Hãng xe điện Trung Quốc BYD bị nghi ngờ đang che giấu mức nợ lớn hơn gấp hơn 10 lần so với báo cáo thực tế. |
Công ty nghiên cứu GMT Research có trụ sở tại Hong Kong vừa gây chấn động thị trường khi cáo buộc BYD, "ông lớn" xe điện của Trung Quốc, có thể đang che giấu một lượng nợ khổng lồ thông qua các giao dịch phức tạp trong chuỗi cung ứng. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về tình hình tài chính của BYD, đặc biệt khi họ đang dẫn đầu trong cuộc đua xe điện khốc liệt tại Trung Quốc.
Trong mô hình tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) điển hình, nhà cung cấp của BYD thay vì phải chờ đợi 30 ngày để nhận được khoản thanh toán sau khi giao hàng, có thể chọn nhận thanh toán sớm từ một tổ chức tài chính có liên kết với BYD. Nhà cung cấp sẽ trả một khoản phí tài trợ cho tổ chức này. Đổi lại, BYD sẽ được gia hạn thời hạn thanh toán lên 60 ngày, thay vì 30 ngày như ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền của công ty. Cơ chế này hoạt động dựa trên việc chuyển nhượng các khoản phải thu thương mại của BYD cho tổ chức tài chính.
Các chuyên gia của GMT Research cảnh báo rằng tài chính chuỗi cung ứng tiềm ẩn rủi ro vì các điều khoản, thời điểm rút vốn và đối tượng thụ hưởng không rõ ràng. Báo cáo của GMT ước tính nợ ròng thực tế của BYD có thể lên tới 323 tỷ NDT tính đến 30/6/2024, cao hơn nhiều so với con số 27,7 tỷ NDT được công bố. Sự chênh lệch giữa số liệu nợ thực tế và số liệu được báo cáo của BYD phần lớn là do công ty đã áp dụng các chính sách kế toán linh hoạt. Bằng cách loại bỏ các khoản phải thu và phân loại lại các khoản phải trả, BYD đã tạo ra một hình ảnh tài chính đẹp hơn so với thực tế.
BYD đã ra mắt ba mẫu xe điện tại thị trường Việt Nam. |
Đồng thời, sự tăng trưởng mạnh mẽ của mục "phải trả khác" của BYD, vốn tăng vọt lên 165 tỷ NDT vào cuối năm 2023 từ mức 41,3 tỷ NDT cuối năm 2021, càng củng cố nghi ngờ về việc công ty đang sử dụng các công cụ tài chính phức tạp để che giấu một phần nợ. Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và độ tin cậy của báo cáo tài chính của BYD.
Cho đến hiện tại, phía BYD vẫn chưa lên tiếng về sự việc trên. Xét theo các quy tắc kế toán, cách BYD báo cáo các khoản phải trả không vi phạm. Nhưng theo các chuẩn mực GAAP của Mỹ và IFRS (International Financial Reporting Standards) đã có những sửa đổi yêu cầu công bố thông tin để đánh giá ảnh hưởng của hình thức tài chính này đến nợ phải trả, dòng tiền và rủi ro thanh khoản. Đối với các nhà đầu tư, bản chất của những nghĩa vụ này vẫn còn mơ hồ.
Vĩnh Khang