Khi tài sản công đến thời hạn thanh lý thì có nhiều hình thức xử lý, nhưng nếu phải bán thì phải công khai, minh bạch minh bạch (đăng tải trên báo chí, cổng thông tin điện tử...).
Giám sát chặt thanh lý xe công
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng về vấn đề thanh lý xe công nói riêng và tài sản công nói chung khi đến hạn thanh lý. Theo đó, khi thực hiện đấu giá tài sản Nhà nước, trong đó có việc đấu giá xe ô tô công, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật như đăng trên báo nào, bao nhiêu số báo, đăng tải trên công thông tin điện tử... Nếu đơn vị nào thực hiện không đúng các quy định nói trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về số tiền thu được khi thanh lý tài sản công thì thực hiện theo quy định pháp luật, nếu là cơ quan hành chính Nhà nước thì phải nộp ngân sách; đơn vị sự nghiệp ngoài đảm bảo nộp ngân sách thì có thể đưa một phần vào quỹ hỗ trợ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Cục Quản lý công sản cũng cho biết, sau khi có thông tin báo chí nêu thanh lý 264 xe công với giá trị còn lại 390 triệu đồng hồi giữa năm 2016, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành địa phương yêu cầu chấn chỉnh việc bán tài sản nói chung và thanh lý xe ô tô nói riêng và các đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện của mình. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát và nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì chấn chỉnh ngay” – ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết.
Đơn vị thanh lý xe công phải công khai, minh bạch |
Cập nhật số liệu xe công đã được thanh lý, ông Trần Đức Thắng cho biết hiện tổng số xe đã thanh lý là 1.105 chiếc. Ngoài ra, còn 2.041 chiếc các bộ ngành địa phương đã xác định dư thừa và phải thực hiện thanh lý, tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương chưa báo cáo hết số lượng thanh lý về Bộ Tài chính.
Về số tiền thu được từ việc thanh lý xe, ông Trần Đức Thắng cho biết trong số 1.105 xe, các bộ ngành, địa phương đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, bình quân là 46,2 triệu đồng/xe.
Vì sao đơn giá khoán cao hơn giá taxi
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao Bộ Tài chính đưa ra phương án khoán dự kiến 6,5 triệu đồng hoặc theo đơn giá 16.000 đồng/km, đại diện Bộ Tài chính cho biết, con số 6,5 triệu đồng là dựa trên việc kiểm chứng thực tiễn thực hiện tại Bộ Tài chính thời gian vừa qua (người nhận khoán cao nhất gần 10 triệu đồng và thấp nhất hơn 3 triệu đồng/tháng).
Còn phương án áp dụng đơn giá xe taxi 16.000 đồng/km được cho là cao hơn giá cước taxi hiện nay (7.000 - 12.000 đồng), ông Trần Đức Thắng cho rằng đơn giá này còn tính theo giá trị xe. “Hiện nay tiêu chuẩn xe công của Thứ trưởng là khoảng gần 1,2 tỷ, xe công tác chung là 720 triệu đồng... Vì vậy, đơn giá 16.000 đồng/km nhìn vào tưởng cao nhưng so với chi phí 320 triệu/xe là tiết kiệm rồi. Như vậy, Nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi.
Ngoài ra, sức sống quy định phải lâu dài, vì hiện nay giá xăng đang thấp nhưng sau đó lại có thể tăng lên, nếu lúc đó lại sửa quy định thì rất mệt” - ông Trần Đức Thắng phân tích.
Về vấn đề xử lý xe và lái xe dôi dư, Bộ Tài chính cho biết sẽ có những quy định đảm bảo không để ảnh hưởng đến cuộc sống của cán bộ lái xe, “không thể đẩy anh em ra ngoài”. Tuy nhiên, việc khoán xe công tiến tới sẽ giúp giảm số lượng công chức, viên chức. “Chẳng hạn như Bộ Tài chính hiện nay khi số lái xe đến tuổi nghỉ hưu sẽ không tuyển thêm lái xe mới nữa” – ông Thắng nói.