Chuyến đi Ấn Độ của tôi đến rất tình cờ, trong một lần lang thang facebook, thấy cậu em lên kế hoạch đi Ấn Độ, tôi cũng rất muốn đi. Nhưng lúc đó tôi vừa đi Nam Mỹ mất gần 2 tháng về và phải thu xếp công việc. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, cuối cùng tôi vẫn quyết tâm xin tham gia. Chúng tôi cùng lên các forum, facebook tuyển thêm người. Sau một hồi rủ rê chúng tôi tìm thêm được 2 thành viên nữa. Như thế cả đoàn tổng cộng có 4 người, đều là phượt thủ chuyên nghiệp. Đội hình quá hoàn hảo cho một chuyến đi.
Chúng tôi có 2 tháng để thống nhất với nhau về một cuộc hành trình bằng mô tô kéo dài 14 ngày ở Ấn Độ. Chúng tôi sẽ đi xuyên qua vùng Leh và chinh phục đỉnh Khardung La – Đây là con đèo cao nhất thế giới mà xe máy có thể đi qua được.
Cả đoàn thống nhất với nhau về một cuộc hành trình bằng mô tô kéo dài 14 ngày ở Ấn Độ, đi xuyên qua vùng Leh và chinh phục đỉnh Khardung La |
Ấn tượng không quên về đồ ăn ở Ấn Độ.
Nếu ai đó hỏi về “Cái làm chúng tôi sợ nhất ở Ấn?” thì đó chính là đồ ăn. Mặc dù, bọn backpackers chúng tôi có thể ăn bất cứ thứ gì và ngủ ở bất kỳ đâu. Nhưng riêng với đồ ăn của Ấn thì chúng tôi đã thử và kết luận là không thể ăn được. Người Ấn dùng quá nhiều bột cà ri cộng với cách ướp thức ăn của họ có mùi rất hắc nên thức ăn cực kỳ khó ăn. Bởi vì đã chuẩn bị tâm lý trước cho nên ngay từ khi còn ở nhà chúng tôi đã lên kế hoạch mang theo mỳ tôm, ruốc, mắm muối để khi đến Ấn, nếu có thời gian rảnh cả hội sẽ tranh thủ đi chợ và nấu nướng theo kiểu Việt Nam. Hơn nữa vì biết người Ấn ăn bằng tay nên chúng tôi còn mang theo dao, dĩa, thìa để tiện sử dụng. Nhưng vẫn có những điều chúng tôi không thể lường trước được, ví dụ, vùng Leh chúng tôi đi qua là vùng theo đạo Phật vì thế đa số người dân ở đây ăn chay. Đặc biệt, ở khu vực Khardung La cả vùng đều ăn chay nên không hề có thịt.
Có một kỉ niệm khi chúng tôi chạy từ Moonland đến tu viện Lamayuru. Lúc lên tới chân tu viện đã quá trưa nên cả nhóm tiến vào một nhà hàng ngay gần đó. Khi người phục vụ đưa menu ra, chúng tôi "ồ!" lên một tiếng khi thấy đủ các món bít tết. Vì đã mấy hôm liền thực đơn chính là mỳ tôm, ruốc nên nhìn thấy có món ăn phù hợp khẩu vị nước dãi ai nấy đều chảy dòng dòng. Bọn chúng tôi thi nhau order: Nào bít tết cá ngừ, nào bít tết lợn, gà lung tung... Làm cho cậu phục vụ phải nói: "Từ từ chúng mày chậm thôi để tao còn ghi nữa" cùng với một nụ cười bí hiểm.
Vì không có rượu vang, beer nên chúng tôi đành gọi một chai nước cam mặc dù biết uống nước cam với bít tết thì không phù hợp lắm. Tôi trêu cả hội “Mới hôm trước bọn mình còn nói chuyện: Khi về New Delhi phải làm một bữa bít tết đã đời, thế mà hôm nay không ngờ may mắn được ăn ở đây”. Cả hội gật gù đồng ý.
