Hơn mười năm trước đây, gần như không ai biết tới cái tên Duramax cũng như khả năng vận hành, tuổi thọ và hiệu suất của loại động cơ này. Thực tế, ngay cả đối với những người tiêu dùng thông thường, cái tên Duramax cũng có phần khá lạ lẫm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỉ, đã có hơn 1,3 triệu động cơ này được cung cấp ra thị trường và con số này ngày càng tăng lên. Lý do chính của thực tế này chính là bởi đặc điểm sinh công suất cao cũng như tiết kiệm nhiên liệu trong khi lại đảm bảo được khả năng vận hành trơn tru trong nhiều điều kiện khắc nghiệt khác nhau của Duramax.

Lịch sử của Duramax được khởi đầu kể từ 2001 với DMAX – một nhà máy sản xuất sinh ra trong mối quan hệ hợp tác giữa GM (General Motors) với 40% cổ phần và hãng xe nhật Isuzu với 60% cổ phần. Thực tế, chính điều này cũng “cảnh báo” các hãng sản xuất động cơ về tính năng của Duramax với khả năng kết hợp hiệu quả công suất (vốn là ưu thế của những khối động cơ “cơ bắp” Mỹ) và tính tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả (đặc trưng của các sản phẩm Nhật Bản). Ngày nay, mức cổ phần này đã thay đổi và GM đang nắm quyền kiểm soát DMAX – điều kiện tiên quyết cho phép Duramax xuất hiện trong nhiều dòng xe giàu truyền thống của nước Mỹ bao gồm cả Silverado, Colorado, Express, Trailblazercủa Chevrolet hay Sierra, Savana của GMC. Thậm chí, những chiếc xe mang chất “chơi” như Hummer cũng sử dụng chung loại động cơ này.


Một thực tế thú vị là ngay cả khi nằm dưới trướng GM, có rất nhiều chi tiết khiến DMAX khác hẳn với các nhà máy sản xuất động cơ khác của hãng. Trong đó, quan trọng nhất chính là việc 100% động cơ xuất xưởng đều được kiểm nghiện vận hành thực tế trên lực kế (dynamometer) trước khi lắp ráp vào xe. Nói cách khác, ngoại trừ Duramax, không một loại động cơ nào khác của GM có được “đặc quyền” này – kể cả Cummins 6.7L hay Power Stroke 6.7L. Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng từng động cơ xuất xưởng đã cho phép GM giành được sự tin cậy từ phía người dùng cũng như nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường động cơ xe chuyên dụng. Tới tháng 9 năm 2007, DMAX đã công bố việc xuất xưởng khối động cơ Duramax thứ 1 triệu từ nhà máy Moraine của mình. Đây là một chiếc Duramax V-8.

Song song với các khối động cơ “khủng”, mới đây Chevrolet cũng đã ra mắt thế hệ Duramax mới với nhiều cải tiến cả về vật liệu cấu thành lẫn hiệu suất vận hành nhằm đáp ứng hợp lý hơn các nhu cầu mới phát sinh từ phía thị trường tiêu dùng - đặc biệt là về hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu cũng như các đặc tính vận hành hướng tới thị trường tiêu dùng. Kể từ giữa tháng 8 vừa qua, nhiều nguồn tin nội bộ của GM Bắc Mỹ đã úp mở về sự hiện diện của những dòng xe Colorado và Canyon mới được trang bị Duramax mới với chỉ bốn xi lanh bên trong. Đây là một động thái gây ngạc nhiên lớn bởi thị trường Mỹ vốn trước giờ chủ yếu chỉ “chuộng” các loại động cơ khủng trong xe tải và bán tải (điển hình là các loại V6 hay V8 với dung tích lớn). Trước đó, Duramax bốn xi lanh với dung tích dưới 3.0 chỉ có mặt tại các thị trường hải ngoại mà thôi. Tuy vậy, bản thân Chevrolet rất quyết tâm triển khai dự án này và thực tế đã cho thấy hướng đi của họ thực sự hợp lý. Sự tiến bộ trong thiết kế và công nghệ sản xuất đã cho phép hãng xe Mỹ tự tin tuyên chiến với nhiều dòng sản phẩm xe tải / bán tải cỡ trung và cỡ lớn của đối thủ trong cả lĩnh vực hiệu suất vận hành và đặc biệt là hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu – điều mà các dòng xe hạng nặng Mỹ vốn thường xuyên nhận nhiều chỉ trích.

