Vài điều cần biết về F1
Formula One, viết tắt là F1 hay còn được gọi với cái tên Việt hoá là đua xe Công thức 1. Đây là giải đua xe được mệnh danh là môn thể thao tốc độ nhất hành tinh và được khởi xướng từ năm 1950. Mỗi mùa giải kéo dài trong một năm. Hiện nay, có tất cả 10 đội, mỗi đội có 2 xe tham gia.
Thời kỳ sơ khai của F1 |
Là giải đua xe danh giá nhất hành tinh, F1 còn quy tụ hàng trăm nhà tài trợ đến từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù có 10 đội tranh tài nhưng chỉ có 4 thương hiệu hàng đầu thế giới cung cấp động cơ gồm Ferrari, Mercedes-Benz, Honda, Renault.
Ngân sách mỗi đội đua chi cho giải F1 để ganh đua nhau vô cùng lớn, khoảng 100 triệu và có khi lên đến 500 triệu USD/năm. Theo số liệu thống kê chỉ riêng phần nghiên cứu phát triển động cơ xe đã tiêu tốn trung bình từ 125 đến 225 triệu USD cho mỗi mùa giải, vì vậy mà đây được xem là môn thể thao tốn kém nhất hiện nay.
F1 tính điểm ra sao
Một cuộc đua được giới hạn trong 2h, chia thành nhiều vòng (tuỳ đường đua). Nếu trong 2h mà các tay đua không về đến đích do bất cứ lý do gì đều bị tính lỗi DNF (Did not finish).
Trong trường hợp cần thiết (ví dụ có tai nạn, đường đua bị nguy hiểm...), ban tổ chức sẽ đưa xe an toàn (Safety car) vào đường đua để cảnh báo những chiếc xe F1 chạy chậm từ từ. Safety car chỉ rời khỏi đường đua khi sự cố được khắc phục
Cơ cấu tính điểm: Người về nhất sẽ được 25 điểm, về nhì 18 điểm, về ba 15 điểm, về tư 12 điểm, thứ 5 được 10 điểm, thứ 6 được 8 điểm, thứ 7 được 6 điểm, thứ 8 được 4 điểm, thứ 9 được 2 điểm và về 10 được 1 điểm. Trong mùa giải 2019, tay đua nào giành thành tích hoàn thành một vòng đua nhanh nhất (Fastest Lap) sẽ được cộng 1 điểm. Điều kiện đủ là tay đua này phải nằm trong 10 người về đích đầu tiên.
Trong trường hợp các xe không thể về đích, họ vẫn có thể được tính điểm, nếu có trong 10 thứ hạng kể trên, và phải hoàn thành ít nhất 90% đoạn đường mà người thắng cuộc đi được.
Nếu người thắng cuộc chỉ hoàn thành dưới 75% quãng đường của cuộc đua, các thứ hạng được tính điểm vẫn như trên nhưng số điểm chỉ bằng một nửa.
Cuối mùa giải, tay lái có tổng điểm cao nhất là tay lái giành ngôi vô địch. Ngoài ra còn giải giành cho đội đua, với cách tính là tổng điểm của 2 tay đua trong đội.
Trong cuộc đua, các xe có thể vào khu vực kỹ thuật (Pit-stop) để thay lốp. Thời gian vào Pit-stop diễn ra cực nhanh, chỉ trong khoảng 2 giây. Kỷ lục thế giới hiện nay thuộc về đội Williams với thời gian 1,89 giây.
Một pha Pit-stop mẫu mực của đội đua Ferrari
Cách theo dõi F1
Trong một chặng đua F1 sẽ có 2 phần chính: Đua phân hạng và đua chính thức. Trong đó đua phân hạng để sắp xếp vị trí xuất phát cho cuộc đua chính diễn ra vào chủ nhật.
3 tay đua có thành tích xuất sắc nhất trong 1 chặng sẽ được vinh danh trên bục podium |
Trong một chặng đua, tổng quãng đường không quá 305 km và kéo dài không quá 2h. Việc theo dõi hết toàn bộ 20 tay đua là điều rất khó. Nếu mới bắt đầu xem, hãy chọn cho mình một đội đua hoặc tay đua yêu thích để theo dõi.
Tại sao lại gọi là môn thể thao tốc độ nhất hành tinh?
Lý do rất đơn giản, mỗi chiếc xe F1 là tinh tuý của các hãng sản xuất xe hơi hàng đầu hành tinh. Vận tốc cao nhất trong một cuộc đua có thể đạt đến 350km/h. Thậm chí, ban đầu các xe F1 được trang bị động cơ V12 song vì quá nhanh và đắt đỏ cũng như tăng độ nguy hiểm nên dần bị ban tổ chức quy định giảm số lượng xi-lanh xuống V10 rồi V8 và cuối cùng là V6 như ngày nay. Tuy nhiên là động cơ V6 và dung tích chỉ 1,6L song những cỗ xe đua F1 vẫn có khả năng tăng tốc 0-160km/h sau đó phanh về 0 km/h chỉ dưới 5 giây.
Do những đặc tính kỹ thuật được đẩy lên mức giới hạn, để tạo nên một chiếc xe đua F1, các đội đua phải bỏ ra nhiều triệu USD. Trong đó riêng phần động cơ đã ngốn khoảng 8-10 triệu USD.
Để xây dựng một chiếc xe F1 tốn rất nhiều tiền |
Xe F1 có an toàn không?
Với yếu tố hàng đầu là tạo ra một cỗ máy nhanh nhất trong khuôn khổ luật của ban tổ chức, xe F1 rất nhẹ và mỏng manh. Song nhờ các kỹ sư thiết kế mà độ an toàn vẫn được đảm bảo. Chúng ta thường được chứng kiến những vụ va chạm khiến xe đua F1 vỡ ra từng mảnh song các tay đua thì vẫn bình an vô sự. Đó là nhờ phần "dàn áo" phía ngoài được chủ đích thiết kế để vỡ tung khi va chạm, trong khi đó phần khung bảo vệ các tay đua thì vẫn còn nguyên vẹn. Cùng với bộ đồ bảo hộ, các tay đua có thể an tâm thể hiện tài năng trên những cỗ máy là tinh hoa của ngành công nghiệp ô tô.
Tổng hợp
Khánh Đoàn