Theo thông tin của PV. , vào lúc 14h30 ngày 1/3, hơn 1.000 xe Honda đã cập cảng SCPT - Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh). Đây là lô hàng ôtô nhập khẩu đầu tiên từ các nước ASEAN hưởng mức thuế nhập khẩu 0%.
Hơn 1.000 xe Honda miễn thuế đầu tiên cập cảng Hiệp Phước
Lô ôtô Honda nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam này được tàu MOL của Nhật Bản chuyên chở, mang theo lô hàng hơn 2 nghìn ôtô với 4 mẫu xe khác nhau về Việt Nam gồm: Jazz, Accord, CR-V và Civic.
Đáng chú ý, những kiểu loại xe này đã đều được Cơ quan quản lý giao thông đường bộ (Dept. of Land Transport) Thái Lan cấp đầy đủ bộ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vào ngày 16/2.
Lô Honda CR-V cập cảng Hiệp Phước tháng 12/2017 . |
Được biết, sau khi cập cảng Hiệp Phước, 1.054 xe sẽ xuống cảng SCPT - Hiệp Phước và 950 xe tiếp tục ở trên tàu để Bắc tiến, cập cảng Đình Vũ (Hải Phòng) trong một vài ngày tới.
Riêng mẫu xe gây sốt thị trường trong nước thời gian qua là Honda CR-V được ghi rõ xuất xứ hàng hóa, được sản xuất tại nhà máy ôtô Honda Thái Lan với 4 kiểu loại khác nhau.
Theo một số đại lý Honda, giá bán của Honda CR-V được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% sẽ giảm cao nhất lên tới gần 240 triệu đồng. Cụ thể, Honda CR-V bản E sẽ là 898 triệu đồng (trước đó là 1,136 tỷ đồng); CR-V bản G là 998 triệu đồng và phiên bản cao nhất CR-V bản L là 1,1 tỷ đồng (trước đó là 1,256 tỷ đồng).
Trong số các liên doanh của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Toyota và Honda, Ford đang tập trung sản xuất xe ở khu vực ASEAN, trong đó chủ yếu ở Indonesia và Thái Lan.
Xe lưu thông nội địa ở Thái Lan và Indonesia có tay lái nghịch, khác với tay lái thuận của Việt Nam. Chính phủ 2 nước này cũng không cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe sản xuất để xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, sau khi Nghị định 116 được Chính phủ Việt Nam ban hành, Toyota, Honda và Ford đều vướng mắc trong việc xin giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô theo quy định.
Sau 4 lần kiến nghị không thành, các hãng xe đã phải cấp tốc xin giấy phép của Chính phủ Thái Lan và Indonesia. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Chính phủ Thái Lan đã sửa luật và xem xét cấp cho tất cả các hãng để xuất khẩu xe sang Việt Nam. Trong khi việc xin giấy phép này từ Chính phủ Indonesia cho các hãng vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài Honda, sắp tới các hãng khác như Toyota, Ford…cũng sẽ có xe nhập về.
“Cùng lắm chỉ 1-2 tháng nữa các hãng sẽ nhập được xe từ Thái Lan về hết. Còn xe từ thị trường Nhật và Indonesia vẫn gặp khó khăn vì chưa xin được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại”, ông Tuấn cho hay.
Dự kiến, Toyota sẽ nhanh chóng nhập về các dòng xe Yaris, Hilux; Mitsubishi nhập xe Pajero Sport; Ford Việt Nam sẽ có hai mẫu nhập về là Ford Ranger và Explore.
Doanh nghiệp nội thêm lo lắng
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, với việc đưa các dòng thuế nhập khẩu ôtô về 0% trong năm 2018 theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), các sản phẩm ôtô nguyên chiếc (CBU) sẽ được nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam với mức giá rất cạnh tranh khiến cho cơ hội của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng bị thu hẹp.
“Tỷ trọng các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN đã tăng từ mức dưới 20% trong năm 2016 lên 62% trong năm 2017. Số liệu đã cho thấy rõ xu hướng tăng trưởng rất nhanh của các sản phẩm CBU nhập khẩu từ ASEAN. Năm 2018, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng khi rất nhiều các sản phẩm mới đang được các hãng xe Nhật Bản lên kế hoạch nhập về”, ông Đức dẫn chứng.
Theo ông Đức, các chính sách mới ban hành như Nghị định 116 và Nghị định 125 của Chính phủ đã có những tác động tích cực tới các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Tuy nhiên, theo tính toán của doanh nghiệp, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp theo cơ sở từ Nghị định 125 tối đa chỉ dao động từ 12 – 15 %, trong khi đó nếu được giảm thuế từ 30% về 0%, các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có thể giảm từ 23 – 25% giá bán lẻ so với hiện nay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phải gánh rất nhiều chi phí khác nhau liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, các chi phí kho bãi để đáp ứng được khối lượng linh kiện nhập khẩu rất lớn cũng như các chi phí để truyền thông, quảng bá, phân phối sản phẩm để tạo ưu thế, cạnh tranh với xe nhập.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực ôtô, nếu Nghị định 116 và Thông tư 03 không được sửa thì giá xe ôtô nhập khẩu miễn thuế từ ASEAN về vẫn cao. Bởi lẽ, sau khi cập cảng, riêng việc thử nghiệm từng lô xe đã mất tới 2 tháng và tốn thêm khoản chi phí 10.000 USD.
Hơn nữa, nguyên tắc đánh thuế ôtô của Việt Nam là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ. Thứ tự đánh thuế sẽ là thuế nhập khẩu, sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế GTGT.
Do đó, dù thuế nhập khẩu về 0% nhưng hãng sau đó còn phải cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận hãng. Tất cả các khoản đó khiến ôtô bán ở Việt Nam luôn có giá cao ngất ngưởng so với các thị trường khác.