Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki bên chiếc xe VG150. |
Đấu giá tài sản Vinaxuki: lần thứ 10 thất bại sau 5 năm phá sản
Ngày 20/9/2024, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mê Linh (thuộc Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội) đưa ra thông báo về lần thứ 10 về việc đấu giá tài sản Vinaxuki không thành công.
Theo đó, thông báo viết: "Hết thời hạn nhận hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước theo Thông báo bán đấu giá tài sản số 09.11(10)/2023/TBĐG-S1QG ngày 29/8/2024 của Công ty đấu giá Hợp danh Số 1 Quốc Gia nhưng không có khách hàng tham gia đấu giá. Vì vậy Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào hồi 09 giờ 30 phút ngày 19/9/2024 tại Phòng đấu giá Công ty Đấu giá Hợp danh Số 1 Quốc Gia, địa chỉ: Phòng 4009, Toà B - Vinaconex2, KĐT Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội không thành".
Thông báo của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mê Linh về việc đấu giá tài sản Vinaxuki không thành công. |
Đây là lần thứ 10 việc đấu giá một trong các tài sản Vinaxuki không thành công. Trước đó, thông báo đầu tiên về việc đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki (gồm Công ty CP Ô tô Xuân Kiên, Công ty Vinaxuki Thái Nguyên) được công bố vào 20/2/2020 bởi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Mức giá khởi điểm 1.265.111.125.606 đồng.
Tuy nhiên, lần đấu giá tài sản Vinaxuki đầu tiên diễn ra không thành công. Các lần đấu giá tiếp theo được thực hiện nhiều lần trong suốt 5 năm, kể từ 2020 đến 2024, và đều chung một kết quả: thất bại.
Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch Vinaxuki, hơn 10 năm qua đã chứng kiến các khối tài sản Vinaxuki dần bị bán đi. Ông mất nhà để ở cách đây vài năm, sau khi một doanh nghiệp bất động sản mua lại hơn 53.000 m2 đất tại Nhà máy ô tô Vinaxuki Mê Linh (Hà Nội), có tổng diện tích là 150.000 m2. Khu vực này trước đây gồm nhiều nhà xưởng lớn, bao gồm cả ngôi nhà ông Huyên đang ở. Vì vậy, ông phải chuyển sang khu văn phòng của nhà máy ô tô con để sống.
Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch Vinaxuki giờ ra sao?
Từng là đại gia ngành ô tô, cuộc sống của chủ tịch Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên hiện giờ nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng, kể từ khi doanh nghiệp này tuyên bố phá sản. Không ít người thắc mắc ông Bùi Ngọc Huyên giờ ra sao?
Chủ tịch Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Nguyên, sinh năm 1942 ở Thanh Hoá. Ông tiếp xúc với ô tô sớm, từ năm 1964, khi ông 22 tuổi, trong quá trình lên đường phục vụ chiến trường. Sau Mậu Thân 1968, cơ quan cho ông về trường Đại học Giao Thông học chuyên ngành Ô tô.
Tốt nghiệp đại học, ông về Cục Vận tải Giao thông – Bộ Công Thương, đơn vị quản lý ngành ô tô của cả nước, khi đó dưới cục có vài chục doanh nghiệp. Năm 1992, ở tuổi 50, ông đã về hưu để làm ô tô nhưng thời kỳ đó, đất nước quá nghèo để làm ô tô. Mãi đến 2004, ông vay vốn được gần 200 tỷ đồng và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy Vinaxuki đầu tiên.
Hiện tại, Vinaxuki đóng cửa nhà máy đã gần chục năm nhưng ông Huyên vẫn đau đáu với ước mơ cho ra mắt những sản phẩm ô tô “Made in Viet Nam”. Ông vẫn cho rằng, thất bại của Vinaxuki là do thiếu những chính sách đủ mạnh và doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước.
Trước đó, cách đây vài năm, chủ tịch Vinaxuki gây bất ngờ khi nuôi gà, dê trong nhà xưởng, với mức lương hưu 8 triệu/tháng, cùng khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng gánh trên vai.
Bộ Tài Chính bác đề xuất vay tiền mua lại nợ xấu dự án ô tô của Vinaxuki |
Ông Bùi Ngọc Huyên và giấc mộng xe ô tô Made in Việt Nam. |
Ô tô Vinaxuki - lịch sử hình thành, phát triển
Ô tô Vinaxuki là ô tô mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên, được sản xuất bởi người Việt. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của hãng xe này kéo dài được 4 năm, trước khi bước vào khủng hoảng và vỡ nợ như hiện tại.
Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), thành lập năm 2004, do ông Bùi Ngọc Huyên làm Tổng giám đốc. Thời kỳ đầu, Vinaxuki xây dựng Nhà máy ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm.
