Hội thảo do Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.HCM phối hợp Sở GTVT TP tổ chức sáng 20-4.
PGS.TS Phạm Xuân Mai trao đổi về việc hạn chế xe gắn máy tại hội thảo - Ảnh Tự Trung |
Là chuyên gia đầu tiên trình bày tham luận, PGS.TS Phạm Xuân Mai nhận xét ngay về tiêu đề hội thảo: “Tôi có cảm giác chúng ta sợ dư luận, sợ (người đi) xe máy quá. Nên thay vì nói là cấm xe máy thì cứ rón rén nói vòng quanh như kiểm soát xe gắn máy”.
Ông thẳng thắn cho rằng: việc TP cần làm là sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông của TP.
Xe máy - kẻ chiếm đất!
Để bảo vệ quan điểm của mình, PGS.TS Phạm Xuân Mai đưa ra hàng loạt các dẫn chứng và số liệu và lập luận.
Ông Mai cho biết TP.HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy/1.000 dân. Con số này ở Hà Nội là 653, ở Bangkok (Thái Lan) 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160.
Hiện 98% gia đình ở TP.HCM có xe máy. Tổng số xe máy của TP khoảng 7,5 triệu xe, trung bình hàng năm tăng 400.000 - 500.000 xe.
Ông Mai cũng cáo buộc “xe máy là kẻ chiếm đất” dành cho giao thông của TP, bởi quỹ mặt đường hiện nay của TP đạt khoảng 26 triệu m2 không đủ khả năng chứa 70 - 80% lượng xe máy hoạt động. Thực tế, lượng xe máy hoạt động chiếm 12 - 48 triệu m2 của TP.
Cụ thể hơn, ông Mai đưa ra tính toán: khi lưu thông thông, một người đi bộ chiếm 0,75m2/người; người đi xe đạp chiếm 6,7m2/người trong khi người đi xe máy chiếm đến 12m2/người.
“Xe máy gây ra kẹt xe theo kiểu “cuộn chỉ rối", dù CSGT có xuất hiện cũng gặp khó khăn bế tắc khi điều tiết, gỡ rối. Trong khi ôtô thì kẹt thành dòng, CSGT có thể xử lý được” - ông Mai nói thêm.
Theo ông Mai, xe máy cũng là thủ phạm chính gây ra tai nạn giao thông. Số liệu thống kê cho thấy hàng năm tại TP.HCM tai nạn giao thông làm chết 700 - 800 người và hàng ngàn người bị thương. Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu tại nội đô (65%) và chủ yếu do xe máy (71%)
Nghiêm trọng hơn, ông Mai còn cho biết hàng năm trên cả nước có khoảng 10.000 người chết do tai nạn giao thông, tương đương với số người chết vì 43 tai nạn máy bay rơi trên thế giới.
“Cứ thử tưởng tượng nếu Việt Nam một năm có 43 chiếc máy bay rơi thì ai cũng thấy quá sức kinh khủng, sẽ không còn ai dám đi máy bay nữa. Nhưng xe máy đang gây tai nạn chết người hàng ngày hàng giờ thì ít ai quan tâm” - ông Mai bức xúc.
Xe buýt giữa vòng vây xe gắn máy trên cầu Kênh Tẻ, Q.4 - Ảnh Tự Trung |
“Đừng đem cái nghèo ra dọa nhau mãi!”
Ông Mai nói TP.HCM đã nói đến chuyện hạn chế xe máy mười mấy năm rồi mà tới giờ này vẫn không thực hiện được.
“TP phải làm một cú đột phá, một cuộc cách mạng về giao thông mới thay đổi được bộ mặt giao thông của TP” - ông Mai hiến kế.
Cú đột phá đó, theo ông Mai, không cách nào khác là phải cấm, tiến tới loại bỏ xe gắn máy ra khỏi hệ thống giao thông của TP.HCM.
Trong số rất nhiều giải pháp đã từng được đề cập như phát triển giao thông công cộng, tăng cường tuyên truyền vận động, ông Mai cho rằng cần đánh vào mặt kinh tế.
“Phải đánh vào kinh tế của người dân. Khi dân không chịu được thì sẽ từ bỏ sử dụng xe máy” - ông Mai quyết liệt.
Cụ thể, TP có thể triển khai thu phí, hạn chế xe máy vào khu trung tâm bằng cách không tổ chức chỗ đậu xe, không quy hoạch khu vực đậu xe thì không cách gì người dân sử dụng xe máy. Ngoài ra, nếu cấm cả việc đậu xe trên vỉa hè thì sẽ dần hạn chế được xe máy.
Ông Mai lập luận thêm: “Nói như thế thì có người sẽ bảo làm thế thì người nghèo sống bằng gì? Tôi cho rằng cứ kêu như thế thì không thể phát triển đất nước. Việt Nam bây giờ không còn là một nước nghèo nữa. Phải từ bỏ tư duy đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”.
Ngược lại, theo ông Mai, chính việc dung dưỡng không quyết liệt loại bỏ xe máy đã kéo lùi sự phát triển của TP.HCM, từ đó khiến đời sống của người dân không thể phát triển hơn. Bởi theo tính toán sơ bộ, tổng thiệt hại do xe gắn máy gây ra cho TP.HCM ước khoảng 6,184 tỉ USD mỗi năm, chiếm 13,4% GDP của TP, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TP hàng năm (chỉ đạt khoảng 7-8%)
“Đã đến lúc chúng ta đừng nói, đừng bàn nhiều nữa. Tôi hi vọng đây là lần cuối cùng TP tổ chức hội thảo về nội dung này. Phải bắt tay vào thực hiện ngay” - ông Mai tha thiết đề xuất.
Đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh Tự Trung |
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP - cho biết thêm ông Phạm Xuân Mai đã nghiên cứu về đề tài về xe gắn máy từ năm 2004 với rất nhiều tâm huyết và vẫn tiếp tục theo đuổi cho đến hôm nay