Trong lúc đợi đồ ăn, bọn chúng tôi ngồi mơ màng về món ăn sắp được phục vụ. Chúng tôi vừa đợi vừa hỏi "Sao lâu thế nhỉ?". "Ừ thì làm bít tết nó phải lấy thịt này, tẩm ướp này, rôi chiên này, rồi khi miếng thịt tái người ta lật mặt, rồi cho nước sốt vào....". Cậu em trong đoàn tả chi tiết quá làm cho tôi nuốt nước bọt ừng ực và phải bảo: "Thôi trật tự đi, tả như thế thì bố ai chịu được! Miệng tiết nước bọt nuốt vào no hết cả bụng rồi đây này"
15 phút sau, món ăn của chúng tôi được dọn ra. Mặc dù đã dặn cậu phục vụ không cho cà ri nhưng theo thói quen trước khi ăn cả bọn vẫn đồng loạt cúi xuống hít hít. Tôi cầm dao, dĩa cắt miếng thịt nhỏ ra rồi đưa lên miệng. Miếng ngon là phải nhấm nháp từ từ, nhất là ở đây món bít tết này cực hiếm. Đưa vào miệng tôi nhai nhai, thấy có gì đó lạ lạ, quay sang bên cạnh thấy mấy đứa em cũng đang trợn mắt, lắc đầu. Tôi cầm con dao và cái dĩa tách phần bít tết còn lại ra xem, hoá ra bít tết của tôi toàn rau củ, những đĩa còn lại cũng thế.
Một người bạn trong đoàn cố gắng ăn món bít tết rau củ |
Tức mình vì bị lừa, tôi gọi cậu phục vụ đến và hỏi:
- Này cậu, lúc nãy chúng tôi đặt bít tết. Những món này (tôi đưa tay chỉ vào menu)
- Yes!
- Tại sao cậu lại đưa nhầm món cho chúng tôi
- No!
- No?!. Nhìn đi toàn là rau không, có thấy thịt đâu mà ghi là bít tết cá ngừ, rồi bít tết gà? Nhà hàng này lừa đảo?
- Thưa ngài! Đây là quán chay. Dù tất cả các món ghi như thế nhưng đều là món chay hết.
Một lần khác, chúng tôi chạy tới thị trấn Khardung la cũng là quá trưa. Lần này không để người thợ máy tìm nhà hàng mà chúng tôi tự thân vận động. Khi nhìn thấy một tốp lính đi vào trong một cửa hàng, tôi chắc mẩm “Đã là lính thì chắc chắn phải ăn thịt rồi”. Chúng tôi đi vào theo và gọi một loạt đồ ăn có thịt. Nhưng đáp lại vẫn là cái lắc đầu và câu nói quen thuộc "No meat!". Tôi trợn tròn mắt, nhìn sang thì hoá ra lính ở đây cũng ăn chay.
Tôi đành hỏi chủ quán “Ở đây có trứng không?” Ông ta bảo “có”. “Thế thì ông cho chúng tôi mấy quả ốp lết”. Ông chủ gật đầu. Nhưng lúc đem trứng ra, đĩa trứng ốp lết của chúng tôi đặc một mầu trắng. Bực mình tôi hỏi cậu phục vụ: "Lòng đỏ ở đâu?". Cậu ta nói: "Ở đây chúng tôi ăn chay, lòng đỏ không phải là chay nên chúng tôi đã bỏ nó".
Đĩa trứng ốp lết được người dân địa phương laoị bỏ hoàn toàn phần lòng đỏ |
Có nên chọn phượt bằng xe máy ở bắc Ấn?
Nhiều người hỏi chúng tôi “Tại sao phượt bằng xe máy mà không đi ô tô?”. Thật ra, thì mỗi người một sở thích. Có người thích tiện nghi, mát mẻ, sạch sẽ và an toàn thì chọn ô tô. Còn tôi cảm thấy chỉ có đi xe máy mới cho mình cảm giác “Phê” nhất, chỉ có đi xe máy tôi mới ngửi được mùi lúa chín, mới thấy được vị mặn ở đầu môi khi chạy gần tới biển và chỉ có xe máy mới đem lại cho tôi những cảm giác phấn khích ở những góc cua.
Đối với vấn đề sở thích không có đúng, sai. Nhưng lời khuyên dành cho mọi người là không phải ai cũng có thể lập tức bỏ ô tô sang đi xe máy. Bởi chạy xe máy phải có cả quá trình luyện tập và đi các cung đường từ dễ đến khó khăn. Đặc biệt với cung đường bắc Ấn này độ khó rất cao, nguy cơ bị xòe luôn rình rập.
