Khi có tai nạn gây tổn thất về tài sản, bảo hiểm sẽ đứng ra giải quyết việc đền bù với chủ xe. Ảnh: minh họa |
Câu chuyện được chia sẻ bởi chị Bùi Hà, đến từ Nam Định. Cụ thể, vào 15h30 phút ngày 19/11/2023, khi đang lưu thông trên đường Song Tử Tây (đoạn ngã tư giao với đường Võ Chí Công), thành phố Nam Định, chị Hà điều khiển xe ô tô vượt xe máy cũng đang đi lên từ phía bên trái. Hậu quả, hai xe va chạm, chiếc ô tô bị hỏng phần đầu phía bên lái. Tuy nhiên, xe máy đã bỏ chạy ngay sau đó, khiến việc xác định lỗi sai và giám định tổn thất trở nên khó khăn. Ngay sau đó, chị Hà đã gọi điện tới công ty bảo hiểm chiếc xe ô tô của mình để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, chị Hà không hài lòng vì bảo hiểm chỉ chấp nhận đền bù 50% tổn thất. Theo chị, việc này "không hề đúng quy định cũng như đúng điều khoản trong hợp đồng đã ký". Sau đó, nữ tài xế trải qua hành trình gần 1 tháng đi đòi đền bù bảo hiểm 100%, dưới sự giúp đỡ của phía luật sư. Dưới đây là chia sẻ của chị. |
Không có chuyện bảo hiểm được quyền bồi thường theo phân lỗi - đó là bài học đầu tiên em rút ra sau hành trình đi đòi bồi thường bảo hiểm vụ tai nạn của em. Từ việc chỉ được đền bù 50% (theo phân lỗi), em đã đòi lên đủ 100%, xin chia sẻ lại để các bác cùng tham khảo.
Ngày 1: tai nạn xảy ra giữa ô tô của em và xe máy, xe máy bỏ chạy khỏi hiện trường. Em gọi hotline, giám định viên đến hiện trường xác định nguyên nhân, giám định tổn thất, phân lỗi,…
Ngày 2: đưa xe ra gara, dự kiến chi phí sửa chữa khoảng 44 triệu và sửa mất 2-3 ngày.
Ngày 4: Phía bảo hiểm ngăn cản gara sửa xe với lý do muốn đưa xe ra hiện trường để gọi công an giải quyết.
Giám định viên giải thích lý do không cho gara tiếp tục sửa chữa xe. |
Ngày 5: phía bảo hiểm làm biên bản đề xuất bồi thường 50% theo phân lỗi, yêu cầu đi trình báo công an truy tìm bên thứ ba gây tai nạn.
Cụ thể, biên bản làm việc lập vào 23/11/2023 giữa giám định viên (đại diện bảo hiểm) và em là lái xe ô tô, đưa ra hướng giải quyết vụ tai nạn xảy ra giữa xe ô tô và xe máy tại đường Song Tử Tây (ngã tư giao với đường Võ Chí Công) vào 15h30 ngày 19/11/2023.
Theo đó, bên giám định viên ghi tình huống tai nạn theo lời khai của em: "Khi đang di chuyển trên đường Song Tử Tây đến đoạn ngã tư giao với đường Võ Chí Công thì vượt xe máy đi từ bên trái đến va chạm vào đầu xe, gây tổn thất phần đầu xe bên lái. Khi chị Hà gọi báo tổng đài thì xe máy đã bỏ chạy mất".
Tiếp theo, "trích xuất camera hành trình, ghi nhận tổn thất do va chạm với xe máy. Giám định viên đánh giá, nhận định lỗi các bên là 50/50, trao đổi và thống nhất với chị Hà về phân lỗi. Giám định viên hướng dẫn chị Hà thông báo cơ quan công an giải quyết, không tự ý thỏa thuận với bên thứ ba khi chưa có ý kiến của bảo hiểm".
Cuối cùng, biên bản kết luận: "Giám định viên đánh giá và đề xuất mức bồi thường thiệt hại cho xe là 50% (bồi thường theo phân lỗi 50/50)".
