Tàu hoả đâm Hyundai Creta nát đầu vì đỗ gần đường ray. |
Hơn 17h chiều 5/6, anh N. (39 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đỗ chiếc Hyundai Creta màu đỏ ngay sát đường tàu và rời khỏi xe. Đúng lúc đó tàu hoả đi đến, dù được người dân hô hoán nhưng anh N. không kịp đánh xe ra. Hậu quả, ô tô bị tàu hỏa đâm hư hỏng nặng phần đầu.
Liên quan đến sự việc, nhiều người thắc mắc: Liệu chiếc xe này có được bảo hiểm bồi thường?". Dưới đây là ý kiến từ các chuyên gia trong ngành.
Chủ xe ô tô vẫn được bồi thường vì không nằm trong điều khoản loại trừ
Theo anh Nguyễn Khắc Xuân, giám đốc công ty Infair chuyên tư vấn về quyền lợi bảo hiểm tại quận Hà Đông (Hà Nội), nếu chủ xe có mua bảo hiểm vật chất, sẽ được bồi thường trong trường hợp này.
"Để bảo hiểm tiến hành bồi thường, cần có hai điều kiện. Thứ nhất là tổn thất phải do các rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm ghi rõ trong hợp đồng/quy tắc bảo hiểm gây ra. Thứ hai, tổn thất không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm", anh Xuân cho biết. Trường hợp này, điều kiện cần đã thoả mãn, rủi ro xe bị đâm va, là rủi ro được bảo hiểm gây ra.
Tiếp theo, phải xem xét điều khoản về các trường hợp loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng/quy tắc bảo hiểm bảo hiểm. "Trong trường hợp này, quy tắc bảo hiểm của các công ty bảo hiểm không loại trừ trường hợp đỗ xe vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt", anh Xuân khẳng định.
Anh Nguyễn Khắc Xuân, giám đốc công ty chuyên tư vấn về quyền lợi bảo hiểm tại quận Hà Đông. |
Ngoài ra anh Xuân cũng lưu ý rằng một số công ty bảo hiểm có ghi rõ điều khoản loại trừ trong trường hợp xe ô tô bị tổn thất khi đang dừng, đỗ tại nơi có biển cấm dừng cấm đỗ. Nhưng khi đó công ty bảo hiểm chỉ có thể loại trừ nếu khu vực mà chiếc Hyundai Creta này có biển cấm dừng cấm đỗ, anh nói thêm.
Theo hình ảnh video ghi lại thì tại khu vực xảy ra tai nạn chưa thấy có biển cấm dừng cấm đỗ. Kể cả khi có biển cấm, cần xem lại hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa công ty bảo hiểm và chủ xe. Nếu hợp đồng không có loại trừ trường hợp này thì chủ xe vẫn được đền bù bình thường.
Cùng quan điểm, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, quy tắc bảo hiểm sẽ do các công ty bảo hiểm quyết định, tùy vào chính sách của từng hãng.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về điều khoản loại trừ nhưng điều khoản này cần được ghi cụ thể, chi tiết, rõ ràng trong hợp đồng mới có thể xác định. Tức về mặt lý thuyết, chủ xe hoàn toàn có thể được bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm có thể từ chối vì xe đỗ vị trí cấm
Ở một chiều hướng khác, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), cho biết theo Nghị định 56/2018/NĐ-CP, khoảng cách thuộc phạm vi an toàn đường sắt tối thiểu là 3 m, thông thường là 5 m trở lên.
Qua clip, xe ô tô đỗ không đảm bảo khoảng cách an toàn với đường sắt, vi phạm luật giao thông, vì thế chủ xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiếp theo, trong trường hợp chủ xe mua bảo hiểm, nếu như chủ xe dừng, đỗ xe trái phép bị xe khác tông phải, lực lượng chức năng (Công an khu vực hoặc CSGT) kết luận là do dừng, đỗ sai quy định thì loại trừ việc bồi thường bảo hiểm. Việc loại trừ bảo hiểm còn tùy thuộc vào hợp đồng bảo hiểm của từng đơn vị.
Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội. |
Cùng quan điểm, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, có được bồi thường hay không là do cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân để có kết luận cuối cùng. Căn cứ vào đó và hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, đơn vị bảo hiểm sẽ xem xét có tiến hành bồi thường cho chủ xe hay không.
Ông nhấn mạnh thêm: "Trường hợp có căn cứ xác định chủ xe đã dừng đỗ sai quy định thì cá nhân này không những không được bồi thường mà còn có thể bị phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng với hành vi “xe dừng, đỗ ở trong hành lang an toàn đường sắt”.
Phương Huyền