Hôm qua, ngày 20/12, hãng xe Nhật Bản thông báo Toyota triệu hồi 1,12 triệu xe toàn cầu bao gồm các mẫu Toyota Avalon, Camry, Corolla, RAV4, Highlander, Sienna Hybrid, Lexus ES250, ES300H, ES350, RX350 đời từ 2020 tới 2022. Trong đó có một triệu xe ở Mỹ, số còn lại ở những thị trường khác.
Toyota cho biết trên các mẫu xe trên, các cảm biến của hệ thống phân loại hành khách (OCS) không hoạt động.
Toyota Camry đời 2020-2022 nằm trong diện triệu hồi vì lỗi túi khí. |
Lỗi này có thể khiến các cảm biến của hệ thống phân loại hành khách (OCS) gồm cảm biến trọng lượng đặt dưới ghế, cảm biến đo lực căng dây đai an toàn để xác định trên ghế là trẻ em ngồi có thắt dây an toàn hay chỉ đơn thuần là đặt vật nặng lên ghế không hoạt động. Điều này khiến hệ thống trên xe không phân tích chính xác được dữ liệu, trên bảng đồng hồ sẽ không hiển thị đèn báo hiệu để lái xe biết túi khí ghế hành khách tắt hay bật. Đồng thời, việc cảm biến của OCS bị đoản mạch khiến hệ thống làm việc sai, và gây nguy cơ không bung đúng như thiết kế khi gặp tai nạn.
Nếu cảm biến của OCS hoạt động bình thường, xe xác định trên ghế là trẻ em, người lớn nhẹ cân hoặc đơn thuần là một vật nặng, túi khí sẽ không bung khi xảy ra va chạm nhẹ. Bởi lẽ với trẻ em, việc túi khí bung ở tốc độ khoảng 320 km/h có thể khiến tử vong hoặc chấn thương đầu, cổ, cột sống. Hãng xe Nhật có kế hoạch bắt đầu thông báo đến các chủ xe trong diện triệu hồi trong tháng 2/2024. Các đại lý kiểm tra và nếu cần thiết, sẽ thay thế các cảm biến lỗi.
Tháng 7/2022, Toyota cũng đã phải triệu hồi 3.500 chiếc RAV4 tại Mỹ vì sự va chạm giữa những linh kiện có thể khiến cảm biến OCS không phát hiện chính xác hành khách ở ghế trước. Các túi khí phía trước đã giúp cứu hơn 50.000 mạng người tại Mỹ trong hơn 30 năm qua, theo Cơ quan an toàn giao thông đường cao tốc Mỹ (NHTSA).
Trước đó, năm 2010, Toyota rơi vào cuộc "khủng hoảng chân ga" khi nhiều khách hàng Mỹ gặp tình huống xe tăng tốc đột ngột. Thậm chí sau khi được sửa, xe vẫn gặp tình trạng tương tự.
Chủ tịch Soichiro Okudaira của Daihatsu Motor tại buổi họp báo ở Tokyo (Nhật Bản) hôm 20/12. |
Cũng trong thông báo đưa ra hôm 20/12, Toyota cho biết thương hiệu con Daihatsu sẽ dừng mọi hoạt động vận chuyển với tất cả các xe. Sự việc là hậu quả của bê bối an toàn liên quan tới 64 mẫu xe, gồm gần 20 mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota.
Một ủy ban độc lập đã điều tra Daihatsu sau khi hãng thừa nhận vào tháng 4 rằng đã tùy chỉnh phần bên trong cửa của 88.000 xe Toyota Vios và Perodua Axia nhằm giảm thiểu nguy cơ khi va chạm, giúp cửa xe không bị gãy, vỡ tạo thành dạng sắc nhọn có thể làm bị thương người trên xe khi túi khí bên bung ra. Quá trình điều tra thấy rằng các thiết bị túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm túi khí của một số mẫu có khác biệt so với túi khí trên những xe bán ra thị trường, gồm các mẫu Toyota Town Ace và Pixis Joy cũng như Mazda Bongo. Gian lận còn bao gồm những báo cáo giả mạo về các thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe.
Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm nay, với gần 40% số đó là tại các nhà máy ở nước ngoài, theo dữ liệu của Toyota. Hãng đã bán ra khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong 10 tháng đầu năm, chiếm 7% doanh số của Toyota.
Danh sách xe bị ảnh hưởng bởi bê bối gian lận an toàn của Daihatsu có mẫu Toyota Avanza bán tại Việt Nam. |
Toyota cho biết các mẫu xe bị ảnh hưởng được bán ở các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cùng các nước ở Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chilê, Bolivia và Uruguay.
Tùng Thiện