Không đồng tình với đề xuất của bảo hiểm, em đưa ra ý kiến dưới biên bản: "Giám định viên đã giám định và xác định nguyên nhân tai nạn và phân lỗi 50/50 nên không cần hồ sơ công an tham khảo phân lỗi", bên cạnh đó, "bồi thường 50% theo phân lỗi là trái quy tắc bảo hiểm và vi phạm luật kinh doanh bảo hiểm nên tôi không đồng ý".
Phản hồi lại ý kiến của em, giám định viên tiếp tục đề nghị khách hàng phối hợp với bảo hiểm bằng cách trình báo cơ quan chức năng về vụ tai nạn để truy tìm bên thứ ba gây tai nạn rồi bỏ chạy.
"Sau khi chủ xe/lái xe làm đơn trình báo cơ quan chức năng, bảo hiểm sẽ phối hợp gửi công văn sang cơ quan chức năng để làm rõ. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng về bên thứ ba (xe máy gây tai nạn), bảo hiểm sẽ tiến hành giải quyết đền bù theo quy định", biên bản viết.
Tuy nhiên, em vẫn không đồng ý với đề nghị này của phía bảo hiểm, em cho biết sẽ trình báo cơ quan chức năng theo quy định tại quy tắc bảo hiểm nhưng cũng "đề nghị bảo hiểm tuân thủ đúng quy tắc bảo hiểm và luật kinh doanh bảo hiểm khi giải quyết bồi thường, không được tự ý đưa ra các yêu cầu không được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm".
Đồng thời em đặt câu hỏi ngay dưới biên bản:" Tại sao khi bán bảo hiểm, thu tiền của tôi thì không yêu cầu trình báo và có kết luận của cơ quan chức năng, nhưng khi thực hiện nghĩa vụ lại đưa ra yêu cầu không có trong hợp đồng bảo hiểm".
Biên bản làm việc có ý kiến của cả giám định viên và lái xe (chị Hà). |
Ngày 9: em yêu cầu gara phải sửa xe ngay lập tức và yêu cầu bảo hiểm ra văn bản đàng hoàng về phương án bồi thường.
Ngày 11: bảo hiểm gửi thư mời em (lái xe) và bố em (chủ xe) ngay sáng hôm sau lên văn phòng tại Hà Nội vào 9h30 để nghe bảo hiểm giải thích, nhưng em không đi.
Ngày 12: gửi đơn khiếu nại lần một và ứng tiền cho gara lấy xe về.
Ngày 16: Bảo hiểm về Nam Định gặp em, em tranh cãi đến cùng với bảo hiểm về các yêu cầu trái quy tắc bảo hiểm. Phía bảo hiểm vẫn bảo lưu quan điểm: bồi thường theo phân lỗi 50/50 là đúng và muốn đền đủ thì phải có hồ sơ của cơ quan công an.
Bảo hiểm gửi giấy mời chủ xe và lái xe ô tô lên văn phòng làm việc |
Ngày 17: một cá nhân bên bảo hiểm dùng thủ đoạn đe doạ công an để đòi hồ sơ, gián tiếp gây áp lực bắt em phải thoả thuận 75/25. Vì không muốn gây phiền hà đến người khác, em chấp nhận thoả thuận 75/25 trong uất ức, bảo hiểm lập tức ra thư bảo lãnh 75%.
Ngày 23: Không nhẫn nhịn nữa, em tiếp tục gửi đơn khiếu lại lần thứ hai lên Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ngày 26: Lãnh đạo đại diện bên bảo hiểm gọi điện xin lỗi, cư xử rất chuyên nghiệp và đền bù đủ 100% chi phí sửa chữa cho em.
Đơn khiếu nại lần một mà chị Hà gửi lên công ty bảo hiểm |
Đơn khiếu nại lần hai chị Hà trực tiếp gửi lên Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty bảo hiểm |
Vậy nên, không có chuyện chỉ được đền bù tổn thất theo phân lỗi, điều đó không được quy định tại bất kỳ quy định nào cả.
May mắn là, sau lưng em có một chuyên gia thường xuyên hỗ trợ về pháp lý, soạn cho cả đơn khiếu nại. Thành quả đã đạt được này khiến em tin tưởng hơn vào giá trị của việc mua bảo hiểm.
Bùi Hà