Sáng 9/11, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt, cho biết do địa chất phức tạp tại khu vực đèo Cả (Phú Yên), nên ngành đường sắt chưa xử lý được điểm sụt trượt để thông đường như dự kiến trước đó vào hôm nay.
Theo ông, các đơn vị tư vấn chưa đưa ra được phương án thi công tối ưu, thời gian ngắn đối với điểm sụt trượt đường sắt tại đèo Cả.
"Một số đơn vị tư vấn trong nước đã lập phương án thi công kéo dài đến 3 tuần nên chúng tôi chưa chấp thuận. Chúng tôi đang làm việc với tư vấn nước ngoài tìm phương án khả thi hơn, giảm thời gian", ông Minh nói.
Địa hình khu vực sụt trượt tại đèo Cả một bên là vách núi, một bên là biển, đường sắt ở độ cao 30 m so với mực nước biển, địa chất dễ sạt lở thêm trên diện rộng khi mưa lớn, khiến phương án xử lý điểm sạt lở này phức tạp.
Một trong những điểm sạt lở qua khu vực Đèo Cả (Phú Yên). Ảnh: Báo Giao thông. |
Tại hiện trường, trời tiếp tục mưa to khiến điểm sạt mở rộng từ 20 m lên đến 50 m, dự kiến đơn vị thi công phải đắp khoảng 5.000 m3 đá. Tuy nhiên, đường vận chuyển vật tư duy nhất là đường sắt, địa hình hẹp không thể đặt máy móc cơ giới nên công nhân phải làm thủ công.
Trong khi chờ thông đường, ngành đường sắt tiến hành dồn tàu khách Bắc Nam và chuyển tải khách bằng đường bộ giữa hai ga Hảo Sơn (Phú Yên) và Đại Lãnh (Khánh Hòa). Các chuyến tàu hàng đi qua khu vực này phải tạm dừng.
Trước đó, trong bão số 12, đường sắt Bắc – Nam qua khu vực Đèo Cả đã bị sụt trượt nhiều vị trí. Đặc biệt, tại km 1226+780 giữa ga Hảo Sơn và ga Đại Lãnh, đường sắt bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường phải phong tỏa để sửa chữa.
Ngày 5/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã họp bàn phương án và tập trung nhân lực thi công để xử lý vết sụt trượt và đặt kế hoạch thông tàu tốc độ 5 km/h vào ngày 9/11.