Giai đoạn 2006-2009, nhà máy này tập trung sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Chiến lược giai đoạn này là: nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao. Với chiến lược này, nhà máy hoạt động có lãi, sau ba năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Giai đoạn từ 2010, Vinaxuki đầu tư cho dự án mới: sản xuất ô tô con, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Hơn 900 tỷ gồm cả vốn vay ngân hàng và lợi nhuận tích luỹ nhiều năm được đầu tư nhằm thực hiện nhiều công đoạn sản xuất như luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot,... đồng thời xây dựng thêm nhà máy tại Thái Nguyên và Thanh Hóa.
Năm 2012, Vinaxuki cho ra mắt mẫu xe ô tô 4 chỗ VG150 tại Triển lãm Ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2012 cũng là giai đoạn khủng hoảng tài chính trầm trọng, thị trường ô tô suy giảm, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và bị nợ quá hạn các ngân hàng.
Vinaxuki từng rất thành công khi nhập linh kiện về lắp ráp xe tải hạng nhẹ. |
Năm 2014, cả ba nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động, các ngân hàng liên tục tìm cách xiết nợ, thu hồi vốn. Năm 2015, Vinaxuki rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương công nhân…
Năm 2017, Chủ tịch Vinaxuki từng gửi đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, mong được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỉ đồng vốn lưu động để sản xuất tuy nhiên không được chấp thuận.
Trong hai năm 2017 và 2018, một ngân hàng đã bán tài sản đảm bảo là một số máy móc thiết bị trừ nợ nhưng vẫn còn lại số nợ lên đến 1.315 tỷ đồng.
Giấc mơ xe hơi Việt và sự nhỡ nhàng của Vinaxuki VG |
Vinaxuki phá sản năm nào?
Ngày 21/2/2020, ngân hàng BIDV thông báo đấu giá khoản nợ gần 1.300 tỷ của Vinaxuki. Đây được coi là dấu chấm hết cho một thương hiệu ô tô Việt.
Nhà máy Vinaxuki ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, hiện đã bán 53.000 m2 cho chủ đầu tư mới. |
Xe Vinaxuki có tốt không? Tại sao Vinaxuki phá sản?
Thất bại của Vinaxuki dấy lên nhiều nghi vấn, trong đó, không ít người nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của xe Vinaxuki. Xe Vinaxuki có tốt không là câu hỏi mà đến giờ vẫn gây không ít tranh cãi.
Ở thời kỳ vàng son, Vinaxuki sản xuất hơn 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Theo chia sẻ của chủ tịch Vinaxuki, ở thời kỳ này, năm thấp nhất Vinaxuki cũng lãi 90 tỷ, năm cao nhất lãi 160 tỷ. Điều này cho thấy những chiếc xe tải hạng nhẹ của Vinaxuki rất được khách hàng Việt đón nhận.
Khi đó, Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể so với Trường Hải và cũng là một trong số ít những công ty Việt Nam có mặt trong VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam).
Bước sang giai đoạn Vinaxuki tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hoá cho xe sản xuất, doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, Vinaxuki mang mẫu xe “đang làm dở” VG150 ra mắt tại Triển lãm Ô tô Việt Nam, với lời khẳng định từ chủ tịch Bùi Ngọc Huyên, rằng xe có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 58% với khung vỏ do người Việt làm ra. Mặc dù vậy, mẫu xe không nhận được đánh giá cao do thời điểm đó, có quá nhiều mẫu xe ngoại chào sân khách Việt. Bản thân VG150 cũng được gọi là chiếc xe "đang làm dở", do khi giới thiệu tại triển lãm, mẫu xe này chưa hoàn thiện.
Hình ảnh buồn trong nhà máy Vinaxuki hiện tại. |
Không xoáy sâu vào chất lượng sản phẩm, chủ tịch Vinaxuki từng chia sẻ lý do tại sao Vinaxuki phá sản. trước giới truyền thông. Theo đó, Vinaxuki đầu tư nhiều nhưng lại không nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ như các chính sách đã ban hành. Để sản xuất ô tô doanh nghiệp chỉ có thể bỏ ra 50-60% số vốn, còn lại phải vay ngân hàng. Năm 2010 ông đầu tư 900 tỷ cả vốn vay, cả lợi nhuận tích luỹ cho ước mơ sản xuất ô tô với tỉ lệ nội địa hoá cao.
Trong đó, tiền nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia lắp đặt, chế thử cũng chiếm 20-30% tổng chi phí. Sau khi ra sản phẩm, phải thực hiện chiến lược marketing 1-5 năm mới bán được hàng. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2012 thị trường ô tô rơi vào khủng hoảng, hàng ngàn xe sản xuất ra không bán được, dẫn đến giảm giá bán.
VG150 không thể hoàn thiện và bán ra, dù đã giới thiệu tại Triển lãm Ô tô Việt Nam. |
Trước 2012, các ngân hàng thương mại chỉ cho Vinaxuki vay chủ yếu vốn ngắn hạn một năm. Nếu không trả đúng, hạn phạt 150%. Khoản vay nhiều nhất là 50% tổng vốn dự án, lãi suất khi đó ở mức 17-20%/năm.
Kết cục, từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lại ổn định hơn.
Khởi công nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trên khu đất cũ của Vinaxuki |
Phương Huyền