Cả bốn piston bên trong đều được cấu thành từ nhôm đúc với lớp phủ graphite cho phép giảm thiểu tối đa ma sát cũng như các yếu tố gây suy giảm công suất sản sinh. Toàn bộ khối động cơ bốn xi lanh được thiết kế và chọn lựa vật liệu đúc nhằm chịu được các điều kiện vận hành khắc nghiệt nhất. Theo Chevrolet, Duramax đã được thử nghiệm đầy đủ tại cả châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ để chứng thực điều này. Việc đảm bảo độ bền bỉ cao sẽ cắt giảm đáng kể những lo lắng từ phía người dùng đối với xe trong suốt quá trình sử dụng đồng thời kéo dài chu kì bảo trì, bảo dưỡng định kì – điều giúp tăng cường tối đa hiệu quả kinh tế của việc sử dụng xe trên thực tế.
Về mặt hiệu năng, dòng động cơ Duramax được thiết kế hướng tới khả năng đáp ứng linh hoạt với mệnh lệnh lái, khả năng phun nhiên liệu chính xác nhằm tiết kiệm tối đa có thể. Cũng nhằm đáp ứng mục tiêu này, Chevrolet đã trang bị cho Duramax module kiểm soát BCM (Body Control Module) thế hệ mới, ECU (Engine Control Unit ) được thiết kế lại cùng đường ống dẫn nhiên liệu áp suất cao và hệ thống tăng áp có kiểm soát khi nén cũng như vị trí vận hành theo thời gian thực. Riêng phiên bản 2.8L (đang hiện diện trên Colorado tại Thái Lan và Việt Nam) còn có bộ tăng áp biến thiên hình học nhằm tối ưu công suất và hiệu suất của động cơ trên toàn dải tua máy. Nhờ thế, toàn bộ dòng Duramax thế hệ mới đã đạt được công suất thuộc hàng cao nhất so với các đối thủ trong cùng khoảng dung tích trong khi lại đảm bảo mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất. Bên cạnh đó, một chi tiết thú vị khác là việc bổ sung thêm trục cân bằng đem lại sự êm ái trong vận hành của động cơ mới – điều có ảnh hưởng trực tiếp tới sự thoải mái của người ngồi bên trong khoang lái.

Hiện tại, động cơ Duramax thế hệ mới đang có hai mức dung tích tuỳ chọn bao gồm 2.5L và 2.8L. Trong đó, loại 2,8L đang được trang bị cho xe Chevrolet Colorado tại Việt Nam cho công suất 180 mã lực tại tua máy chỉ 3.800 vòng / phút. Ngay tại 2.000 vòng / phút, khối động cơ này đã cho mô men xoắn tối đa 470 Nm. Đây là mức được đánh giá là tốt nhất trong nhóm động cơ cùng phân khúc.

Có thể nói rằng, sự kết hợp giữa dải mô men xoắn lớn đủ để đáp ứng nhu cầu của bất cứ chủ xe bán tải tầm trung nào cùng với bộ tăng áp nhằm "trơn tru hoá" việc cấp công suất vận hành, thế hệ động cơ Duramax mới thực sự sẽ là thế mạnh quan trọng cho phép không chỉ Colorado mới của Chevrolet mà còn bất cứ dòng xe nào được trang bị chúng trở thành đối thủ sừng sỏ trên sân chơi bán tải và SUV cỡ lớn trên thị trường hiện nay.