![]() |
Uống rượu sau bao lâu thì hết nồng độ cồn? |
Đơn vị cồn là gì?
Căn cứ vào thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm đơn vị cồn.
Một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200 ml bia; 75 ml rượu vang (1 ly); 25 ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, tùy vào cơ thể của từng người mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.
Chúng ta có thể ước lượng được quãng thời gian, nhưng đây là con số ước tính, không chuẩn xác 100% bởi mỗi cá nhân sẽ có thời gian khác nhau và nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ thải trừ cồn của cơ thể.
Theo bác sĩ Hoàng, một người trưởng thành có sức khoẻ bình thường thì cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.
Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10-15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85-90% sẽ được xử lý qua gan.
Uống 10 chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 10 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 10 tiếng đào thải. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong máu về 0.
Do đó, nếu bạn uống 10 chén rượu mạnh, bạn sẽ mất khoảng 13 tiếng đồng hồ sau uống thì thổi nồng độ cồn mới không lên.
![]() |
Thời gian hết nồng độ cồn là bao lâu? |
Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian hết nồng độ cồn
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – thời gian từ lúc uống rượu đến khi xét nghiệm cho kết quả âm tính còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
Lượng rượu đã uống: Uống càng nhiều thì nồng độ cồn càng cao và thời gian đào thải càng lâu.
Nồng độ cồn trong loại rượu: Rượu mạnh sẽ để lại nồng độ cao và lâu tan hơn rượu nhẹ.
Uống khi đói: Cồn được hấp thụ nhanh hơn nếu uống khi bụng rỗng.
Thói quen uống rượu kéo dài: Người uống thường xuyên hoặc liên tục khiến rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn.
Cơ địa từng người: Khả năng chuyển hóa rượu ở mỗi người khác nhau – tùy theo thể trạng, sức khỏe gan, tốc độ trao đổi chất.
Ảnh hưởng từ một số thực phẩm và thuốc:
- Một số loại đồ uống như socola, hoa quả lên men, siro cảm cúm, viên ngậm sát trùng… chứa một lượng nhỏ ethanol.
- Thức ăn chứa tinh bột, đường nếu bảo quản kém có thể lên men và sinh ra cồn trong hơi thở.
Vì vậy, có trường hợp sau 24 giờ vẫn còn dương tính với nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
![]() |
Uống rượu sau bao lâu thì hết nồng độ cồn?
Khuyến nghị từ Bác sĩ
- Nếu lỡ dùng thực phẩm/thuốc có ethanol, nên đợi ít nhất 15–30 phút rồi mới tham gia giao thông.
- Để giữ nồng độ cồn dưới 0,25 mg/l khí thở:
- Nam giới không nên uống quá 2 ly tiêu chuẩn trong giờ đầu và 1 ly mỗi giờ sau đó.
- Phụ nữ nên giới hạn ở 1 ly tiêu chuẩn mỗi giờ.
Lời khuyên quan trọng
Tốt nhất, đã uống rượu bia thì không lái xe, và nếu đã lái xe thì không uống rượu bia – để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, cũng như tránh vi phạm pháp luật.
Phương Huyền