Tương lai nào cho “Tata không rẻ” tại Việt Nam? Xe rẻ nhất thế giới sắp được lắp ráp tại Việt Nam? Tata Tuff Truck: xe concept cá tính cho người Úc |
Cái "chết" của Tata Nano - chiếc ôtô rẻ nhất thế giới được khẳng định qua chính số lượng: Tata sản xuất chỉ một chiếc Nano trong tháng 6 vừa qua, trong khi cùng kỳ 2017 là 275 xe. Thậm chí không có xe nào được xuất khẩu, so với 25 xe của tháng 6 năm ngoái. Hãng ôtô Ấn Độ từng thừa nhận, rằng sản phẩm này sẽ không thể tiếp tục bắt đầu từ 2019, theo Bloomberg.
Sự kết thúc của chiếc ôtô rẻ nhất thế giới - Tata Nano, từng lần đầu ra mắt năm 2008 tặng bài học vô giá cho những hãng xe khác từng kỳ vọng làm điều tương tự ở Ấn Độ. Trong khi khách hàng có thể rất quan tâm tới giá trị sản phẩm, thì việc cắt giảm chi phí "đến tận xương tủy" để theo đuổi danh tiếng là không hữu hiệu nếu kết quả cuối cùng là một chiếc xe bị xếp hạng thường, thậm chí có nguy cơ cháy nổ.
Tata GenX Nano - phiên bản cao cấp của Nano ra đời năm 2015 với nỗ lực vực dậy doanh số của ôtô rẻ nhất thế giới. |
Tata GenX Nano - phiên bản cao cấp của Nano ra đời năm 2015 với nỗ lực vực dậy doanh số của ôtô rẻ nhất thế giới.
Sự thất bại của Nano đối lập với phần còn lại của thị trường xe hơi Ấn Độ. Từ xe máy tới xe con và xe tải, sự tăng trưởng ở mỗi phân khúc đều đáng ghi nhận. Xe con, gồm cả SUV, tăng 38% trong tháng 6. Xe thương mại cũng tăng 42% trong khi dòng xe 2 bánh - sản phẩm thống trị thị trường - cũng tăng 22%.
Maruti Suzuki, hãng ôtô lớn nhất Ấn Độ, công bố mức tăng hơn 40%. Thậm chí ở một phân khúc khá mới mẻ là xe 4 bánh có trọng lượng dưới 475 kg (quadricycle) cũng cho thấy dấu hiệu đi lên. Một trong những hãng tiên phong là Bajaj với sản phẩm có tên Qute kèm kế hoạch xuất khẩu đi hơn 10 thị trường trên thế giới cho tới cuối năm nay, theo Autocar.
Ấn Độ cũng là thị trường nơi ôtô điện gần như không tồn tại. Những tác động từ các ý tưởng thú vị như phương tiện di chuyển tương lai hay xe tự lái - những thứ đang ngày càng lan rộng ở phần còn lại của thế giới - cũng câm lặng. Nhưng các nhà sản xuất xe hơi nội địa vẫn cố gắng đạt được những cải tiến nhất định.
Trong bối cảnh đó, Nano của Tata là sản phẩm không đạt chuẩn an toàn, luôn chậm trễ và có những kết quả thử nghiệm va chạm gây nghi vấn. Mẫu bán tải Multix của hãng Eicher Motors cũng không thành công. Cả hai hãng đều phung phí hàng triệu đô vào việc đầu tư.
Nhưng Tata vẫn nhen nhóm hy vọng. Một người phát ngôn của tập đoàn này cho biết, Nano "có thể cần những khoản đầu tư mới mẻ để sống sót". Tuy nhiên, vẫn theo đuổi mục tiêu giá bán thấp nhất sẽ tiếp tục dẫn tới sai lầm. Cần để ý tới thực tế, rằng ở thị trường nơi ít mẫu mã nhưng số lượng nhiều, khách hàng tập trung vào giá trị. Điều đó có nghĩa họ sẽ đầu tư nhiều hơn cho trang bị - thứ trái ngược với Nano.
Số lượng lớn không gây ra cuộc chiến về giá bán, ít nhất trong một khoảng thời gian. Thay vì thế, Ấn Độ tỏ ra là thị trường ôtô sáng sủa nhất về lợi nhuận so với toàn cầu, theo các nhà phân tích của Nomura Holdings Inc.
Ví dụ được nêu là Hyundai, với thị phần lớn thứ hai sau Maruti Suzuki. Với việc tăng chi phí, hãng xe Hàn tăng giá bán nhiều mẫu xe và sau vài thập kỷ tại Ấn Độ, bắt đầu định vị lại là một thương hiệu cao cấp.
Maruti Suzuki cũng đang đi theo quỹ đạo tương tự. Hãng này tung ra những mẫu xe cao cấp hơn và những sản phẩm này đang chiếm một phần lớn hơn trong tổng doanh số so với những mẫu xe tiêu chuẩn. Hãng xe lớn nhất Ấn Độ tiếp tục giành thắng lợi với thị phần gần 50% tại quê nhà. Maruti Suzuki cũng tăng sản lượng và từng thông báo vào dịp cuối tuần qua, rằng họ có thể sản xuất thêm 750.000 xe trong vòng hai năm tới tại nhà máy ở bang Gujarat.
Ý tưởng về việc biến Nano thành một chiếc ôtô chạy điện cũng từng thoáng qua, nhưng đã "đi lạc" ở đâu đó. Điểm cốt yếu là chi phí làm xe điện rất cao, trong khi việc tạo ra công nghệ tương xứng là không phù hợp với một thương hiệu giá rẻ. Thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ là nguyên nhân khác của việc kết thúc một sản phẩm từng gây nhiều chú ý.
Khi ra mắt vào năm 2008, Nano có giá chỉ gần 2.000 USD tại thị trường Ấn Độ thời điểm đó. Đến 2018, dù con số đã tăng theo thời gian, giá niêm yết của "ôtô rẻ nhất thế giới" vẫn chỉ ở mức 3.500 USD. Ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng ôtô của khách hàng nội địa, nhưng một chiếc ôtô bị cắt bỏ hàng loạt trang bị tiêu chuẩn để có mức giá thấp nhất không phải là sản phẩm mà mọi người mong muốn.