Không phải ai cũng có thể bỏ ô tô sang đi xe máy bởi chạy xe máy phải có cả quá trình luyện tập và đi các cung đường từ dễ đến khó khăn. |
Trong những ngày ở Leh chúng tôi thuê trọn gói một tour chạy xe mô tô. Giá tua hết gần 4.000 USD cho 4 người. Bao gồm, xe mô tô Royal Enfied Bullet 500cc (xăng tự đổ). Tiền khách sạn, 1 ngày có 2 bữa ăn sáng và tối (trưa tự bỏ tiền túi ăn). Vé cầu đường (nhưng không bao gồm vé vào các điểm du lịch. Ngoài ra chúng tôi còn có 1 xe Jeep pick up và thợ máy đi cùng trong suốt thời gian chúng tôi thám hiểm bắc Ấn.
Kỷ niệm suýt chết trên đỉnh Khardung La
Mục đích lớn nhất trong chuyến đi Ấn Độ này của chúng tôi là chinh phục đỉnh Khardung La – Đây là con đèo cao nhất thế giới mà xe máy có thể đi qua được.
Hành trình lên đỉnh Khardung La đầy thử thách với những đoạn đường ổ voi, ổ gà liên tục, mặt đường đã bị mất đi lớp nhựa, trơ ra toàn những tảng đá hộc bên trong. Thậm chí khi chúng tôi chỉ còn khoảng 4km nữa là lên tới Khardung La thì thời tiết bắt đầu lạnh, tuyết tan chảy từ đỉnh núi xuống tạo thành những con suối nhỏ ngay trên mặt đường xói mòn cả những lớp nhựa còn sót lại bám trên đó. Chiếc xe RE nhẩy chồm lên chồm xuống, đôi giảm xóc kêu ken két. Và chúng tôi buộc phải đứng lên lái xe để đỡ bị dồn lực vào lưng và nếu có vấn đề gì có thể nhẩy ra ngoài xe ngay.
Cho tới tận bây giờ khi nhớ lại cảm giác chinh phục được đỉnh đèo Khardung La, vượt qua những con đường gồ ghề khúc khuỷu một bên là vách núi một bên là vực thẳm tôi vẫn thấy vô cùng xúc động. Khi bạn đi qua được khó khăn của đỉnh Khardung La sừng sững. Nghe thấy tiếng hét, tiếng reo hò phấn khích của các nhóm biker từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Lên tới đây sẽ không còn ranh giới về địa lý, không còn khoảng cách về sắc tộc mầu da, ai gặp nhau cũng vui mừng ôm hôn rồi nói "Congratulation!" chia sẻ với nhau những niềm vui hạnh phúc ngập tràn khi vượt qua những khó khăn để lên được tới đỉnh. Trong cuộc sống có những khoảnh khắc bạn chỉ được trải qua và cảm nhận 1 lần trong đời và Khardung La chính là một cột mốc mà chúng tôi đã cùng nhau đạt được.
Tất nhiên con người phải có sự trả giá cho hành trình chinh phục thiên nhiên của mình. Ở trên đỉnh Khardung La với độ cao 5.400m không phải chuyện đơn giản. Ở độ cao này nồng độ O2 trong không khí rất thấp, bạn có thể gặp nhiều triệu chứng do thiếu O2 như đau đầu, buồn nôn, tim đập nhanh… Và nếu không bổ sung đủ O2 kịp thời cơ thể sẽ cực kỳ mệt mỏi.
. Ở trên đỉnh Khardung La với độ cao 5.400m nồng độ O2 trong không khí rất thấp, bạn có thể gặp nhiều triệu chứng do thiếu O2 |
Con đường từ đỉnh Khardung La đi xuống cực kỳ nguy hiểm. Đường vốn hẹp, tuyết trên đỉnh lại tan ra chảy xuống là cho mặt đường đã xấu lại trơn ướt. Ổ voi, ổ trâu, ổ gà liên tục. Những chiếc xe vẫn tiếp tục nẩy tưng tưng chồm lên xuống và thật sự chiếc RE dòng classic không dành cho con đường này.
Biển báo giao thông ở đây không đầy đủ như Việt Nam nhưng những biển báo khúc cua cũng là thừa vì đường cua gắt liên tục. Mặc dù đường xuống đèo cũng không có biển báo độ dốc nhưng theo kinh nghiệm đi đèo của tôi thì dốc thường xuyên ở đây rơi vào khoảng 10-12%. Cái cần thiết nhất là thanh ta luy chắn bên vực cũng không có và đương nhiên cũng không có sơn phản quang hỗ trợ cho các xe đi tối. Ngoài ra tuyết thi thoảng lở và kéo theo đất đá từ trên núi xuống làm cho lòng đường càng hẹp.
