Với ô tô chạy động cơ xăng hoặc dầu, các nhà sản xuất luôn đưa ra khuyến cáo người dùng không nên cố chạy qua khu vực ngập nước. Điều này dễ dẫn đến tình trạng xe bị hỏng hóc nặng, động cơ bị khoá – gọi là thuỷ kích – khi nước tràn vào cửa hút. Không chỉ tốn kém khi sửa chữa, chiếc xe từng có lịch sử bị ngập nước sẽ rất mất giá khi bán lại. Thế nhưng, với xe chạy động cơ điện, việc lội nước trong điều kiện đường sá ngập lụt do mưa lũ lại không phải là vấn đề quá nghiêm trọng.
Chuyên trang Drive/Finicial Express phân tích, xe điện khá an toàn khi đi qua vùng nước ngập sâu, khác với xe chạy xăng, dầu thông thường. Theo đó, động cơ đốt trong dễ bị nước lọt vào qua cổ hút gió phía dưới nắp ca-pô. Ngoài ra, việc sử dụng dầu nhớt và chất lỏng chuyên dụng để bôi trơn, làm mát khiến cho nước tràn vào làm hộp số hoạt động không bình thường hoặc gây hại cho nhiều hệ thống trên xe.
Trong khi đó xe điện không có động cơ mà dùng mô tơ, sử dụng ít chất lỏng hơn và không có hệ thống truyền động hay hộp số phức tạp. Do đó, những rủi ro của một chiếc xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch được giảm thiểu. Thậm chí, những khối pin, bộ điều khiển và động cơ điện đều được bảo vệ khi qua vùng nước ngập, theo phân tích từ Drive/Finicial Express.
Cụ thể, xe điện có hệ thống bảo vệ chống xâm nhập theo tiêu chuẩn IP65 hoặc IP67, tùy thuộc vào loại xe. Ở đây các chữ số đại diện cho sự bảo vệ khỏi hai yếu tố: bụi và nước. Con số càng cao, khả năng chống bụi và nước càng tốt. Xe điện hiện đại thường có xếp hạng IP67, cho phép xe ngâm ở mức nước cao tới một mét trong tối đa 30 phút mà không bị rò rỉ.
Khối pin bên trong xe được trang bị nhiều lớp bảo vệ và có khả năng tự cách điện với phần còn lại của xe, tương tự gồm động cơ điện và bộ điều khiển. Vì vậy, khó có khả năng xảy ra tình trạng giật điện khi xe điện đi dưới nước ngập. Minh chứng cho việc này dễ dàng tìm thấy ở những chiếc Tesla của ngài Elon Musk.
Vào năm 2016, CEO của hãng xe điện Mỹ từng viết trên Twitter về khả năng lội nước của xe Tesla:"Chúng tôi không khuyến khích điều này, nhưng Model S đủ nổi để biến nó thành một chiếc thuyền trong thời gian ngắn. Lực đẩy thông qua chuyển động quay của bánh xe. Trong khi đó bộ truyền động và khối pin sẽ được bảo vệ kín đáo". Thời điểm đó, nhiều người cho rằng vị tỷ phú này đã quá lời. Nhưng những clip sau đó chứng minh Elon Musk không hề nói dối.
Gần đây nhất, một đoạn video quay cảnh một chiếc Tesla 3 vượt qua dòng nước lũ với độ sâu tương đối lớn (xấp xỉ nửa mét) gây chú ý cho cộng đồng mạng. Mặc dù không rõ chiếc xe có gặp vấn đề gì sau đó hay không nhưng ít nhất trong lúc chạy qua dòng nước sâu, nó vẫn vận hành ổn.
Không chỉ Tesla, nhiều hãng tuyên bố khả năng lội nước như tàu biển của xe điện mình sản xuất. Cuốn hướng dẫn sử dụng BMW i3 cho biết: "Chỉ lái xe khi nước lặng và độ sâu không quá 250 mm, tốc độ không nhanh hơn người đi bộ, tối đa 5 km/h". Khối pin của một chiếc xe điện nằm dưới gầm xe, khá thấp so với mặt đất. Vì vậy, BMW i3 có thể đi qua mức nước sâu 250 mm là điều tích cực và cho thấy khối pin được đóng kín hoàn toàn, dù khoảng sáng gầm chỉ là 140 mm.
I-Pace có khả năng lội nước sâu 500 mm |
Jaguar thậm chí còn tuyên bố chiếc xe điện I-Pace có khả năng lội nước sâu 500 mm như Land Rover Defender và có thể dễ dàng đối phó với các yếu tố khắc nhiệt của mùa đông. Người phát ngôn của Jaguar khẳng định với Express UK về độ an toàn của I-Pace khi lội nước, người ngồi trong xe sẽ không bị điện giật. Trước đó, cỗ máy chạy điện phải trải qua các bài kiểm tra thời tiết ẩm ướt trên diện rộng trước khi tung ra thị trường.
Nissan Leaf có thể xử lý khi ở vùng nước có độ sâu 300-700 mm. |
Mặc dù ô tô điện có xu hướng đối phó tốt hơn với nước sâu nhưng không nên lạm dụng khả năng này. Pin Lithium-ion trong khối pin của ô tô điện có thể gây nguy hiểm nếu bị nước làm hỏng, nặng hơn là có nguy cơ cháy nổ. Tương tự, động cơ điện cao áp cũng có thể gây nguy hiểm nếu bị hỏng do nước. Dù được bảo vệ nhưng nước lũ lớn vẫn có thể xâm nhập vào các khối pin.
Rich Rebuilds (kỹ sư xe hơi tại New Hampshire, Mỹ) từng sửa một chiếc Model S bị hư hại do lũ lụt và phát hiện khối pin bị úng nước do đã ngâm trong nước muối nhiều ngày. Mặc dù vậy, 12 trong số 16 mô-đun của pin vẫn hoạt động, chứng minh độ bền của các bộ phận điện trong xe.
Fisker Automotive, hãng ô tô điện thiệt hại đến 30 triệu USD vào năm 2015 bởi cơn bão Sandy gây ra lũ lụt. Khoảng 300 chiếc ô tô do họ sản xuất đã bị hư hại do ngập dưới nước sâu 1,5-2,4 m trong vài giờ và muối ăn mòn bộ điều khiển trên xe. Bộ phận điều khiển là một bộ phận tiêu chuẩn trong nhiều loại xe và được cung cấp bởi một bình ắc quy 12V. Lượng muối còn sót lại đã gây ra hiện tượng đoản mạch, dẫn đến hỏa hoạn, đi kèm gió lớn khiến lửa lan sang những chiếc Karma đang đỗ gần đó.
Hai ví dụ trên cho thấy ngay cả khối pin và bộ điều khiển điện được bảo vệ chống thấm hoặc bịt kín hết mức thì nước lũ sâu khoảng 1,2 m – đặc biệt là nước lũ có hàm lượng muối cao – gần như chắc chắn sẽ phá hủy một chiếc xe điện.
Dù xe điện ít gặp rủi ro hơn xe xăng khi đi qua vùng nước ngập sâu, nhưng chủ xe vẫn nên áp dụng cách đi thông thường, ví dụ như xác định vùng nước nông nhất để đi qua hoặc giữ đều chân ga, tốc độ không quá chậm. Tốt hơn hết, tránh để ô tô của mình phải lội nước thường xuyên trong quá trình sử dụng.
Phương Huyền