công suất vận chuyển bình quân 960 khách/đoàn tàu, tương đương 12 lần xe buýt loại lớn. Toàn tuyến dài 13,1km, với 12 nhà ga trên tuyến, khoảng cách bình quân hơn 1km.Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện trên hành lang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 6 tuyến trục xe buýt và 13 tuyến ngang.Trên trục QL6 có 6 tuyến trục, giờ cao điểm vận chuyển khoảng 5.000 hành khách/giờ/hướng, tương đương khoảng 40% nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải khách công cộng. |
“Việc kết nối giữa xe buýt với các tuyến đường sắt đô thị, tuyến BRT ưu tiên tổ chức theo hình thức kết nối dọc, phát huy năng lực vận chuyển của đường sắt đô thị, tính cơ động của xe buýt, để rút ngắn thời gian đi bộ của hành khách khi trung chuyển giữa các phương thức vận tải”, ông Viện nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sau khi tuyến đường sắt hoạt động sẽ thu hút thêm lượng lớn hành khách sử dụng phương tiện công cộng trên 2 trục QL 6 và đường Lê Văn Lương - Giảng Võ. Việc tổ chức các tuyến buýt để kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp mở rộng vùng phục vụ của hệ thống vận tải công cộng, tạo điều kiện giãn bớt mật độ dân cư ra các khu vực ngoại thành, giúp giảm áp lực giao thông trên trục QL6.
Liên quan đến thông tin tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành trong năm 2018, theo khảo sát của PV, hầu hết người được hỏi đều cho biết, sẽ lựa chọn tuyến đường sắt này, nhưng mong có các tuyến xe buýt trung chuyển thuận lợi để không phải đi bộ xa.
Anh Trần Văn Thành, ở chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) chia sẻ, hàng ngày sử dụng xe buýt đi làm tại KCN Phú Nghĩa (QL6, Chương Mỹ) thường phải chen chúc và mất nhiều thời gian, nên nếu có xe buýt nối liền với đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đi bằng đường sắt.
Nữ sinh năm 2 Đại học Lâm nghiệp Nguyễn Thị Huyền cho biết, mong có nhiều tuyến buýt nối với đường sắt, bến xe khách để đi học hoặc các công việc khác không phải dùng xe máy.
Điều chỉnh nhiều tuyến buýt
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị nhận định, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có năng lực vận chuyển lớn, tốc độ cao, ổn định và an toàn nên sẽ thu hút hành khách đang sử dụng tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) và các tuyến buýt 01, 02, 19, 21A, 21B, 22, 27, người đi phương tiện cá nhân.
“Vì vậy, lượng hành khách tập trung tại các nhà ga sẽ rất lớn, tuy nhiên dự báo riêng hai ga đầu - cuối tuyến và các ga đoạn từ Cát Linh đến đường vành đai 3 sẽ có lượng khách vượt trội. Chẳng hạn, ga La Thành khoảng hơn 33.600 khách lên xuống/giờ, ga Yên Nghĩa có khoảng 11.00 khách/giờ”, ông Hải nói.
Do đó, để vận chuyển khách đến và giải tỏa lượng khách tại các ga, phương án dự kiến là điều chỉnh 7 tuyến (01, 02, 07, 21B, 25, 33, 50); mở mới 3 tuyến (Cát Linh - Cầu Nhật Tân - Nội Bài; Cát Linh - Cầu Nhật Tân - TT Đông Anh; Hoàng Cầu - Hoàng Cầu). Riêng tại ga Yên Nghĩa, sẽ mở rộng vùng phục vụ các tuyến buýt từ Yên Nghĩa đi Xuân Mai, Tế Tiêu, Sơn Tây, Thường Tín, Ba Thá.
“Phương án dự kiến là sau khi đường sắt đi vào hoạt động, trên trục QL6 có đường sắt vẫn có xe buýt công cộng để tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Điều này cũng nhằm giúp nâng cao năng lực vận chuyển khách công cộng lên 400% so với hiện nay, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực”, ông Hải thông tin.