![]() |
Thương hiệu xe điện Trung Quốc liền tục bị điều tra tại châu Âu. |
Theo nguồn tin từ Financial Times, Ủy ban châu Âu (EC) đang tiến hành điều tra BYD liên quan đến khả năng hãng này nhận trợ cấp không công bằng từ chính quyền Trung Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Hungary. Tháng 12/2024, BYD công bố đầu tư 4 tỷ EUR (khoảng 4,3 tỷ USD) để xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở thành phố Szeged, Hungary. Dự án này dự kiến tạo ra 10.000 việc làm, nhưng các quan chức EU lo ngại rằng BYD chủ yếu sử dụng nhân công và vật liệu xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc, làm giảm lợi ích kinh tế cho khối.
Nếu cuộc điều tra xác nhận vi phạm, EC có thể áp dụng các biện pháp nghiêm khắc như yêu cầu BYD bán bớt tài sản, giảm công suất nhà máy, hoàn trả trợ cấp hoặc nộp phạt. Ông Janos Boka, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Hungary, cho biết việc EC giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư tại nước này không phải điều bất ngờ. Điều này phản ánh sự cảnh giác của EU trước các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.
![]() |
Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR), được EC triển khai từ năm 2023, là công cụ nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng tại thị trường châu Âu. Trước đây, FSR từng được sử dụng để áp thuế nhập khẩu lên xe điện Trung Quốc, buộc các hãng như BYD phải tìm cách “lách luật” bằng việc xây dựng nhà máy tại EU. Nhà máy ở Hungary không chỉ giúp BYD tránh thuế mà còn củng cố vị thế tại châu Âu. Tuy nhiên, điều này lại làm gia tăng căng thẳng với chính sách bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nội địa của EU.
Không dừng lại ở Hungary, BYD tiếp tục kế hoạch mở rộng tại châu Âu. Hãng đã công bố dự án xây dựng nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến hoạt động từ năm 2026, và có thể sớm thông báo về nhà máy thứ ba trong vòng 7-8 tháng tới, theo Reuters. Những bước đi này cho thấy tham vọng lớn của BYD trong việc chiếm lĩnh thị trường xe điện châu Âu, nơi nhu cầu ngày càng tăng nhưng cạnh tranh cũng rất khốc liệt.
Ngoài EC, BYD còn đối mặt với rắc rối pháp lý tại Italy. Cơ quan Cạnh tranh Italy (AGCM), phối hợp với cảnh sát tài chính, đã kiểm tra trụ sở của BYD và ba hãng xe điện lớn khác. Cuộc điều tra tập trung vào nghi ngờ các hãng này cung cấp thông tin sai lệch về hiệu suất xe điện, vi phạm Đạo luật Người tiêu dùng Italy. Đây là một đòn giáng mạnh vào uy tín của BYD, vốn đang nỗ lực xây dựng hình ảnh thương hiệu tại châu Âu.
Các cuộc điều tra nhắm vào BYD không chỉ ảnh hưởng đến hãng xe này mà còn tác động đến chiến lược chung của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại châu Âu. Trong bối cảnh EU siết chặt chính sách bảo hộ và cạnh tranh ngày càng gay gắt, BYD và các hãng xe khác buộc phải điều chỉnh chiến lược để vừa tuân thủ quy định, vừa duy trì đà tăng trưởng. Dù vậy, với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh mẽ, BYD vẫn được xem là một “ông lớn” khó bị đánh bại trong cuộc đua xe điện toàn cầu.
Trương Long