Lấy tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự dễ dàng: Đừng nói khoác! Được gì khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc? Tai nạn giao thông, dù đúng dù sai cũng phải gọi công an và bảo hiểm |
Trước tiên cần hiểu rõ quy trình bồi thường của các công ty. Tất cả đều theo các bước sau: Tiếp nhận yêu cầu => Giám định tổn thất => Lựa chọn phương án bồi thường => Hoàn thiện hồ sơ. Có nghĩa là khi có sự cố xảy ra, việc chúng ta cần làm là báo cho bảo hiểm, còn việc của bảo hiểm là phải đến ghi nhận và xác định mức độ thiệt hại để đền bù.
Vậy hồ sơ công an có cần hay không?
Mọi người lưu ý kỹ chỗ này. Để xác định mức độ thiệt hại xe thuần tuý, không cần có hồ sơ công an. Việc của người mua bảo hiểm là báo cho nhân viên bảo hiểm mà thôi.
Khi xảy ra tai nạn, vệc người mua bảo hiểm cần làm là báo cho nhân viên bảo hiểm ( Ảnh vụ việc cụ Xuân Tuấn đâm vào bục ở Thanh hóa) |
Tuy nhiên, về mặt luật pháp, khi xảy ra tai nạn chúng ta cần báo công an để giải quyết. Tức là trong cùng một vụ việc, người mua bảo hiểm phải làm việc với hai đơn vị riêng rẽ. Hai việc này độc lập.
Trở lại việc báo cho bên bảo hiểm. Khi nhận được tin báo, bên bảo hiểm sẽ cử người đến hiện trường. Thông thường, các vụ ít tiền, giám định viên có thể tự xác định hoặc được quyền quyết định mức bồi thường. Nhưng ở các vụ to tiền, thì cấp xét duyệt sẽ khắt khe hơn. Cái này bất kỳ công ty nào cũng sẽ làm thế, không chỉ công ty bảo hiểm.
Nhưng còn nhiều vụ phức tạp mà bảo hiểm không đủ sức tự giám định. Lúc này, hồ sơ công an rất có giá trị với công ty bảo hiểm. Có hồ sơ công an trong tay, công ty bảo hiểm có thể quyết định đền bù cho ai, như thế nào? Nếu công an xác định lỗi thuộc về người mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ đền bù. Nếu lỗi thuộc về bên thứ ba, công ty bảo hiểm cũng sẽ đền bù và đi đòi tiền từ bên thứ ba. Hoặc thậm chí nếu người mua bảo hiểm cố tình phá hoại xe, hay vi phạm luật giao thông, v.v.. công ty bảo hiểm có thể từ chối bồi thường.
Lấy ví dụ vụ cháy xe Mercedes trước đây. Vụ này, công an địa phương không đủ sức xác định xem xe tự cháy hay bị phá hoại. Do đó, đã phải nhờ cậy đến Viện Khoa học hình sự. Kết luận của Viện là cơ sở đề bồi thường bảo hiểm.
Như vậy, trong mối quan hệ giữa người mua với công ty, công an đóng vai trò giám định độc lập, làm căn cứ cho công ty bảo hiểm tiến hành bồi thường cho khách hàng.
Từ đó ta thấy rõ ràng rằng, trách nhiệm lấy hồ sơ công an là của bảo hiểm. Nếu họ cần. Không phải của khách hàng.
Trách nhiệm lấy hồ sơ công an là của bảo hiểm. Nếu họ cần. Không phải của khách hàng. |
Điều 48 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định rất rõ: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
Nhân viên bảo hiểm nào đòi hồ sơ công an là bố láo hết sức. Vừa đẩy trách nhiệm cho khách. Vừa là chiêu trò khiến khách hàng phát nản mà chấp nhận chế tài hoặc bỏ luôn việc đòi bồi thường.
Mỗi công ty bảo hiểm có một bản quy tắc. Đại đa số điều khoản giống nhau đến 99%. Khi ký hợp đồng, nên đọc kỹ bản quy tắc này. Công ty nào dám đưa vào đó yêu cầu khách hàng phải đi lấy hồ sơ công an là bố láo. Mọi người kiểm tra công ty bảo hiểm mình mua xem sao?
Trong vụ việc cụ Xuân Tuấn đâm vào cái bục ở Thanh Hóa nổi như cồn mấy hôm nay, đơn vị bảo hiểm là BIC. Trong quy tắc bồi thường bảo hiểm vật chất xe của công ty này, mục Hồ sơ bồi thường, có phần nói về bản sao hồ sơ công an được ghi rất lập lờ như sau: Tài liệu do BIC phối hợp với chủ xe để thu thâp (hoặc hướng dẫn chủ xe thu thập). Cụ nào yếu, sẽ bị bảo hiểm hành cho phải đi xin hồ sơ. Cụ nào cứng, công ty bảo hiểm sẽ phải đi xin.
Đây đúng là trường hợp của cụ Xuân Tuấn. Ban đầu bên bảo hiểm ép cụ Tuấn đi lấy hồ sơ, sau khi bài đăng trên group này và nhiều group khác, tạo áp lực khiến cho công ty bảo hiểm phải rút lại đòi hỏi phi lý. Hôm nay nhân viên sẽ nhờ cụ Tuấn cùng đi hỗ trợ xin hồ sơ công an.
Mời quý độc giả đón đọc "Hướng dẫn đòi quyền lợi bảo hiểm (P2): Sự lập lờ câu chữ"
Le Thanh