Vào thời điểm chúng tôi bắt đầu đổ đèo tuyết bắt đầu rơi và nặng hạt dần như mưa đá. Lúc bất giờ quyết định rất khó khăn vì mưa tuyết + gió ầm ầm trên đỉnh đèo, trời sầm xì và tối rất mau. Nếu chúng tôi ở lại trú cho tan cơn mưa đá này thì không biết sẽ phải chờ đến khi nào? Nếu phải ở lại ban đêm trên này thì sẽ chết vì đói và rét. Ngược lại, đổ đèo trên băng cũng rất nguy hiểm. Sau khi suy đi tính lại chúng tôi quyết định đổ đèo trong cơn bão tuyết.
Con đường từ đỉnh Khardung La đi xuống được tính là cực kỳ nguy hiểm |
Tuyết rơi mỗi lúc một dày, chúng tôi chạy được khoảng 2km thì bắt đầu đi trên mặt băng trơn trượt. Nguy hiểm là không xe nào chạy trước chúng tôi, để cả đoàn có thể đi theo vệt bánh xe phía trước. Và chúng tôi bắt đầu vũ điệu trượt băng nghệ thuật. Giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, đường cua gắt liên tục, không có ta luy chắn, hơn nữa gió cũng rất to, xe thì lởm, không có ABS, lốp on road.
Đoàn mô tô chạy được khoảng 2km thì bắt đầu đi trên mặt băng trơn trượt. |
Chúng tôi chạy được khoảng vài trăm mét trên mặt băng thì chú em đầu tiên bắt đàu xoè, may mà nó chạy sát vách núi. Hoảng quá, thằng này lên xe ô tô ngồi, giao xe lại cho tay thợ máy lái. Chạy thêm được khoảng 1km nữa thì đến thằng em thứ 2 bắt đầu trượt băng. Do thằng này dùng phanh sau nên xe đổ, bắn xa ra một góc cách người đến cả trăm mét, còn người thằng này thì trượt đi một đoạn dài, may mà đến đúng khúc cua trái có đoạn đất trồi ra nên người còn mắc lại đó, chứ nếu cua phải thì thằng em này sẽ trượt băng thẳng xuống vực. Dựng cái xe lên mặt nó cắt không còn hột máu nhưng cả hội vẫn phải động viên em nó chạy tiếp vì làm gì còn ai lái xe hộ cho nó lên ô tô ngồi. Chúng tôi tiếp tục đổ đèo trong bão tuyết với tâm lý cực kỳ căng thẳng.
Tay tôi tê cóng lại, tuyết táp vào kính của mũ bảo hiểm rồi tan ra, nhỏ xuống cằm, thấm vào trong người lạnh giá. Những cơn gió thổi mạnh làm cho mình lái xe trên đường thẳng còn có nguy cơ xoè nữa là trên đường cua và trên mặt băng trơn. Trời mỗi lúc một tối thêm, với điều kiện thời tiết, đường xá và xe cộ như thế chúng tôi chỉ có thể đổ đèo với vận tốc khoảng 20km/h.
Thật may mắn là có chiếc xe tải xin vượt, chúng tôi lập tức nhường đường ngay để đi sau vết bánh xe của nó. Ơn trời cũng chỉ chạy khoảng 10km thì đường hết tuyết và bắt đầu chuyển sang mưa. Tôi nghĩ bụng qua được mặt băng là tốt rồi. Chúng tôi phi một lèo cho hết cả chỗ mưa rồi đến lưng chừng đèo ngồi nghỉ.
Chúng tôi chạy qua cả cơn mưa thì trời bắt đầu hửng nắng. Thoát chết trong gang tấc, vừa lái xe rời khỏi Khardung La anh em chúng tôi vừa không ngừng cảm thán: Thời tiết ở đây vừa khắc nghiệt, vừa đỏng đảnh thay đổi liên tục như Chúa cũng muốn thử thách sức chịu đựng của con người.
Câu chuyện được chia sẻ bởi thành viên TungNguyenMD (Nguyễn Thanh Tùng) của diễn đàn Otofun.net, tác giả bài viết “Ấn Độ - Đại lục tinh thần”- Giải nhất cuộc thi Box CCCĐ năm 2017- 2018.
* Để đọc thêm thông tin chi tiết về chuyến đi bắc Ấn của thành viên TungNguyenMD, độc giả vui lòng truy cập theo địa chỉ đường link: https://www.otofun.net/threads/an-do-dai-luc-tinh-than.1228469/ |
Thu Hằng